dd/mm/yyyy

Sơn La: Những “cây cầu" nối Đảng với nhân dân

Đi đầu trong những việc khó, tiêu biểu trong phát triển kinh tế, có nhiều đóng góp cùng cấp ủy, chính quyền, vận động nhân dân đẩy lùi lạc hậu, xây dựng bản làng giàu mạnh… Đó là phẩm chất cao quý của những già bản, cán bộ cơ sở có uy tín ở Sơn La - người được ví như những “cây cầu" nối Đảng với nhân dân.

Những ngày này, chúng tôi tìm về xã vùng cao Ngọc Chiến (huyện Mường La, tỉnh Sơn La), nơi mà trong khoảng vài năm trở lại đây được đánh giá là có nhiều đổi thay trên các lĩnh vực. Trong đó phải kể đến sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, tư duy phát triển kinh tế từ cán bộ, đảng viên cho đến mỗi người dân.

Làm được việc "khó hơn lên trời"

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo xã Ngọc Chiến, ông Bùi Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã thông tin: Đóng góp vào những đổi thay của xã nhà, ngoài sự đoàn kết trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền thì vai trò của đội ngũ những già bản, cán bộ cơ sở có uy tín tại các bản đóng một vai trò rất quan trọng. Bởi đội ngũ những người có uy tín này chính là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Họ đã góp sức cùng xã giải quyết được nhiều việc khó, đẩy lùi được các hủ tục lạc hậu, khơi dậy được các phong trào thi đua và luôn tiên phong tuyên truyền, vận động nhân dân trong các vụ việc phức tạp tại cơ sở.

Từ thông tin Bí thư Đảng uỷ xã Ngọc Chiến, chúng tôi tìm đến bản Đông Xuông, nơi có hộ ông Lò Văn Pháng, dân tộc Thái, nguyên Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến, một trong những người có uy tín ở xã, người mà trong nhiều năm qua đã góp sức cùng cấp ủy, chính quyền xã làm lên những "kỳ tích" mà nhiều thế hệ người dân tộc Thái và cả cán bộ xã ở Ngọc Chiến coi đó là việc còn "khó hơn lên trời".

 Sơn La: Những “cây cầu nối” giữa Đảng với nhân dân   - Ảnh 1.

Ông Lò Văn Pháng, nguyên Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến vận động người dân không thả rông gia súc. Ảnh: Thiên Long.

Một trong những việc được coi là "khó hơn lên trời" mà ông Pháng đã làm được khi phải mất hơn 10 năm kiên trì "đấu tranh" với một số lãnh đạo xã Ngọc Chiến giai đoạn 2014 - 2016 về việc đề xuất ban hành nghị quyết vận động người dân không thả rông gia súc.

Năm 2004, ông Pháng được người dân tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND xã. Lý do người dân tín nhiệm là bởi ông đã có nhiều đóng góp cho xã nhà và người dân thời kỳ còn làm cán bộ đoàn xã, trưởng bản Nà Bá. Trong đó, công lao được nhắc tới nhiều nhất là thời kỳ những năm 90 của thế kỷ trước ông là người có công lớn khi đưa được giống lúa nếp 87 về trồng thay thế giống cũ năng suất kém tại các bản, giúp hàng nghìn hộ dân ở xã Ngọc Chiến ngày đó giải quyết được vấn đề thiếu gạo ăn từ 3 tháng đến 4 tháng. Sau này giống lúa 87 được người dân trong vùng đổi thành cái tên lúa "Pháng Xiên"- tên của ông Pháng và con trai cả ghép thành.

Ngày đó, nhận thấy bà con Ngọc Chiến sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, nếu muốn kinh tế phát triển thì việc đầu tiên cần phải làm là chuyển từ phương thức thả rông gia súc sang nuôi nhốt chuồng. Bởi vậy, tại các kỳ họp của HĐND xã, ông Pháng đều đề xuất đưa vào nghị quyết về việc cấm thả rông gia súc. Đề xuất của ông Pháng ngày đó được rất nhiều người tán thành nhưng vẫn gặp trở ngại do người quyết định cuối cùng vẫn là lãnh đạo xã. Bởi lúc đó những nhà nhiều gia súc nhất ở Ngọc Chiến chủ yếu là lãnh đạo xã nên đề xuất của ông Pháng vẫn chỉ nằm trên giấy, không thể thực hiện được.

