dd/mm/yyyy

Người dân bản Mỏ phấn khởi khi có nhà văn hoá mới

“Nhà văn hoá bản là nơi sinh hoạt cộng đồng, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và đáp ứng nhu cầu hội họp, vui chơi, giải trí của người dân. Đó là ngôi nhà chung gắn kết tình làng, nghĩa xóm, nâng cao đời sống tinh thần của người dân …”, ông Hà Đức Tuyển, Trưởng bản Mỏ phấn khởi bảo vậy.

Hôm chúng tôi có mặt, bà con ở bản Mỏ (xã Tân Lang, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La), đang hồ hởi quét dọn khuôn viên nhà văn hoá bản mới xây xong cách đây 2 tháng.

Niềm nở đón tiếp chúng tôi, ông Hà Đức Tuyển, Trưởng bản Mỏ, chia sẻ: "Bản Mỏ có 170 hộ dân, 807 nhân khẩu với 100% là đồng bào người Mường. Trước đây, bản Mỏ chưa có nhà văn hoá nên mỗi khi họp hành đều rất khó khăn. Mỗi khi cán bộ xuống bản triển khai chính sách chủ yếu họp nhà tôi và Bí thư Chi bộ. Sau khi được đầu tư xây dựng nhà văn hoá theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), người dân bản Mỏ rất phấn khởi". 

Người dân bản Mỏ phấn khởi khi có nhà văn hoá mới  - Ảnh 1.

Việc đưa nhà văn hoá bản Mỏ vào sử dụng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức các hoạt động, sinh hoạt ý nghĩa cho người dân trong bản.

 Theo tìm hiểu, nhà văn hoá bản Mỏ có diện tích xây dựng là 156,2m2, được chia thành 5 gian. Trong đó, gian sân khấu rộng 4,2m, 4 gian hội trường mỗi gian rộng 3,6m, hành lang rộng 1,8m. Công trình có chiều cao trần là 3,6m, chiều cao đỉnh mái là 6m. Nền nhà lát gạch Ceramic kích thước 500x500. Bục sân khấu cao hơn cốt nền phía trong nhà 0,45m, đảm bảo không gian sinh hoạt cho bà con…

Người dân bản Mỏ phấn khởi khi có nhà văn hoá mới  - Ảnh 2.

Hệ thống chiếu sáng được thiết kế đảm bảo an toàn và phù hợp với công năng sử dụng của nhà văn hoá

Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Đức Thắng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (Ban QLDA đầu tư xây dựng) huyện Phù Yên, cho biết: "Nhà văn hoá bản Mỏ có tổng mức đầu tư trên 800 triệu đồng do Ban là chủ đầu tư. Trong đó, nhân dân đóng góp trên 20 triệu đồng. Mục tiêu của công trình là hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần cho người dân. Từng bước ổn định đời sống và hoàn thành các tiêu chí về NTM trên địa bàn xã Tân Lang. Hiện, chúng tôi đã tổ chức nghiệm thu và bàn giao công trình cho người dân bản Mỏ. Có được nhà văn hoá khang trang, bà con ai cũng phấn khởi".

Người dân bản Mỏ phấn khởi khi có nhà văn hoá mới  - Ảnh 3.

Nhà văn hóa khang trang đang góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân bản Mỏ.

Anh Hà Văn Thiền, dân bản Mỏ, hồ hởi nói: "Trước đây, bản không có nhà văn hoá nên không đáp ứng được nhu cầu hội họp, sinh hoạt của bà con. Mỗi khi tổ chức tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đại diện các hộ gia đình đều tập trung tại nhà Trưởng bản. Người thì đứng, người thì ngồi, rất chật chội, cơ sở vật chất không đảm bảo".

Đến nay, nhờ sự đầu tư của Nhà nước cộng với sự góp sức của người dân, bản đã có nhà văn hoá khang trang. Nhà văn hoá đưa vào sử dụng là nơi sinh hoạt cộng đồng thiết thực đối với bà con. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu văn hoá, văn nghệ giữa các bản với nhau. Những cuộc họp bàn các vấn đề trong bản được diễn ra thuận lợi. Đại diện các gia đình có mặt đông đủ hơn. Hiệu quả tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước nhận được sự đồng thuận của bà con. Đặc biệt, tình đoàn kết của người dân trong thôn được tăng cường và gắn kết hơn.

Người dân bản Mỏ phấn khởi khi có nhà văn hoá mới  - Ảnh 5.

Mỗi tuần, Ban Quản lý bản Mỏ phân công từ 5 hộ - 6 hộ dân tổ chức quét dọn, vệ sinh nhà văn hoá.

Nhà văn hoá bản Mỏ được xây dựng khang trang đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống văn hoá cho bà con. Qua đó, góp phần giúp xã Tân Lang hoàn thành tiêu chí cơ sở vật chất văn hoá để đạt chuẩn NTM trong năm 2020.

Tuệ Linh