dd/mm/yyyy

"Tuyệt chiêu" cho cây ra trái theo ý muốn

Không chỉ trồng, chăm sóc vườn cây cho trái năng suất cao, nhiều nhà vườn tại các tỉnh phía Nam còn có "tuyệt chiêu" điều chỉnh cây ra hoa nghịch vụ, bán được sản phẩm với giá cao.

“Ép” cây ra trái nghịch vụ

Cuối tháng 7, gia đình bà Nguyễn Thị Kim Mai (ấp 1, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, Đồng Nai) tất bật thu hoạch lứa mãng cầu (na) hạt lép chính vụ để chuẩn bị cho mùa nghịch (trái vụ) thu hoạch ngay dịp tết Nguyên đán sắp tới.

Nhờ có kỹ thuật trồng và chăm sóc, cho cây ra trái nghịch vụ nên bà Mai luôn yên tâm không lo hàng bị rớt giá.
Nhờ có kỹ thuật trồng và chăm sóc, cho cây ra trái nghịch vụ nên bà Mai luôn yên tâm không lo hàng bị rớt giá.

Bà Mai cho biết, tình cờ “nhặt” được giống mãng cầu có hạt lép, trái rất to lại rất thơm ngon, bà quyết định nhân giống, ghép cành trên vườn na bản địa sẵn có của gia đình. Ban đầu, bà Mai trồng hơn 5.000 gốc mãng cầu hạt lép, trên diện tích hơn 5ha đất vườn. Bình thường, na cho trái chính vụ vào dịp tháng 5 (âm lịch), mỗi cây cho rất nhiều hoa, đậu từ 200 – 250 trái/cây.

Sau một thời gian chăm sóc, theo dõi, bà Mai thấy loại trái này rất ít hạt, chỉ bằng 1/5 số hạt trái mãng cầu thông thường. Hơn nữa, mãng cầu loại này có mùi rất thơm, trái to, đẹp, ăn ngọt nhẹ chứ không hắc như mãng cầu thường nên giá bán rất cao. Khi trái na “mở mắt”, nhà vườn thu hoạch về có thể bảo quản từ 7 – 10 ngày không hư hỏng.

Trước đó, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Quy hoạch vùng cây ăn quả chủ lực trồng tập trung và định hướng rải vụ một số loại cây ăn quả ở Nam Bộ đến năm 2020. Theo đó, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu thực hiện các biện pháp rải vụ thu hoạch cho 5 loại trái cây gồm thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng và nhãn để tăng hiệu quả sản xuất.

Nhờ những ưu điểm vượt trội này, trái mãng cầu hạt lép rất được người tiêu dùng ưa thích. Tuy nhiên, ban đầu, do sản lượng chưa nhiều, không đủ cung cấp cho thị trường. Hơn nữa, dịp cuối năm, tết cổ truyền, mãng cầu được hầu hết các bà nội trợ chọn mua để chưng trong các mâm ngũ quả. Nắm bắt được thị trường, bà Mai đầu tư kỹ thuật chăm sóc, cho cây na ra trái nghịch vụ.

Theo đó, sau khi thu hoạch trái chính vụ (khoảng từ tháng 5 đến giữa tháng 6 âm lịch), bà Mai cho cây nghỉ ngơi, dưỡng sức trong 2 tháng sau đó. Đến tháng 8 (âm lịch), bà Mai bắt đầu tỉa cành, tuốt hết lá trên cây, phun thuốc dưỡng nụ, kích thích cây ra hoa… Như vậy, bà sẽ có trái để thu hoạch đúng dịp tết Nguyên Đán.

Hiện tại, sản phẩm mãng cầu hạt lép Kim Mai đã có mặt tại nhiều hệ thống siêu thị tại TP.HCM và các tỉnh trong vùng. Các thương lái cũng ráo riết đặt hàng để đưa ra phân phối tại Hà Nội.

“Mới đây nhất, hệ thống siêu thị Bách hóa Xanh đặt hàng cứ 2 ngày giao 1 tấn, tuy nhiên, sản lượng tại vườn hiện chưa đáp ứng được nên tôi chưa dám ký hợp đồng. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng đến thăm vườn rồi đặt vấn đề hợp tác, xuất khẩu…”, bà Mai thông tin.

Hay như tại xã Tân Phong (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), gia đình ông Nguyễn Thanh Kỳ có hơn 4 công đất trồng chôm chôm nhưng nhiều năm liền thu nhập từ vườn cây chỉ vừa đủ để tái canh vụ mới.

