dd/mm/yyyy

Sơn La: Mua bán cả đất đang tranh chấp ở Bắc Yên

Báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt/Trang Trại Việt nhận được phản ánh của ông Giàng A Lâu về việc mảnh đất của gia đình ông ở Đỉnh Gió thuộc bản Chung Trinh (xã Tà Xùa, Bắc Yên, Sơn La) đang tranh chấp với ông Mùa A Chà, bản Tà Xùa, xã Tà Xùa. Tuy nhiên, ông Chà đã đem mảnh đất đang tranh chấp này bán cho người khác.

Mảnh đất khai hoang từ năm 1965

Ông Giàng A Lâu, sinh năm 1952, quê quán ở bản Khê Cải (nay bản Tà Xùa), xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Hiện, ông Lâu đang cư trú ở bản Co Muông, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La.

Thông tin với PV Dân Việt, ông Lâu kể: Gia đình tôi có một mảnh đất nằm trên Đỉnh Gió (bản Chung Trinh, xã Tà Xùa) giáp tỉnh lộ 112 từ xã Tà Xùa đi xã Làng Chếu. Mảnh đất này do bố tôi là ông Giàng A Sử (đã mất năm 1987) khai thác từ năm 1965 và để lại cho tôi.

Sơn La: Đất đang tranh chấp vẫn bị đem bán cho doanh nghiệp và Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường? - Ảnh 1.

Ông Giàng A Lâu bên mảnh đất trồng chè từ năm 1994. Ảnh: Tuệ Linh.

"Từ năm 1992 đến năm 1999, chấp hành Nghị quyết 06 năm 1993 của Chính phủ và Chỉ thị 06 năm 1996 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tôi cùng với nhiều hộ dân ở đây đã từ bỏ cây thuốc phiện và vận động bà con chuyển đổi sang trồng cây khác, xây dựng bản văn hóa, gia đình hạnh phúc. Nhờ đó, năm 1993, tôi được Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La tặng Bằng khen vì đã có thành tích không trồng thuốc phiện trong vụ đông xuân năm 1992 - 1993", ông Lâu nói

Theo ông Lâu, năm 1994 - 1995, huyện Bắc Yên có chủ trương triển khai cho bà con nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sau khi đã triệt phá cây thuốc phiện thay bằng trồng các cây công nghiệp lâu năm.

"Chấp hành chủ trương của huyện, gia đình đã chuyển đổi số diện tích đất từng trồng cây thuốc phiện sang trồng cây chè Shan tuyết. Và mảnh đất của gia đình ở trên Đỉnh Gió đã được gia đình tôi chuyển sang trồng chè Shan tuyết".

Sơn La: Đất đang tranh chấp vẫn bị đem bán cho doanh nghiệp và Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường? - Ảnh 2.

Khu đất tranh chấp giữa ông Lâu và ông Chà nằm ở Đỉnh Gió thuộc địa phận bản Chung Trinh, xã Tà Xùa, nằm ngay cạnh tuyến tỉnh lộ 112. Ảnh: Tuệ Linh.

Tuy nhiên, vì hoàn cảnh gia đình khi đó, anh em họ hàng chuyển vào sinh sống tại bản Co Muông, xã Mường Lạn, huyện Sông Mã (nay thuộc huyện Sốp Cộp), nên năm 1999, ông Lâu chuyển vào ở cùng anh em.

Khi chuyển đi, ông Lâu đã giao lại mảnh đất tại Đỉnh Gió cho ông Mùa A Thào, nguyên Trưởng bản Khê Cải (sau sáp nhập là bản Tà Xùa), ở xã Tà Xùa trông coi giúp.

Làm việc với PV Dân Việt, ông Mùa A Thào, sinh năm 1960, nguyên Trưởng bản Khe Cải (nay là bản Tà Xùa); ông Sồng A Chống, sinh năm 1947, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Làng Chếu đều cho rằng mảnh đất trên đỉnh gió là của gia đình ông Lâu và được gia đình ông Lâu trồng chè từ năm 1994.

Sơn La: Đất đang tranh chấp vẫn bị đem bán cho doanh nghiệp và Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường? - Ảnh 3.

PV Dân Việt làm việc với ông Mùa A Thào - nguyên trưởng bản Khe Cải. Ảnh: Mùa Xuân.

Theo ông Thào, mảnh đất tại Đỉnh Gió nằm trên trục đường từ xã Tà Xùa đi xã Làng Chếu là của ông Lâu. Mảnh đất này do ông Giàng A Sử (bố ông Lâu) khai thác. Chấp hành chủ trương của Đảng, Nhà nước, ông Lâu đã gương mẫu từ bỏ cây thuốc phiện chuyển sang trồng chè.

