dd/mm/yyyy

Người đô thị trồng rau, mạnh ai nấy làm

Không yên tâm với nguồn thực phẩm, nhiều cư dân đô thị đã tự học cách trồng rau, thậm chí có người nuôi gà, lợn để thỏa sức chế biến các món ăn ngon mỗi ngày trong bữa cơm gia gia đình. Chính xu hướng làm trang trại tại đô thị vô tình đã khiến nông dân khu vực ven đô gặp khó khăn khi thị phần bị thu hẹp.

Trồng rau chỉ tùy ý thích

Chị Nguyễn Thanh Huyền ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: “Do gia đình mình có cả người già, trẻ nhỏ nên lúc đầu chỉ nghĩ tới việc tự trồng rau xanh để gia đình đỡ phải ăn phải thực phẩm có hóa chất. Không ngờ, khi bắt tay vào trồng rau lại thấy đam mê với thú vui này nên từ 3 năm nay, vườn rau trên tầng thượng nhà mình lúc nào cũng xanh tốt quanh năm. Cứ mùa nào thì rau đó, chẳng phải ra chợ nữa, thậm chí còn có rau sạch cho người thân, hàng xóm xung quanh”.

Gia đình chị Nguyễn Thị Hường ở phường Quang Trung, quận Hà Đông (Hà Nội) có vườn rau xanh tốt trên tầng thượng.
Gia đình chị Nguyễn Thị Hường ở phường Quang Trung, quận Hà Đông (Hà Nội) có vườn rau xanh tốt trên tầng thượng.

Cùng chung suy nghĩ như chị Huyền, gia đình ông Hùng ở quận Tây Hồ (Hà Nội) có điều kiện nên thuê cả một người làm vườn chỉ chuyên chăm sóc vườn rau trên tầng thượng của gia đình. “Không chỉ có rau sạch để ăn, mỗi khi đi làm về, chỉ cần ngắm khu vườn trên tầng thượng tôi lại cảm thấy thư thái và xua tan đi mọi mệt mỏi, ưu phiền”, ông Hùng chia sẻ.

Dù chưa có một đơn vị, tổ chức nào thống kê được hiện nay lượng rau xanh, thực phẩm tự cung, tự cấp của người dân ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh… nhưng xu thế trồng rau xanh trong hộp xốp, trồng rau xanh trên sân thượng, tại các khoảng không còn trống ở các thành phố lớn của người dân đã trở thành phổ biến.

Chỉ cần lướt qua các trang mạng sẽ thấy, người ta còn lập ra hàng loạt các diễn đàn để cung cấp giống, vật tư như hộp xốp, phân bón… thậm chí là hướng dẫn rất tỷ mỉ cách trồng từng loại cây trồng khác nhau để bất cứ một người dân đô thị nào, dù chưa biết gì về nông nghiệp cũng có thể tự trồng được rau xanh, tự cung, tự cấp cho gia đình.

Tuy nhiên, không chỉ tự dừng lại ở khoảng không đất chật hẹp ven nhà hay trên ban công, sân thượng… nhiều người có điều kiện còn thuê đất làm trang trại ở ven đô thị.

Chị Nguyễn Thị Minh ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết: “Trước đây, cứ cuối tuần là tôi lại về quê ngoại ở Phú Thọ lấy thực phẩm của bố mẹ tự làm. Từ rau xanh, tôm, cua, cá… nhưng giờ có điều kiện hơn, thi thoảng lại rủ mấy nhà hàng xóm cùng đi ô tô về thuê người thịt lợn, thịt gà khuân lên, nhét đầy tủ lạnh ăn cả tuần”, chị Minh chia sẻ.

Có điều kiện hơn chị Minh, Anh Nguyễn Mạnh Hùng ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) là một kỹ sư phần mềm, sau nhiều năm tích góp đã quyết định chung với 2 người bạn mua 4ha đất ở Ba Vì (Hà Nội). “Chúng tôi thuê 4 công nhân làm trang trại tổng hợp, vừa trồng rau, cây ăn quả, nuôi lợn, nuôi gà và thả cá để cứ cuối tuần là các gia đình cùng nhau về trang trại, vừa kết hợp đi chơi, vừa lấy thực phẩm sạch về ăn”.

Vườn rau sạch với đủ loại cây, hoa ở Thành phố Lạng Sơn.
Vườn rau sạch với đủ loại cây, hoa ở Thành phố Lạng Sơn.

Phát triển… thụt lùi!

