dd/mm/yyyy

Nông thôn mới Sơn La: Nhiều giải pháp giúp nông dân làm giàu

Sản xuất nông, lâm nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH tại huyện Yên Châu (tỉnh Sơn La). Vì vậy, công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được xem là giải pháp thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo thu nhập và ổn định đời sống cho bà con nông dân.

Theo như đánh giá của phòng Nông nghiệp huyện Yên Châu: Thời gian qua, địa phương luôn chú trọng tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp cho bà con nhân dân, đặc biệt là bà con đồng bào dân tộc thiểu số những vùng khó khăn, vùng sâu và vùng xa.

Huyện luôn chú trọng tổ chức các lớp khuyến nông, khuyến lâm, tổ chức tập huấn hội thảo cho nông dân vùng đồng bào dân tộc, hướng dẫn người dân về kỹ thuật, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, áp dụng giống mới có chất lượng năng suất trong sản xuất, chăn nuôi. Đến nay, hầu hết bà con nông dân trên địa bàn huyện đều biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, chuyển diện tích đất trồng bạc màu sang trồng cây ăn quả trên đất dốc, chăn nuôi các loại vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nâng cao mức thu nhập và  ổn định cuộc sống cho người dân.

Yên Châu giúp nông dân làm giàu - Ảnh 1.

Những năm qua, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Châu đã tập trung thực hiện tốt việc tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, qua đó giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển đời sống…

Chia sẻ với phóng viên báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Nuyễn Văn Điện, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Châu, cho hay: "Năm 2019, chúng tôi đã tổ chức 291 lớp tập huấn các chương trình khuyến nông cho hơn 13.000 lượt người tham gia. Trong đó, tổ chức tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi theo chuỗi giá trị từ nguồn ngân sách huyện được 18 lớp với 900 người tham gia; tập huấn kỹ thuật điều tra sâu bệnh trên cây ăn quả được 2 lớp với 60 người tham gia.

Ngoài ra, chúng tôi cũng tổ chức tập huấn theo nhu cầu của nông dân về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; kỹ thuật thâm canh một số cây trồng trên đất dốc; ủ phân, hướng dẫn phòng chống rét cho cây trồng, kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật... được 271 lớp với gần 13.000 người tham gia".

Yên Châu giúp nông dân làm giàu - Ảnh 2.

Người dân huyện Yên Châu đã đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp.

Bằng những việc làm thiết thực và hiệu quả của ngành nông nghiệp huyện Yên Châu, người dân đã tích lũy được kiến thức và kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều năm trở lại đây, bà con sinh sống trên địa bàn huyện đã có nguồn thu nhập cao từ các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế, như: Xoài Đài Loàn, xoài tròn, mít thái, chuối, tỏi tía... Đời sống và thu nhập của người dân không ngừng tăng cao, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo và có của ăn của để.

Yên Châu giúp nông dân làm giàu - Ảnh 3.

Hiện nay, trên địa bàn Yên Châu có 355 ha cây ăn quả.

Là hộ đầu tiên đưa cây mít Thái về trồng ở bản Chiềng Thi, xã Chiềng Pằn, anh Nguyễn Văn Bắc đã có nguồn thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm. Anh Bắc chia sẻ: "Trước đây gia đình tôi chủ yếu làm nương rẫy và trồng ít rau sạch bán ở chợ, cuộc sống lúc đó khó khăn lắm. May mắn có phòng Nông nghiệp huyện tổ chức lớp tập huấn trồng trọt, tôi đã đăng ký tham gia, sau đó tôi mua mít Thái về trồng trên nương.

Nhờ có kiến thức tích lũy từ lớp học của huyện giảng dạy, tôi đã áp dụng vào chăm sóc vườn cây của mình. Hiện tại, tôi có 130 cây mít Thái đang cho chu thu hoạch. Trung bình 1 cây mít Thái thu được từ 35 – 40 kg quả. Mít Thái bán trên thị trường giao động từ 40 - 45.000 đồng/kg tùy theo mùa vụ. Giờ đây cuộc sống của gia đình tôi đã có nguồn thu nhập cao và ổn định, không còn khó khăn như trước nữa".

Yên Châu giúp nông dân làm giàu - Ảnh 4.

Hiện nay, nhiều diện tích cây ăn quả và diện tích canh tác rau trên địa bàn huyện Yên Châu, hầu hết được ứng dụng hệ thống tưới tiêu tự động, tiết kiệm chi phí lao động, nâng cao năng suất trên 1 diện tích canh tác.

Những năm qua, huyện Yên Châu luôn thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn. Đồng thời, đã phối hợp với Trung tâm quản lý chất lượng vùng I kiểm tra, đánh giá 10 hợp tác xã để cấp chứng nhận VietGAP và mã số vùng trồng cho diện tích cây ăn quả đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Phối hợp với các công ty thực hiện chương trình liên kết sản xuất và bao tiêu quả chanh leo cho người dân.

Huyện cũng hướng dẫn, tuyên truyền người dân áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn trong trồng rau, quả (VietGAP); tuyên truyền nhân rộng hệ thống máy tách phân trong chăn nuôi lợn; phối hợp với viện rau quả Hà Nội hội thảo đánh giá các mô hình cây ăn quả đang thực hiện trên địa bàn huyện; thâm canh xoài theo hướng VietGAP, ứng dụng công nghệ tưới ẩm cho cây ăn quả; mô hình sản xuất rau trái vụ theo hướng ViệtGAP...

Yên Châu giúp nông dân làm giàu - Ảnh 5.

Nông dân huyện Yên Châu đã biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Hà Văn Bình, bản Huổi Mong, xã Chiềng Hặc trồng hơn 200 gốc nhãn ghép, 300 gốc xoài Đài Loan, xen với chanh bốn mùa, thu hơn 300 triệu đồng/năm. Ông Bình cho hay: "Để có được vườn cây cho giá trị kinh tế cao như hiện nay, tất cả là nhờ sự quan tâm của huyện và phòng Nông nghiệp đã mở lớp tập huấn kỹ thuật ghép, chiết cành cho người dân chúng tôi. Khi biết cách chiết cành, tôi đã tự ghép mắt nhãn chín muộn, xoài Đài Loan vào vườn cây ăn quả giống địa phương của gia đình. Nhờ vậy mà nhiều năm qua gia đình tôi đã có nguồn thu nhập cao từ cây ăn quả, cuộc sống ngày càng sung túc và khá giả hơn".

Yên Châu giúp nông dân làm giàu - Ảnh 6.

Những năm qua, huyện Yên Châu luôn thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

Hiện nay, nhiều diện tích cây ăn quả và diện tích canh tác rau trên địa bàn huyện, hầu hết được ứng dụng công nghệ cao như phủ bạt nông nghiệp, ứng dụng hệ thống tưới tự động. Với việc chú trọng chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân, đã giúp nâng cao đời sống của bà con, nên  tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh so với nhưng năm trước đây.

Yên Châu giúp nông dân làm giàu - Ảnh 7.

Công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được xem là giải pháp thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo thu nhập ổn định cho bà con nông dân vươn lên làm giàu.

Ông Nguyễn Văn Điện, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Châu, nhận định: "Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất cho bà con nông dân. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền các chương trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Tổ chức các lớp dạy nghề, tập huấn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cung ứng các loại giống, phân bón cho nông dân. Thực hiện các chương trình, mô hình, dự án phát triển nông, lâm nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác xã, kinh tế trang trại, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương".

Hà Hoàng - Đinh Minh Khanh