Còn ông Chống cho biết: Bản Cáo A, xã Làng Chếu nơi tôi ở giáp ranh với bản Khe Cải nên tôi biết mảnh đất trên Đỉnh Gió là của ông Lâu. Thời điểm năm 1994, chúng tôi cùng chấp hành chủ trương xoá bỏ cây thuốc phiện của Đảng, Nhà nước và chuyển sang trồng cây chè. Tôi chứng kiến ông Lâu đã lấy trâu, ngựa thồ hạt giống chè từ huyện Bắc Yên lên trồng tại mảnh đất ở trên Đỉnh Gió.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lù A Sáy, địa chính xã Tà Xùa, cho biết: Năm 1994, Ban định canh định cư cung cấp giống chè cho người dân thì cây chè tại mảnh đất đang tranh chấp trên Đỉnh Gió do ông Giàng A Lâu trồng.

Sơn La: Đất đang tranh chấp vẫn bị đem bán cho doanh nghiệp và Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường? - Ảnh 4.

PV Dân Việt làm việc với ông Mùa A Chà. Ảnh: Tuệ Linh.

Thời điểm đó, tôi làm cán bộ trong bản, có tham gia dự án trồng chè với bà con nên tôi khẳng định chè là do ông Lâu trồng. Đến năm 1999, ông Lâu chuyển sang Sốp Cộp nên bàn giao lại cho ông Mùa A Thào (nguyên Trưởng bản Khê Cải) trông nom nhưng lại không có giấy tờ gì cả. Sau khi ông Lâu chuyển đi thì diện tích chè được ông Mùa A Chà chăm sóc từ thời điểm đó đến bây giờ.  

Chia đôi mảnh đất mỗi bên một nửa

Cũng theo ông Lâu, sau khi ông chuyển đi sống cùng anh em, ông Mùa A Chà, bản Tà Xùa A (nay là bản Tà Xùa, xã Tà Xùa) đã tự ý đi phát quang, chăm sóc và thu hoạch diện tích chè trên mảnh đất của gia đình ông ở trên Đỉnh Gió. Thấy vậy, ông Mùa A Thào và bà con dân bản Khê Cải đã nhiều lần trao đổi, có ý kiến nhưng ông Chà vẫn không nghe và cố tình chiếm.

Đến năm 2017, 2018, ông Mùa A Thào đã thông tin cho gia đình ông Lâu xuống giải quyết việc ông Chà cố tình chiếm đất khi chưa được sự đồng ý của gia đình ông Lâu.

Ông Lâu cho biết: Tính đến nay, gia đình tôi đã 4 lần xuống thỏa thuận, giải quyết tình cảm nhưng ông Chà vẫn không trả lại mảnh đất đó. Gia đình cũng đã mở hướng chia đôi mảnh diện tích đất này cho 2 bên sử dụng nhưng ông Chà vẫn không chịu.

Hòa giải không thành, tháng 9 năm 2020, ông Lâu làm đơn gửi UBND xã Tà Xùa về việc giải quyết việc tranh chấp đất đai với ông Chà.

Ngày 10/11/2020, UBND xã Tà Xùa đã tiến hành giải quyết việc tranh chấp đất giữa ông Lâu và ông Chà. Theo biên bản giải quyết, UBND xã Tà Xùa định hướng chia đôi mảnh đất mỗi bên một nửa vì hiện nay chưa xác định rõ được nguồn gốc sử dụng đất, do không có giấy tờ.

Ông Lâu nhất trí chia đôi mảnh đất theo hướng giải quyết của UBND xã Tà Xùa. Tuy nhiên, ông Chà không nhất trí. Vì vậy, UBND xã Tà Xùa kết luận cho tạm dừng không bên nào được khai thác mảnh đất trên, tránh gây mất an ninh trật tự. Khi nào giải quyết xong mới được khai thác.

Theo Báo cáo của UBND xã Tà Xùa do ông Mùa A Sang, Chủ tịch UBND xã Tà Xùa cung cấp, tổng diện tích khu đất đang tranh chấp ở trên đỉnh gió, giáp với tỉnh lộ 112 đi xã Làng Chếu có diện tích 1.160 m2; thuộc đất nông nghiệp, không nằm trong quy hoạch 3 loại rừng.

Để có thông tin khách quan, PV Dân Việt đã làm việc với ông Mùa A Chà, bản Tà Xùa. Tại buổi làm việc, ông Chà cho rằng người khai hoang mảnh đất đang tranh chấp trên đỉnh gió là ông Giàng A Lâu.

Theo ông Chà, sau khi ông Lâu chuyển đi nơi khác, mảnh đất trên Đỉnh Gió cỏ cao nên ông Chà xin Trưởng bản thời đó để sản xuất và canh tác liên tục hàng chục năm nay. Vì vậy, mảnh đất này là của ông Chà.

Theo phản ánh của ông Lâu, mặc dù mảnh đất trên đang tranh chấp và chưa giải quyết xong, nhưng năm 2021, mảnh đất này đã bị ông Mùa A Chà bán cho một doanh nghiệp ở huyện Bắc Yên và một cán bộ đang công tác tại huyện Bắc Yên (?)...

Phóng viên Báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt/Trang Trại Việt sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Tuệ Linh - Mùa Xuân