Được biết đến là vùng rau sạch lớn nhất vùng ven đô, bà Lê Thị Lộc ở Đông Anh (Hà Nội) khi được hỏi chia sẻ, “Rau ở Đông Anh chẳng thiếu một loại gì, chỉ cần có cầu là sẽ cung ứng đầy đủ. Những năm gần đây, thương hiệu rau Đông Anh cũng được nhiều người biết đến, trồng đúng quy trình sạch theo VietGAP và các tiêu chuẩn cao hơn. Tuy nhiên, nhiều thời điểm đầu ra vẫn khó khăn do rất ít hộ ký được hợp đồng trước, chủ yếu tiêu thụ vẫn phụ thuộc vào thương lái”, bà Lộc nói.

Theo bà Lộc, là người sản xuất rau thì chỉ cần đặt hàng theo tiêu chuẩn nào cũng có thể làm được, từ VietGAP hay GlobalGAP và các tiêu chuẩn cao hơn, miễn là giá cả thỏa đáng với công sức của người nông dân bỏ ra. Tuy nhiên, không phải ở vùng rau nào cũng có thể làm tốt được như ở Đông Lỗ, nên chính cảm giác không an toàn đã khiến cho nhiều người tự sản xuất rau, thực phẩm, dẫn đến thị phần của người nông dân trồng rau ngày càng bị thu hẹp.

"Nếu không có giải pháp kiểm soát tốt ATVSTP và quản lý tốt khâu bán lẻ, có thể kiểm soát được thực phẩm theo chuỗi thì lĩnh vực sản xuất lại có xu hướng đi thụt lùi với sự phát triển. Bởi việc trồng rau, nuôi gà, lợn phải hướng tới ngày càng chuyên môn hóa và thuộc công việc của nông dân chứ không phải người đô thị". Ông Vũ Vinh Phú

Khi hỏi về những tác động của xu hướng tự sản xuất thực phẩm ở đô thị, nhiều người dân trồng rau ở Đông Anh chia sẻ: Mỗi khi đọc báo thấy không chỉ người dân đô thị tự trồng rau, thuê trang trại nuôi lợn, gà…tự cung, tự cấp cho gia đình mà ngay cả các “đại gia” là những khách hàng “tiềm năng” nhất cũng có xu hướng tự đi tìm thực phẩm sạch. Ví như ông chủ của thương hiệu vàng Bảo Tín Minh Châu thì có sở thích tự đi “săn lùng” nông sản sạch cho gia đình và tặng cho bạn bè; ông Hồ Thế Sơn - Tổng Giám đốc Công ty thời trang Foci và chuỗi nhà hàng Sabu Kichoo thì còn mua đất, tự tay sản xuất thực phẩm sạch. Chủ tịch tập đoàn Nutifood Trần Thanh Hải cũng rủ bạn bè tự làm trang trại sản xuất thực phẩm sạch. Ông chủ của khu du lịch Đại Nam Huỳnh Uy Dũng (Dũng lò vôi) cũng dành khoảng đất để tự sản xuất thực phẩm sạch cho mình…

XEM THÊM >> Cách trồng rau hiệu quả cho người mới bắt đầu

Một số văn, nghệ sỹ khi có điều kiện kinh tế đã tự tìm đến các vùng ngoại ô, vừa xây biệt thự ở và vừa làm trang trại sản xuất thực phẩm sạch… Họ là những “khách hàng” lại có xu hướng tự cung, tự cấp thực phẩm thì người nông dân làm ra sản phẩm chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, thị trường tiêu thụ ở đô thị lớn cũng bị hẹp đi một phần. Ở góc độ người trực tiếp sản xuất, ông Trương Văn Nam – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) cho rằng, nguyên nhân chính vẫn là ở khâu quản lý, thị trường đúng là còn tình trạng thực phẩm bẩn và sạch bị “đánh đồng” với nhau làm mất niềm tin của người tiêu dùng. Do đó, người đô thị tự sản xuất thực phẩm chỉ là bất đắc dĩ, bởi việc sản xuất đúng ra là ngày càng phải chuyên môn hóa, xã hội phân công việc đó phải thuộc về người nông dân. Tuy nhiên, khi niềm tin của người tiêu dùng vẫn còn “mù mờ” về thực phẩm, người sản xuất cũng sẽ bị “bế tắc” đầu ra và sản xuất nông nghiệp năng suất, chất lượng có tốt đến mấy mà đầu ra không ổn định thì nông dân cũng khó mà làm giàu từ sản xuất nông nghiệp.

Nhận định về thực trạng này, chuyên gia Vũ Vinh Phú – nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, người dân đô thị phải tự sản xuất nông sản chứng tỏ chất lượng sống đang có vấn đề. Việc người đô thị ngày càng tìm mọi biện pháp tự cung, tự cấp thực phẩm cho gia đình cũng cho thấy sự thất bại của công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như toàn hệ thống phân phối bán lẻ.

XEM THÊM >> Vì sao người Trung Quốc gọi lạc là củ "trường sinh"?

Phi Long