dd/mm/yyyy

Luật sư nói gì về vụ chặn dòng, bán nguồn nước ở Sơn La?

Luật sư nhận định vụ chặn dòng, bán nguồn nước tự nhiên cho người dân ở bản Suối Lẹ (xã Chim Vàn, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) là trái quy định pháp luật.

Trước đó, Báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt/Trang Trại Việt đã phản ánh 2 bài: "Sơn La: 11 hộ dân Suối Lẹ cầu cứu vì nguồn nước bị chặn; "Vụ bán nguồn nước ở Sơn La: Bán cả gia súc, tích cóp tiền gần 2 năm mới trả xong nợ" về việc ông Sồng A Cở, bản Suối Lộng (xã Làng Chếu, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) bán nguồn nước Suối Viền cho 4 hộ dân ở bản Suối Lẹ, gồm: Ông Sồng A Páo, ông Thào A Dê, ông Sồng A Chu và ông Giàng A Lâu với số tiền lần lượt là 55 triệu, 19,6 triệu, 10 triệu, 72 triệu đồng. Tổng số tiền ông Cở thu được từ việc bán nguồn nước cho 4 hộ dân trên là 156,6 triệu đồng.

Luật sư nói gì về vụ chặn dòng, bán nguồn nước ở Sơn La? - Ảnh 1.

Nguồn nước của 11 hộ dân bản Suối Lẹ bị chặn ở trên đầu nguồn.

Sau khi mua được nguồn nước từ ông Cở, 4 hộ dân này đã đổ bê tông, xây bể chặn dòng chảy ở trên đầu nguồn suối Viền để dẫn về nhà sử dụng. Việc làm này của 4 hộ dân khiến nguồn nước của 11 hộ dân ở bản Suối Lẹ đã sử dụng ổn định từ năm 1992 bị cạn kiệt, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất.

Chặn dòng, bán nguồn nước trái quy định của pháp luật

Liên quan đến vụ việc trên, dưới góc độ pháp lý, luật sư Cầm Phúc Thọ - Văn phòng Luật sư Thăng Long Hà Nội (phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La), nhận định: Hành vi đổ bê tông, xây bể chặn dòng nước suối Viền khiến nguồn nước 11 hộ dân bản Suối Lẹ bị cạn kiệt là trái quy định của pháp luật.

Luật sư nói gì về vụ chặn dòng, bán nguồn nước ở Sơn La? - Ảnh 2.

Luật sư Cầm Phúc Thọ - Văn phòng Luật sư Thăng Long Hà Nội tại Sơn La nhận định việc chặn dòng, bán nguồn nước cho người dân bản Suối Lẹ là trái với quy định pháp luật.

Luật sư Thọ phân tích: Việc làm của 4 hộ dân vi phạm khoản 4, Điều 9, Luật Tài nguyên nước năm 2012 quy định về "Các hành vi bị nghiêm cấm". Cụ thể là "Đặt vật cản, chướng ngại vật, xây dựng công trình kiến trúc, trồng cây trái phép gây cản trở thoát lũ, lưu thông nước ở các sông, suối, hồ, kênh, rạch". Việc 4 hộ dân có hành vi xây dựng công trình kiến trúc cản trở lưu thông nguồn nước suối Viền là không đảm bảo quyền lợi cho 11 hộ gia đình bản Suối Lẹ đang sử dụng chung nguồn nước.

Theo luật sư Thọ: Theo khoản 1, Điều 25, Nghị định 36/2020/NĐ-CP, quy định về đảm bảo sự lưu thông của dòng chảy, phòng, chống sạt, lở bờ, bãi sông thì hành vi ngăn cản lưu thông dòng chảy của 4 hộ dân này sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng. Ngoài ra, những người vi phạm buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm.

Mặt khác, theo Điều 6, Luật Tài nguyên nước năm 2012, trong quá trình khai thác, sử dụng nguồn nước, tổ chức, cá nhân muốn sử dụng tài nguyên nước phải lấy ý kiến của đại diện cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan trên địa bàn bị ảnh hưởng về những nội dung liên quan đến khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; phải công khai thông tin về những nội dung liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước và những ảnh hưởng có thể gây ra trước khi triển khai thực hiện và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, ông Cở và 4 hộ dân bản Suối Lẹ chưa thực hiện thủ tục này là trái quy định của pháp luật.

Hoàn trả lại tiền cho 4 hộ dân đã mua nguồn nước

Nhận định về việc ông Cở bán nguồn nước suối Viền cho 4 hộ dân bản Suối Lẹ, luật sư Thọ cho biết: Nguồn tài nguyên nước thuộc quyền sở hữu toàn dân nên ông Cở không đủ điều kiện bán (hay thực hiện bất cứ giao dịch nào liên quan đến nguồn nước suối Viền) mà nguồn tài nguyên nước này thuộc quyền sử dụng chung của cộng đồng bản Suối Lẹ.

Mặt khác, việc ông Cở khai thác nguồn nước trên không đúng quy trình, không lấy ý kiến cộng đồng dân cư, chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép khai thác để phục vụ mục đích kính doanh. Vì vậy, việc giao dịch (mua bán nguồn nước) giữa ông Cở với 4 hộ dân là trái quy định của pháp luật nên giao dịch bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật được quy định tại Điều 123 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Luật sư Thọ cho biết thêm: Theo khoản 2, Điều 131, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu thì "Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả". Do vậy, ông Cở phải hoàn trả lại số tiền đã nhận của 4 hộ dân, 4 hộ dân có nghĩa vụ khôi phục lại tình trạng dòng suối như ban đầu.

Luật sư nói gì về vụ chặn dòng, bán nguồn nước ở Sơn La? - Ảnh 5.

Nguồn nước suối Viền bị chặn dòng gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhiều hộ dân bản Suối Lẹ.

Luật sư Thọ khuyến nghị, để tránh những trường hợp tương tự xảy ra, UBND các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho các hộ dân được biết về quyền và nghĩa vụ của mình liên quan đến việc sử dụng tài nguyên nước nói riêng và những vấn đề pháp luật khác nói chung. Qua đó, giúp nhân dân hiểu về quyền và nghĩa vụ của mình để thực hiện đúng theo quy định của pháp luật tránh dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, mất đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Ngoài ra, khi phát hiện hành vi vi phạm liên quan đến nguồn tài nguyên nước, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng có thẩm quyền, cụ thể đây là UBND huyện Bắc Yên cần phải chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý, xử phạt vi phạm hành chính kịp thời nhằm mục đích răn đe, giáo dục người dân để tránh tái phạm hoặc tránh việc xâm hại đến quyền lợi của cộng đồng. 

PV Tây Bắc