dd/mm/yyyy

Bắt tay với Mông Cổ, nông nghiệp Việt Nam có thêm một thị trường tiềm năng

“Thỏa thuận về nông nghiệp giữa Việt Nam và Mông Cổ là cơ hội lớn để sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu sang Mông Cổ”. Đó là nhận định của ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), thành viên của đoàn Việt Nam sau phiên họp của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Mông Cổ vừa diễn ra vào trung tuần tháng 8.2017

PV Báo NTNN đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Thanh Vân về triển vọng hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Mông Cổ nhân sự kiện trên vừa diễn ra.

Được biết, trong 34 nội dung Việt Nam và Mông Cổ đã thống nhất thỏa thuận hợp tác có hợp tác về lĩnh vực chăn nuôi. Ông có thể nói rõ hơn ngành chăn nuôi hai nước sẽ hợp tác những gì?

Ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT Việt Nam)
Ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT Việt Nam)

- Việt Nam và Mông Cổ đều có thế mạnh về chăn nuôi. nhưng mỗi nước có thế mạnh khác nhau và có thể khai thác được thế mạnh này để bổ sung cho nhau.

Mông Cổ là đất nước có lợi thế về đất đai và truyền thống chăn nuôi với 85 triệu con gia súc, chủ yếu là cừu, dê, ngựa. Với phương thức chăn thả tự nhiên trên diện tích 1,5 triệu km2, cộng với hệ sinh thái trên 200 loại cỏ đã tạo ra cho Mông Cổ một số lượng gia súc lớn, chất lượng thịt thơm, ngon. Bên cạnh đó, theo cách chế biến của người Mông Cổ các sản phẩm thịt tạo ra món ăn rất ngon và hấp dẫn. Nhưng Việt Nam lại có thế mạnh về chăn nuôi lợn, gia cầm, trứng gia cầm… Bởi vậy, thị trường của hai nước có thể bổ sung cho nhau.

“Dù khoảng cách địa lý khá xa, nhưng với sự hỗ trợ của Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước, Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ và quyết tâm của các doanh nghiệp, sự cố gắng của nông dân… chắc chắn các nội dung thỏa thuận hợp tác về nông nghiệp giữa hai nước có thể thực hiện được. Đó vừa là nhiệm vụ phát triển kinh tế nhưng vừa là thể hiện mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Mông Cổ”. Ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT)

Trong phiên họp vừa qua, trên cơ sở thống nhất đánh giá thế mạnh ngành chăn nuôi của mỗi nước, hai bên đã nhất trí mở rộng hợp tác trong lĩnh vực chăn nuôi. Trong đó có việc chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật công nghệ tạo giống đặc chủng; tổ chức các cuộc gặp gỡ song phương giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thịt gia súc, thịt và trứng gia cầm, mật ong. Phía Việt Nam đề nghị Mông Cổ chuyển giao cho Việt Nam một số giống tốt, đảm bảo đảm chất lượng, an toàn dịch bệnh để thử nghiệm.

Theo thỏa thuận giữa Việt Nam và Mông Cổ, những sản phẩm nông nghiệp nào của Việt Nam được xuất khẩu sang Mông Cổ, thưa ông?

- Việt Nam và Mông Cổ đã thống nhất thỏa thuận rằng, Việt Nam có thể xuất khẩu sang Mông Cổ thịt lợn, thịt gà đông lạnh, trứng gia cầm, mật ong, thủy sản. Đối với sản phẩm trồng trọt Việt Nam có thể xuất khẩu sang Mông Cổ gạo, chè, cà phê, quả tươi (thanh long, nhãn, sầu riêng, măng cụt, vải, xoài, chanh leo, dừa, chuối), quả chế biến, nước trái cây đóng hộp.

Có một chi tiết khá thú vị, tại các địa điểm Đoàn Việt Nam làm việc, hầu hết phía bạn đều tiếp đoàn bằng cà phê Việt Nam. Các bạn đều khen cà phê của Việt Nam ngon. Bên cạnh đó hoa quả, gạo của Việt Nam được phía bạn rất ưa chuộng.

Ông đánh giá thế nào về tiềm năng thị trường nhập khẩu nông sản của Việt Nam ở Mông Cổ. Với thỏa thuận trên, đây có phải là cơ hội lớn cho nông sản nước ta thâm nhập vào thị trường này?

- Mặc dù dân số của Mông Cổ chỉ khoảng 3 triệu người, nhưng đây là thị trường tiềm năng. Tuy nhiên, để xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam sang Mông Cổ (và ngược lại) phải tuân theo những nguyên tắc nhất định, đó là: Chỉ xuất, nhập khẩu các sản phẩm được hai bên thống nhất. Các sản phẩm đó phải đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, được kiểm soát bởi các cơ quan chức năng giữa hai nước theo thông lệ quốc tế.

Việt Nam sẽ xuất khẩu thịt lợn và thịt gà đông lạnh sang Mông Cổ. T.Q
Việt Nam sẽ xuất khẩu thịt lợn và thịt gà đông lạnh sang Mông Cổ. T.Q

Các doanh nghiệp (DN) của hai nước sẽ trao đổi với nhau để thực hiện các nội dung trong thỏa thuận giữa hai Chính phủ. Tiềm năng của mỗi nước đều có thể khai thác, thực hiện được trên cơ sở khảo sát thị trường và quyết định của các DN. Tôi cho rằng đây là cơ hội để sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mông Cổ, các DN cần nắm bắt. Trên cơ sở thỏa thuận của hai nước nêu trên, các ND cần sớm xúc tiến việc gặp gỡ, đàm phán để triển khai thực hiện. DN và nông dân cần chuẩn bị sẵn sàng để sản phẩm nông nghiệp của chúng ta được xuất khẩu sang Mông Cổ ngay sau khi các DN đã thống nhất được với nhau.

Hiện nay, rào cản lớn nhất để nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Mông Cổ là gi?

- Mông Cổ không có đường biển; đường hàng không giữa Việt Nam và Mông Cổ chưa được thiết lập. Bởi vậy, khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc xuất, nhập khẩu nông sản giữa Việt Nam và Mông Cổ là khâu vận chuyển.

Để tháo gỡ khó khăn này, trước mắt hai bên cần thống nhất sâu hơn về phương tiện, cách thức vận chuyển sao cho đảm bảo thông suốt, giá thành rẻ. Để đẩy nhanh nội dung này, chúng ta cần trao đổi, thống nhất, tạo điều kiện để các DN hai nước gặp gỡ tìm kiếm cơ hội và triển khai thực hiện. Thứ hai, ngoài yếu tố thị trường, các ND, người sản xuất cần tìm hiểu kỹ các quy định của bạn về yêu cầu chất lượng sản phẩm. Đó là, sản phẩm phải được sản xuất theo một quy trình nhất định, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm và nhất là đáp ứng được yêu cầu của bạn.

Xin cảm ơn ông!

Lê Chiên (thực hiện từ Ulan Bator)