dd/mm/yyyy

Chuyện làm chè sạch VietGAP của Thắng “chè”

Bên ấm trà xanh nóng hổi mời khách, anh Thắng ở huyện Sơn Dương, Tuyên Quang say sưa kể chuyện làm chè sạch VietGAP cho chúng tôi nghe.

Bà con ở thôn Trung Long, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) đều gọi anh Nguyễn Mạnh Thắng (SN 1977) với cái tên Thắng “chè” bởi anh là hộ đầu tiên trong xã thử nghiệm thành công mô hình trồng chè VietGAP.

Từ đam mê làm chè sạch VietGAP của Thắng “chè”…

Anh Nguyễn Mạnh Thắng (ngoài cùng bên phải) giới thiệu quy trình trồng chè VietGap với lãnh đạo Hội Nông dân các cấp tỉnh Tuyên Quang.
Anh Nguyễn Mạnh Thắng (ngoài cùng bên phải) giới thiệu quy trình trồng chè VietGap với lãnh đạo Hội Nông dân các cấp tỉnh Tuyên Quang.

Sinh ra và lớn lên ở vùng chè, kinh tế gia đình đều trông chờ từ loại cây trồng này nên hơn ai hết, anh Thắng hiểu rõ những vui, buồn của người trồng chè.

Anh bảo, đi nhiều nên ngẫm, người dân các vùng miền đều biết về chè Tuyên Quang, trong đó có chè xanh Trung Long là vùng chè nổi tiếng với thứ hương vị đặc trưng của núi, chất đất và khí hậu nơi này. “Chè xanh Trung Long quê mình rất ngon, nhưng vì chè làm ra chẳng có thương hiệu gì nên giá bán quá thấp so với công sức người dân bỏ ra. Có những thời điểm người dân Trung Long chán cây chè vì thu nhập không đủ nuôi sống gia đình”, anh Thắng thổ lộ.

Thắng “chè” cho biết: Làm chè sạch theo tiêu chuẩn VietGap khá cầu kì, do phải thực hiện những quy trình bắt buộc như: Không sử dụng phân vô cơ mà chỉ được phép dùng phân hữu cơ vi sinh; việc phun thuốc phải đảm bảo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách); phải ghi chép nhật ký chăm sóc hàng ngày...Năm 2011, đi đến nhiều vùng chuyên canh trồng chè khác, thấy người ta làm chè sạch đem lại giá trị cao, anh Thắng đã tự tìm hiểu và học hỏi cách làm của họ. Khát vọng xây dựng được thương hiệu chè sạch Trung Long luôn đau đáu trong tâm trí Thắng. Tuy nhiên, phải đến năm 2013, được sự hỗ trợ của Chi cục Phát triển nông thôn thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang xây dựng Đề án hỗ trợ làm chè sạch theo tiêu chuẩn VietGap, anh Thắng là 1 trong 16 hộ đầu tiên tham gia dự án.

“Trồng chè sạch thôi chưa đủ, khâu chế biến, sản xuất và bảo quản chè cũng phải sạch nữa. Từ đầu năm 2015, gia đình tôi đã đầu tư hệ thống sao, sấy, chế biến chè sạch. Để có ấm chè ngon, thì ngay từ khâu tập kết chè sân phải sạch, được ốp lát gạch men, không để chè tiếp xúc trực tiếp với sân gạch; quá trình điều chỉnh lửa khi sao chè cũng là cả một nghệ thuật. Nếu quá nhiệt, chè bị khét, còn nếu không đủ nhiệt, mùi chè sẽ bị ngái. Sau khi sao, chè búp phải săn cánh đều và cong như móc câu”, anh Thắng tiết lộ.

... Đến cả làng quyết tâm xây dựng thương hiệu chè sạch

Để hỗ trợ, giúp nhau làm chè sạch theo tiêu chuẩn VietGap, năm 2015 anh Thắng đã đứng lên thành lập HTX Sản xuất, chế biến chè Ngân Sơn Trung Long. Với vai trò là người đứng đầu HTX, 24 thành viên tham gia, anh Thắng phải thường xuyên theo dõi lịch trình trồng chè của từng hộ và lên kế hoạch chỉ đạo các hộ tiến hành biện pháp chăm sóc đúng quy trình.

“Có 4 loại sâu bệnh gây hại chính trên chè là nhện đỏ (thường gặp từ tháng 3 - tháng 4), sâu bọ tơ (từ tháng 5 - tháng 7), bọ xít muỗi (từ tháng 7 - tháng 9) và bọ xịt muỗi thời gian gây hại từ tháng 9 – tháng 12. Nếu không phát hiện sớm, sâu bệnh sẽ chích, hút dịch trên búp và lá non của chè”, anh Thắng chia sẻ.

Hiện, HTX có 6,5ha chè được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGap và 10ha chè sản xuất theo hướng VietGap. Mỗi năm, HTX sản xuất và chế biến hơn 30 tấn chè với giá bán 200.000 đồng/kg. Sản phẩm được đóng gói, hút chân không bằng bao bì, nhãn mác đẹp, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Việc thu hoạch chè của các thành viên HTX đều phải hái bằng tay và gia đình anh Thắng là đầu mối thu mua chè búp tươi cho tất cả bà con rồi đem chế biến theo đúng quy trình kỹ thuật mà anh đã cất công học được.

Thu Hà