dd/mm/yyyy

Hòa Bình: Tận dụng lợi thế phát triển nghề nuôi cá lồng

Tận dụng thế mạnh về diện tích mặt nước hồ thủy điện Hòa Bình để nuôi cá lồng, thời gian qua nhiều hộ gia đình sinh sống ven lòng hồ Sông Đà đã có cuộc sống khá giả từ nghề nuôi cá lồng.

Vùng Hồ Hòa Bình nằm cách trung tâm Hà Nội 74 km về phía Tây, trải rộng trên địa bàn 17 xã thuộc 4 huyện và 1 thành phố của tỉnh Hòa Bình. Nơi đây từ lâu đã được biết đến như một "Vịnh Hạ Long trên núi" với cảnh quan thiên nhiên đẹp, đặc biệt có lợi thế và tiềm năng phát triển mô hình nuôi cá lồng.

Thời gian qua, nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình luôn được các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm và tạo điều kiện để bà con nông dân mở rộng sản xuất. Một trong những yếu tố then chốt để đưa nghề nuôi cá lồng phát triển là phải chăn nuôi theo hướng bền vững. Đây cũng là thông điệp tại diễn đàn Khuyến nông và Nông nghiệp (tổ chức tại Hòa Bình vào ngày 13/10), do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức với chủ đề "Phát triển nuôi thủy sản lòng hồ đạt hiệu quả cao và bền vững hướng tới sản phẩm OCOP tại các tỉnh miền núi phía Bắc".

Hòa Bình: Phát huy tiềm năng thế mạnh nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Xuân Sang, xóm Nai, xã Thung Nai kiểm tra tình hình sinh trưởng của cá nuôi tại lồng bè.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình, đến năm 2020 toàn tỉnh đã có 2.700 ha mặt nước ao hồ nuôi thủy sản. Hiện có 4.700 lồng nuôi cá trên hồ Hòa Bình. Hiện nay toàn tỉnh có 33 HTX nuôi trồng thủy sản, 4 doanh nghiệp nuôi cá lồng bè với quy mô trên 100 lồng, 20 cơ sở nuôi cá lồng bè có quy mô trên 20 lồng/cơ sở.

Hòa Bình: Phát huy tiềm năng thế mạnh nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ - Ảnh 2.

Những năm qua, nghề nuôi cá lồng trên thủy điện Hòa Bình đã trở thành phao cứu sinh giúp nhiều nông hộ ăn nên làm ra.

Giữa không gian mênh mông của miền sơn cước xã Thung Nai, huyện Cao Phong khu nuôi cá của anh Nguyễn Xuân Sang tựa như một khu gia trại. Chiếc nhà nổi được dựng chắc chắn, xung quanh là 20 bè cá được cột chặt vào nhau. Khu bè cá của anh Sang nằm sát xóm Nai. Các bè cá được cột chặt lại với nhau, tạo thành khu nhà nổi chắc chắn. Anh Sang nhẹ nhàng đi trên bè với thùng ngô đã được ngâm lâu và ném xuống hồ cho đàn cá ăn.

Vừa thấy bóng anh Sang, đám cá ở dưới đáy lồng bỗng lao lên mặt nước vùng vẫy, tranh nhau từng hạt ngô. Đám trắm đen lưng có mình dài lượn lờ như những chiếc "tàu ngầm". Hiện khu bè của anh Sang có 6 lồng trắm đen, 6 lồng nuôi cá lăng còn lại là cá rô, chép và cá trê. Trong các loại cá anh Sang nuôi, anh "kết" nhất là cá trắm đen. Giống này ít bệnh, ăn khỏe lại lớn nhanh. Hơn nữa, nó luôn là mặt hàng được săn lùng nhiều nhất vào mỗi dịp tết và làm quà biếu.

Hòa Bình: Phát huy tiềm năng thế mạnh nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ - Ảnh 3.

Để giúp bà con nhân dân phát triển kinh tế bằng nghề nuôi cá lồng, những năm qua các cấp ban ngành đoàn thể và Trung tâm khuyến nông luôn chỉ đạo và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cá lồng cho bà con.

Anh Sang cho biết: "Tôi sinh ra và lớn lên tại xóm Nai, xã Thung Nai, đã quen với những thửa ruộng bậc thang tạc vào vách núi. Ngày ngày lên nương trồng ngô, trồng sắn, bao năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà cuộc sống vẫn khó hoàn khó. Ước mơ của tôi về cuộc sống đủ đầy với gia đình lúc nào cũng cháy bỏng hơn bao giờ hết. Cách đây 3 năm, nhận được chương trình hỗ trợ nuôi cá lồng từ tỉnh Hòa Bình, tôi đã mạnh dạn nuôi cá lồng. Tôi nuôi chủ yếu cá trắm đen, rô phi, lăng...

Trong mỗi lồng cá, tôi thả 300 con - 400 con. Tôi nuôi cá trắm đen đạt trên 7kg, bán với giá 200.000 đồng/kg. Thường thì cá đạt trọng lượng trên 10kg tôi mới bán. Cá lăng thì 150.000 đồng -170.000 đồng. Bình quân 1 năm tôi lãi gần 500.000 triệu đồng. Sau 1 thời gian ngắn cuộc sống của gia đình tôi đã thoát nghèo và dư giả lên hẳn".

Hòa Bình: Phát huy tiềm năng thế mạnh nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ - Ảnh 4.

Nhờ khâu chăm sóc tốt nên chất lượng thịt cá lồng luôn săn chắc và nhiều khách hàng lựa chọn.

