dd/mm/yyyy

Rau quả Việt - Cơ hội nối dài kỳ tích

Năm 2017, ghi dấu mốc ấn tượng khi lần đầu tiên xuất khẩu rau quả của Việt Nam đứng đầu trong tất cả các mặt hàng nông sản và đã vượt lúa gạo, dầu khí. Nhận định về thành công này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Lần đầu tiên xuất khẩu rau củ quả vượt dầu thô và gạo. Đây là con số rất đáng mừng”.

Đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3,5 tỉ USD, rau quả Việt có mặt ở 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nông dân Việt Nam đã biết áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại để nông sản đáp ứng các tiêu chí của các thị trường khó tính như: Mỹ, Hàn Quốc, Hà Lan, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan, Singapore và Australia.

Xoài - một loại hoa quả nhiệt đới nổi tiếng của Việt Nam. I.T
Xoài - một loại hoa quả nhiệt đới nổi tiếng của Việt Nam. I.T

Không chỉ giúp nông dân tăng giá trị gia tăng trên diện tích đất nông nghiệp, rau quả mà còn mở toang cánh cửa để ngành nông nghiệp có những bứt phá khi lúa gạo đã bước vào giai đoạn “bão hòa”, chăn nuôi thì lao đao bởi giá thành thu không đủ bù chi.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) nhận định, thị trường rau quả toàn cầu sẽ tăng trưởng 8% trong giai đoạn 2017 - 2020 và đạt 320 tỉ USD vào năm 2020. Các nước phát triển đang tăng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm rau quả nhiệt đới, trái mùa và hữu cơ. Đón bắt xu hướng này, ngành nông nghiệp Việt Nam cũng đặt ra kỳ vọng sẽ nâng kim ngạch xuất khẩu rau củ quả lên gấp đôi, đạt mức 7 tỉ USD vào năm 2030.

Cơ hội là rất lớn nếu ngành rau củ quả biết nắm bắt thời cơ song hành với việc giải quyết những yếu kém nội tại. Dù sản lượng tăng, nhưng giá trị thu về rất khiêm tốn khi chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô, đó là chưa kể tới những tác động bởi các rào cản kỹ thuật như kiểm dịch thực vật. Vấn đề ứng dụng công nghệ bảo quản lạc hậu khiến chất lượng rau quả giảm nhanh, thời gian bảo quản ngắn và các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm…

Một rào cản khác là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, tổ chức sản xuất bất cập, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, chất lượng quả chưa cao, năng suất thấp, các sản phẩm qua chế biến còn ít, chi phí vận chuyển lớn khi chủ yếu là vận chuyển hàng không. Khâu thị trường cũng còn bất cập khi thương lái vẫn nắm quyền điều tiết. Bởi vậy, nông dân luôn ở thế bị động do không có những dự báo dài hạn về xu hướng thị trường và quy hoạch để cân đối cung cầu. Nên dù lạc quan, nhưng nỗi lo được mùa rớt giá vẫn chưa bao giờ thôi ám ảnh nhà nông. Và không lạ khi các nhà phân tích đã bắt đầu gióng lên hồi chuông cảnh báo “nguy cơ khủng hoảng thừa”, dù rau quả Việt mới chỉ chiếm thị phần khiêm tốn so với nhu cầu.

Để tránh khỏi “vết xe đổ”, điểm cốt lõi là phải gia tăng chất lượng sản phẩm và công tác xúc tiến thương mại cho rau quả Việt, đặc biệt là cập nhật kịp thời các thông tin nhu cầu và tiêu chuẩn về sản phẩm nhập khẩu của từng thị trường.

Những con số tỉ đô xuất khẩu chỉ thực sự có ý nghĩa khi nông dân được hưởng lợi và làm giàu. Thay vì chạy theo sản lượng, người nông dân cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng đủ để chủ động tham gia vào chuỗi xuất khẩu.

Trọng Đạt