 Sơn La: Những “cây cầu nối” giữa Đảng với nhân dân   - Ảnh 2.

Ông Vàng Dúa Di, dân tộc Mông, Bí thư chi bộ bản Chà Mạy, xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc. Ảnh: Thuỷ Ngân.

Nhớ lại những ngày gõ cửa từng nhà người dân tại các bản, trong đó có cả nhà cán bộ xã đã nghỉ hưu, ông Pháng bảo: Từ năm 2016, khi được bầu giữ chức Chủ tịch UBND xã, tôi đã quyết định thành lập tổ công tác đến từng bản tuyên truyền, vận động người dân trồng cỏ voi, làm chuồng trại nuôi nhốt gia súc. Chúng tôi làm rất quyết liệt nhưng cũng chỉ đạt được khoảng 70%, phải đến năm 2018 mới tuyên truyền, vận động thành công. Bởi nếu cấm thả rông gia súc thành công, khi người dân cấy lúa, trồng ngô, trồng rau màu… sẽ không phải lên rừng chặt cây rào vườn phòng gia súc, nên giữ được rừng.

Được biết vào tháng 10 hàng năm, khi bà con thu hoạch mùa màng xong, hơn nghìn con trâu, bò, dê thả rông đến tháng 4 năm sau mới đi lùa về (do khí hậu ở Ngọc Chiến lạnh nên chỉ trồng được 1 vụ lúa). Bởi vậy, gia súc hộ này nhầm hộ kia là chuyện bình thường hay gia súc bị rơi xuống vực... chết khá nhiều. Ngoài ra, mùa đông ở Ngọc Chiến rất lạnh. Đỉnh điểm, năm 2014, xảy ra đợt rét kỷ lục đã làm hơn 600 con trâu, bò bị chết…

Từ khi trâu, bò nuôi nhốt được chăm sóc tốt hơn, không còn gia súc chết do rét. Những con trâu, bò trước đây thả rông gầy gò, ốm yếu chỉ bán được từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng/con. Sau khi chuyển sang nuôi nhốt, có những con trâu mộng được thương lái mua 70 triệu đồng đến cả trăm triệu đồng.

Bí thư chi bộ người Mông năng động

Cách xã Ngọc Chiến chừng 150km về phía Tây Bắc tỉnh Sơn La là xã vùng cao Long Hẹ của huyện Thuận Châu. Chúng tôi tìm gặp ông Vàng Dúa Di, dân tộc Mông, Bí thư chi bộ bản Chà Mạy. Được biết, ông Di là người có uy tín tiêu biểu của bản. Chỗ nào có việc gì khó giải quyết hay có những bất hòa giữa các dòng họ, hộ gia đình hoặc mâu thuẫn cá nhân, tranh chấp đất đai.., chỉ cần ông Di có mặt "can thiệp" là mọi chuyện lại êm xuôi…

 Sơn La: Những “cây cầu nối” giữa Đảng với nhân dân   - Ảnh 3.

Ông Vàng Dúa Di, dân tộc Mông, Bí thư chi bộ bản Chà Mạy tuyên truyền người dân xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, không nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu. Ảnh: Thuỷ Ngân.

Ông Sùng Chờ Nó, Bí thư Đảng ủy xã Long Hẹ, người sinh ra và lớn lên trên chính mảnh đất vùng cao Thuận Châu này, cho biết: Trước đây, người dân các xã vùng cao của Thuận Châu thường di dịch cư tự do, phá rừng làm nương, tái trồng cây thuốc phiện. Cuộc sống của đồng bào còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu như tảo hôn, thách cưới cao bằng bạc trắng.

Nhà nào có người chết thường tổ chức ăn uống dài ngày mới mang đi chôn và mỗi ngày mổ 1 con bò hoặc con trâu để làm ma rất tốn kém. Nhiều gia đình không có tiền phải vay mượn tiền mua trâu bò làm ma và số tiền nợ đó đến đời con vẫn chưa trả hết. Do vậy, cái vòng nghèo đói, lạc hậu cứ thế bám lấy cuộc sống của người dân hết đời này đến đời khác...