Còn anh Bùi Văn Long, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc phấn khởi cho biết, từ khi nuôi cá lồng thu nhập của gia đình ổn định hơn, không phải chật vật như thuở làm nương rẫy. Tôi gắn bó với nghề nuôi cá lồng gần 8 năm nay. Tôi thấy năm nay thời tiết ủng hộ, từ khi thả giống đến giờ 7 lồng cá của gia đình tôi đều phát triển khỏe mạnh, không xuất hiện dấu hiệu dịch bệnh bất thường. Tôi nuôi chủ yếu là cá trắm cỏ, chép, rô phi, đến thời điểm cá xuất bán có nhiều tiểu thương ở huyện và thành phố Hòa Bình vào mua tận nơi. Tôi không phải chạy vạy tìm đầu ra như các vật nuôi khác. Mỗi năm tôi thu lãi hơn 200 triệu đồng.

Hòa Bình: Phát huy tiềm năng thế mạnh nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ - Ảnh 5.

Hiện nay trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình có 4.700 lồng nuôi cá các loại như: Lăng, diêu hồng, trắm cỏ, rô phi, chép, ngạnh...

Theo ông Đỗ Đức Trường, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến Nông tỉnh Hòa Bình cho biết: Sự phát triển nuôi cá lồng bè hiện nay có được là một phần nhờ vào chủ trương, chính sách của tỉnh, sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp và những chính sách phù hợp, kịp thời của tỉnh Hòa Bình. Trong giai đoạn 2015– 2020, Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình đã thực hiện hàng chục lớp tập huấn kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho cá. Xây dựng các mô hình khuyến ngư gồm mô hình nuôi cá tầm trong lồng, nuôi cá diêu hồng, lăng, ngạnh, trắm đen trong lồng; nuôi cá trắm cỏ thâm canh năng suất cao trong ao, hồ chứa. Chúng tôi đã thực hiện thành công các mô hình này, được người nuôi cá lồng bè trong vùng hưởng ứng và nhân rộng, tới nay đã có hàng trăm hộ dân nuôi theo và cho thu nhập ổn định.

Hòa Bình: Phát huy tiềm năng thế mạnh nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ - Ảnh 6.

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh phát triển nghề nuôi cá lồng, tỉnh Hòa Bình đang đẩy mạnh tuyên truyền, tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp người dân yên tâm sản xuất.

Tại diễn đàn Khuyến nông và Nông nghiệp tổ chức tại Hòa Bình vào ngày 13/10, ông Kim Văn Tiêu, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ, nhằm phát triển bền vững nghề nuôi cá nước ngọt, Bộ NN&PTNT đã giao Trung tâm chủ trì phối hợp với các địa phương xây dựng các dự án khuyến ngư về nuôi cá lồng bè, nuôi thâm canh, các rô phi theo hướng VIETGAP, nuôi ghép các đối tượng các truyền thống, nuôi cá lúa… Dự án được triển khai tại 14 tỉnh thành phố, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Hải Dương… Quy mô 36ha (1ha/mô hình) với 118 hộ tham dự án. Kết quả, mỗi mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao. 

Từ hiệu quả mô hình đã đánh thức được tiềm năng, nuôi cá lồng bè trên hồ chứa tại các tỉnh miền núi phía Bắc lâu nay đã bị bỏ quên. Nhằm đa dạng các hình thức nuôi, tận dụng tiềm năng diện tích mặt nước sẵn có tại địa phương. Các dự án đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, tạo sản phẩm sạch, an toàn phục vụ cho nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hòa Bình: Phát huy tiềm năng thế mạnh nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ - Ảnh 7.

Tận dụng lợi thế về diện tích mặt nước, các nông hộ đang đẩy mạnh nuôi các loại cá đặc sản như: Lăng đen, cá nghạnh, diêu hồng.

Được biết, trong giai đoạn từ năm 2021 - 2023, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tiếp tục đề xuất Bộ NN-PTNT đồng ý phê duyệt triển khai 5 dự án tại các tỉnh phía Bắc gồm: Xây dựng mô hình nuôi trai lấy ngọc phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu triển khai tại tỉnh Vĩnh Phúc. Xây dựng mô hình nuôi cá lăng chấm (Hemibagrus guttatus), cá chiên (Bagarius yarrelli) theo hướng VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm triển khai tại tỉnh Tuyên Quang.

Xây dựng mô hình nuôi cá bỗng (Spinibarbichthys denticulatus) trong lồng bè trên sông và hồ chứa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm triển khai tại tỉnh Cao Bằng. Xây dựng mô hình nuôi cá nheo Mỹ (Ictalurus punctatus) trong lồng bè trên sông và hồ chứa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm triển khai tại tỉnh Lạng Sơn. Xây dựng mô hình nuôi cá trắm đen (Mylopharyngodon piceus) thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với chuỗi liên kết triển khai tại tỉnh Thái Bình.

Hòa Bình: Phát huy tiềm năng thế mạnh nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ - Ảnh 8.

Có thể nói nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ Hòa Bình đang trở thành hướng đi mới, giúp bà con thoát nghèo và làm giàu trong thời gian tới.

Nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà đã và đang cho thấy những hiệu quả tích cực về kinh tế. Tuy nhiên để nghề nuôi cá lồng phát triển đồng bộ hơn nữa, chính quyền địa phương cần phối hợp với các đơn vị đầu mối, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ để tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp bà con vùng lòng hồ khai thác tốt lợi thế về mặt nước. Tạo điều kiện cho nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững, giúp đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sông nước giảm nghèo và làm giàu chính đáng trên quê hương.

 

Hà Hoàng