Vài năm trước, ông Kỳ quyết định chuyển sang đầu tư xử lý kỹ thuật để cây chôm chôm cho trái nghịch vụ. Việc này giúp chôm chôm của ông tránh được tình trạng đụng hàng với chôm chôm của các tỉnh Đông Nam Bộ, chôm chôm Thái Lan, Trung Quốc… nên giá bán cao hơn gấp 3, có khi gấp 4 so với chính vụ.

“Xứ mình thuần nông, cứ vào chính vụ là nhà nào cũng ào ạt bán ra, giá tụt thê thảm. Tui làm nghịch vụ, mong muốn rải đều sản lượng ra các mùa trong năm, tránh dội chợ”, ông Kỳ cho hay.

Thoát cảnh được mùa rớt giá

TS.Nguyễn Minh Châu – Nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, cho rằng, bên cạnh việc quy hoạch diện tích vườn, việc quy hoạch cụ thể mùa vụ cho từng loại cây ở ĐBSCL cũng giúp hạn chế tình trạng được mùa rớt giá hiện nay.

Cụ thể, đối với nhãn ĐBSCL cho trái vào tháng 7 và “đụng hàng” với nhãn miền Bắc cũng như nhãn của các nước lân cận như Trung Quốc, Thái Lan… Do đó, nên quy hoạch mùa nhãn vào các tháng còn lại trong năm, trừ tháng 7, tháng 8.

Vườn mãng cầu hạt lép cho trái nghịch vụ của bà Nguyễn Thị Kim Mai.
Vườn mãng cầu hạt lép cho trái nghịch vụ của bà Nguyễn Thị Kim Mai.

ĐBSCL cũng đang có một diện tích lớn trồng giống xoài keo, một giống xoài du nhập từ Campuchia sang. Theo ông Châu, giống xoài này được trồng khắp các tỉnh của Campuchia; tuy nhiên, nông dân nước này chưa điều khiển được mùa vụ, xoài keo chỉ cho trái trong khoảng từ tháng 5 – tháng 8 hằng năm. Để tránh rớt giá vì “dội chợ”, bà con trồng xoài tại ĐBSCL nên xử lý cho trái trước tháng 5, trong khoảng từ tháng 11 – tháng 4.

Để trái vụ nghịch to, đẹp và đạt chất lượng, phải biết dưỡng sức cây trong vụ chính trước đó. Thường thì tôi chỉ để mỗi cây cho từ 100 – 120 trái/cây, bón phân đầy đủ. Lợi thế khi làm nghịch vụ trái mãng cầu là thời điểm xử lý ra hoa rơi vào mùa nắng, mà cây mãng cầu thì ưa nắng.” Bà Nguyễn Thị Kim Mai

Riêng đối với chôm chôm, sầu riêng, các tỉnh ĐBSCL nên cho trái trước tháng 7, tháng 8 để tránh trùng lặp với mùa vụ của các tỉnh Đông Nam Bộ. Ngoài ra, để rải vụ trái thanh long, nên giảm sản lượng chính vụ và nên đẩy mạnh sản lượng thanh long ở vụ cuối năm, vừa đáp ứng nhu cầu phục vụ lễ tết trong nước, vừa có thể xuất khẩu được với giá cao.

“Với trình độ và kinh nghiệm của bà con nông dân mình hiện nay, việc điều chỉnh mùa vụ các loại cây ăn quả trên đều có thể thực hiện được”, ông Châu khẳng định.

Cụ thể, đối với cây thanh long, diện tích rải vụ gần 15.000ha, tập trung tại 3 tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang, Long An. Thời gian thu hoạch rải vụ từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau. Tương tự, cây xoài được quy hoạch rải vụ với diện tích 12.500ha, chủ yếu tại các tỉnh ĐBSCL.

Trong khi đó, chôm chôm rải vụ chủ yếu tại Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang với diện tích gần 13.000ha, thời gian thu hoạch rải vụ từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau. Cũng tại 3 địa phương này, trái sầu riêng được quy hoạch rải vụ từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau.
TS.Võ Mai – Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cũng đồng ý rằng, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch ngành trái cây của Việt Nam còn quá yếu, chưa thể trông chờ vào đó để xử lý trái cây khi sản lượng tăng. Do đó, việc rải vụ cho các loại trái cây là việc cần thiết.

Bài và ảnh: Thuận Hải