Để xóa bỏ được các hủ tục lạc hậu, cũng như nhiều cán bộ và người có uy tín trong xã, ông Di đến vận động trưởng các dòng họ, rồi đến từng nhà người dân tuyên truyền, vận động. Ngày đầu bà con ở các bản không một ai dám thay đổi tục lệ, sợ người trong dòng họ và tổ tiên quở trách…

Với cương vị là trưởng dòng họ Vàng, ông Di đã gương mẫu thực hiện trước trong gia đình mình. Khi con gái ông Di đi lấy chồng, gia đình ông không thách cưới bằng bạc trắng, chỉ lấy 500 nghìn đồng và tổ chức cưới hỏi gọn nhẹ, không ăn uống dài ngày như trước. Khi gia đình có người qua đời, ông Di họp gia đình thống nhất tổ chức đám tang theo nếp sống văn minh mới, đưa người mất vào áo quan và để trong nhà không quá 2 ngày...

 Sơn La: Những “cây cầu nối” giữa Đảng với nhân dân   - Ảnh 4.

Người có uy tín, ông Lò Văn Lợi ở bản bản tái định cư Quỳnh Châu, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu tự nguyện chặt cây, hiến đất để làm đường giao thông thôn cho người dân đi lại. Ảnh: Thuỷ Ngân.

Thấy ông Di thực hiện việc cưới, việc tang trong gia đình vừa tiết kiệm và thuận lợi và bảo vệ môi trường, ngoài dòng họ Vàng, còn có 3 dòng họ Thào, Sùng, Lầu trong vùng đã đồng thuận làm theo. Điều vui hơn cả là người dân trong bản không còn di cư tự do, không còn tái trồng cây thuốc phiện, không phá rừng làm nương, yên tâm lao động sản xuất, cùng nhau loại bỏ các hủ tục lạc hậu ra khỏi đời sống sinh hoạt.

 Nhờ đó, cuộc sống ở bản Chà Mạy và các bản trong vùng từng ngày khởi sắc, những giá trị và bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn, phát huy, người dân không còn bị kẻ xấu lợi dụng làm điều trái với quy định của pháp luật…

Tự nguyện chặt cây, hiến đất vì cái chung

Chia tay bản Chà Mạy, chúng tôi đến bản tái định cư Quỳnh Châu, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu. Tản bộ cùng cán bộ xã trên tuyến đường liên bản đã được đổ bê tông rộng đẹp, ông Mè Văn Tiền, Chủ tịch UBND xã Phổng Lái, chia sẻ: Trước đây, đường nội bản rải cấp phối, mặt đường gồ ghề, người dân đi lại rất khó khăn. Để làm được con đường bê tông dài trên 2km này, phải kể đến vai trò tiên phong, gương mẫu, nói đi đôi với làm của ông Lò Văn Lợi. Ông Lợi là người có uy tín của bản, của xã, góp phần giúp xã Phổng Lái chúng tôi hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào năm 2017.

Tìm hiểu được biết, thực hiện chủ trương làm đường giao thông nông thôn, tuyến đường liên bản phải chạy qua diện tích vườn của nhiều hộ gia đình. Trong đó, của gia đình ông Lợi có gần 400m2 đất với nhiều cây ăn quả và cà phê đang cho thu hoạch bị ảnh hưởng.

Vì chủ trương chung, là người có uy tín ở cơ sở nên ông Lợi đã tự nguyện chặt cây, hiến đất làm đường. Thấy vậy, nhiều hộ trong bản đã noi gương ông Lợi, các hộ đã tự nguyện hiến 50m2 đến 60 m² đất cùng nhiều hoa màu trên đất. Cùng với đó, ông Lợi còn tích cực tuyên truyền để bà con nhân dân ở trong xã hiểu rõ hơn về lợi ích của chương trình xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, khẳng định: Với vốn hiểu biết, nhất là về phong tục, tập quán và bản sắc văn hóa các dân tộc, đội ngũ cán bộ và người có uy tín ở cơ sở đã và đang giữ một vai trò quan trọng trong việc vận động người dân giữ gìn, phát huy những phong tục truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy và thể hiện tốt vai trò trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, là nhân tố tích cực trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước… 

Ngoài những điển hình như ông Pháng, ông Di và ông Lợi ở nơi rẻo cao thì tỉnh Sơn La còn có hàng ngàn cán bộ và người có uy tín khác cũng đang ngày đêm làm những "cầu nối" giữa Đảng, chính quyền các cấp với nhân dân. Hoạt động thiết thực của những điển hình ấy đã góp phần củng cố niềm tin cho đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng các bản làng vùng cao ngày một giàu mạnh… 

PV Tây Bắc