dd/mm/yyyy

Những cách loại bỏ độc tố khi chế biến món măng tươi

Măng tuy là món ngon, dễ ăn, nhưng lại chứa nhiều glucid. Chất này khi kết hợp với vị chua trong dạ dày sẽ tạo ra một loại axit có khả năng gây ngộ độc nếu ăn không đúng cách và quá nhiều.

Măng có nhiều loại như măng tre, măng nứa, ... và khá phổ biến ở cả vùng núi và đồng bằng, các vùng nông thôn Việt Nam. Nhưng không phải măng nào cũng có búp to và ngon như nhau. Tre mạnh tông cho ra măng có lớp vỏ màu đen, tre mỡ hoặc tre tàu cho ra măng có lớp vỏ xanh mới có thể chế biến nên những món ăn ngon. Trong khi đó tre gai lại sinh ra những búp măng ốm, vỏ có nhiều lông và lõi có vị rất đắng.

Măng tre Mạnh Tông được người tiêu dùng ưa thích vì củ măng mập, thớ mịn, ngọt, giòn. Ảnh: Nguyễn Long/BP
Măng tre Mạnh Tông được người tiêu dùng ưa thích vì củ măng mập, thớ mịn, ngọt, giòn. Ảnh: Nguyễn Long/BP

Măng tuy là món ngon, dễ ăn, thường có trong thực đơn mâm cỗ giỗ truyền thống, cúng Rằm tháng 7, Lễ Vu lan. Nhưng cũng ít ai để ý khi măng tươi lại chứa nhiều glucid. Chất này khi kết hợp với vị chua trong dạ dày sẽ tạo ra một loại axit có khả năng gây ngộ độc nếu ăn không đúng cách và quá nhiều.

Để đảm bảo an toàn khi sử dụng món măng tươi, có thể áp dụng những cách khử độc sau đây:

Bóc hết bẹ măng, rửa sạch đất cát rồi xắt thành lát mỏng hoặc xé nhỏ thành sợi đem ngâm vào nước sạch qua đêm cho bớt độc rồi rửa lại trước khi chế biến thành các món ăn.

Măng tươi hái về bóc vỏ, bỏ vào nồi nước luộc. Luộc đi luộc lại khoảng 2-3 lần. Sau đó mang ra ngâm nước gạo trong vòng 2 ngày là ăn được (thay nước gạo thường xuyên, 2 lần/ngày). Hoặc luộc nhiều lần qua nước sôi rồi xả lại bằng nước sạch. Đến khi măng mềm nghĩa là chất đắng đã được loại bỏ, lúc đó mới đem chế biến món ăn.

Bóc vỏ, xắt thành từng lát nhỏ, bỏ thêm nắm lá rau ngót rồi cho vào nồi luộc qua một lần. Khi măng đã chín, chắt hết nước nóng đi, rồi đổ nước lạnh vào, vớt bỏ lá rau ngót và xả lại với nước lạnh một lần nữa là có thể đem chế biến món ăn.

Măng tươi để cả vỏ rồi xếp gọn vào trong nồi, cho thêm vài trái ớt đã bỏ hạt, cho nước gạo vào ngập gần hết măng. Đun lửa vừa đủ, khi thử thấy măng mềm thì tắt lửa. Chờ măng nguội, vớt ra lột vỏ, rồi xả lại vài lần bằng nước sạch, măng sẽ không còn vị đắng và có thể đem chế biến món ăn.

Video: Nhận biết măng tươi nhuộm hóa chất (Nguồn: VTC14):

Trong quá trình luộc măng, khi nồi măng sôi cần mở vung/nắp nồi để chất độc có trong măng sẽ thoát ra ngoài và những măng tre có màu trắng/vàng bất thường hoặc có mùi lạ (dấu hiệu của mùi lạ hoặc măng đã được ngâm hóa chất) thì nên loại bỏ và không nên sử dụng.

Măng tươi chế biến được nhiều món ăn ngon, nhất là trong các dịp giỗ chạp, Rằm tháng 7, mùa Lễ Vu lan này. Phổ biến và dễ nấu có thể kể là các món canh măng hầm với giò heo, hoặc gà, vịt. Món măng củ tươi nấu sườn cũng rất được các bà nội trợ ưa chuộng với mùa hè bởi món này thanh mát, măng giòn, ngọt nước. Ngoài ra còn có món măng tươi xào lá lốt, măng tươi nấu xáo vịt, măng củ ngâm dấm ớt,...

Du là món măng nào, cũng cần lưu ý trước khi nấu, các bạn hãy loại bỏ những độc tố có trong măng tươi bằng những cách làm như trên để ăn măng ngon và giữ an toàn sức khỏe nhé!

Phương Huyền (t/h)