dd/mm/yyyy

Làm gì để phát triển hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao?

Diễn đàn Phát triển hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tổ chức tại VCCI ngày 17/12, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì.

Tại Diễn đàn Phát triển hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tổ chức tại VCCI ngày 17/12, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, từ bao đời nay, Việt Nam vốn là đất nước nông nghiệp, "nhất nông nhì sĩ" với khu vực nông thôn chiếm tới 63% dân cư, 66% số hộ, 68% người làm việc; nông nghiệp chiếm tỷ trọng 13,96% trong GDP.

Tuy nhiên, bao đời nay, mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị vẫn luôn là "căn bệnh trầm kha" của nền nông nghiệp nước ta.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xuất khẩu nông sản Việt Nam bế tắc, những thị trường xuất khẩu lớn Trung Quốc, EU, Mỹ đóng băng cộng thêm tác động kép của hạn hán, xâm nhập mặn và bão lũ, nền nông nghiệp Việt Nam chứng kiến cảnh nông dân mất mùa, doanh nghiệp phá sản và hàng loạt khó khăn trước mắt.

Làm gì để phát triển hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao? - Ảnh 1.

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khai mạc Diễn đàn.

"Bên cạnh đầu tư công nghệ chế biến, chú trọng thị trường nội địa, ứng dụng công nghệ vao được xem là "thang thuốc" hiệu quả cho tương lai nông nghiệp Việt. Câu chuyện về cuộc cách mạng 4.0 được nhắc đến không chỉ như một xu thế ngắn hạn mà là một hành trình xuyên suốt liền mạch để thay đổi bộ mặt nền nông nghiệp Việt Nam", TS Vũ Tiến Lộc nói.

Chủ tịch VCCI cũng cho rằng, ứng dụng công nghệ sinh học chọn lọc, lai tạo các giống có năng suất, chất lượng cao, có khả năng kháng bệnh, chịu đựng tốt với môi trường, công nghệ nuôi thủy sản tuần hoàn (RAS), công nghệ biofloc, công nghệ nano, công nghệ nuôi lồng trên biển, công nghệ nuôi cá nước lạnh.

Công nghệ trí tuệ nhân tạo đã được sử dụng trong nuôi tôm nhằm phân tích các dữ liệu về chất lượng nước; quản lý thức ăn và sức khỏe của tôm nuôi. Công nghệ tự động hóa đã được áp dụng khá rộng rãi trong khâu chế biến thủy sản từ phân loại, hấp, đóng gói, dây chuyền sản xuất..., giúp giảm chi phí sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm thủy sản...

Những đóng góp của khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp cho thấy việc phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao là hướng đi đúng, đã và đang tạo động lực mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Làm gì để phát triển hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao? - Ảnh 2.

Chuyên gia, TS Trần Duy Khanh - Viện trưởng Viện Doanh nhân APEC chia sẻ tại Diễn đàn Phát triển Hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

TS Trần Duy Khanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Doanh nhân APEC, người có hàng chục năm gắn bó với nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát biểu: Hệ sinh thái nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chưa hoàn thiện từ chính sách về đất đai, tín dụng, đào tạo, chính sách thuế, xuất nhập khẩu, thị trường, marketing…Chính sách của chúng ta đối với nông nghiệp công nghệ cao còn rời rạc. Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao còn gặp nhiều rào cản, khó khăn trong việc vay vốn. Để tạo hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần một cơ quan đóng vai trò đầu mối, "tổng chỉ huy" để tham mưu cho Chính phủ, từ đó có thêm những chính sách đồng bộ, xuyên suốt để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao thuận lợi tích tụ đất đai, tiếp cận công nghệ cao, được hưởng tín dụng ưu đãi, có như thế mới thực sự tạo động lực cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thu hút doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư vào lĩnh vực này.

PV