dd/mm/yyyy

Nước Mỹ đã sử dụng máy bay không người lái trong nông nghiệp như thế nào?

GS.TSKH Nguyễn Đức Cương - Chủ tịch Hội Hàng không- Vũ trụ Việt Nam đã chia sẻ với NTNN về quá trình sử dụng máy bay không người lái trong nông nghiệp tại các nước phát triển và tiềm năng ứng dụng trong ngành nông nghiệp tại nước ta.

Hiện, máy bay trực thăng không người lái siêu nhẹ được ứng dụng như thế nào, thưa ông?

- Nông nghiệp của Mỹ, như mọi người biết, luôn dẫn đầu thế giới về năng suất, chất lượng, hiệu quả. Máy bay không người lái của Mỹ cũng là hàng đầu thế giới. Tuy nhiên năm 2016 vừa rồi ở Mỹ có một sự kiện “ngược đời”: Máy bay trực thăng không người lái của Hãng Yamaha Rmax và Fazer của Nhật được các công ty Mỹ mời sang để làm dịch vụ cho nông nghiệp ở Mỹ. 

Sở dĩ như vậy là vì, trong khi  Mỹ, Nga,… tập trung vào chế tạo các loại máy bay lớn (khoảng vài trăm kg đến hàng chục tấn) vừa để phục vụ quân sự, vừa phục vụ các mục đích khác, Nhật đã phát triển trực thăng không người lái (TT-UAV) siêu nhẹ (khoảng 50 kg) để phục vụ nông nghiệp và các mục đích khác, từ cách đây hơn 20 năm.

Tính đến 2014 riêng hãng Yamaha đã chế tạo và đưa vào sử dụng hơn 2.600 chiếc máy bay TT-UAV siêu nhẹ, hàng ngày đảm nhiệm việc phun chất lỏng các loại (thuốc sâu, thuốc diệt cỏ, phun các loại dưỡng chất qua lá… ) chăm sóc cho 1 triệu ha trồng trọt của toàn nước Nhật. Rõ ràng là dùng máy bay cỡ lớn chỉ có thể có hiệu quả cho nông nghiệp khi được sử dụng trên các cánh đồng lớn “thẳng cánh cò bay”, tuy nhiên người Nhật rất “tỉnh”, phát triển các loại TT-UAV siêu nhẹ phù hợp với các cánh đồng nhỏ, địa hình phức tạp, khoảng vài ha đến vài trăm ha.

nuoc my da su dung may bay khong nguoi lai trong nong nghiep nhu the nao? hinh anh 1

   Máy bay không người lái siêu nhẹ bay trình diễn phun chất lỏng phục vụ nông nghiệp Mỹ (2016).  Ảnh: I.T

Theo báo cáo vừa được Hãng kiểm toán PwC (Mỹ) công bố, thị trường drone trong nông nghiệp năm 2015 tại Mỹ đã đạt con số 32,4 tỷ USD - vượt mặt thị trường drone trong lĩnh vực truyền thông, giải trí, vận tải và chỉ đứng sau lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Không chỉ PwC dự đoán drone sẽ tạo cuộc cách mạng hóa nông nghiệp, Tập đoàn tài chính Bank of America Merrill Lynch cho rằng các dự án nông nghiệp sẽ chiếm gần 80% số drone trên thị trường thương mại trong tương lai và có tiềm năng tạo ra giá trị khoảng 82 tỷ USD cho các hoạt động kinh tế Mỹ ở giai đoạn 2015-2025.

Mấy năm gần đây, các công ty Mỹ cũng đã bắt đầu phát triển các loại TT-UAV siêu nhẹ chứa 5 lít đến vài chục lít chất lỏng để phun chất lỏng. Mặc dù vậy, có lẽ các công ty nông nghiệp Mỹ vẫn “tin nhiệm” Tập đoàn Yamaha hơn vì có mấy chục năm kinh nghiệm.

Trung Quốc cũng đã phát triển hàng chục loại TT-UAV các cỡ mang được trọng tải từ vài kg đến vài tấn cho nhiều mục đích khác nhau, kể cả cho nông nghiệp. Hiện tại ở Australia, New Zealand, cũng đã ứng dụng dịch vụ của Yamaha. Gần đây Thái Lan cũng bắt đầu thử nghiệm áp dụng dịch vụ của hãng này.

 Ông có thể cho biết cụ thể hơn về lợi ích ứng dụng máy bay trực thăng không người lái siêu nhẹ trong nông nghiệp?

- Để phun thuốc bảo vệ thực vật vấn đề đầu tiên là chất lượng phun phải đồng đều, cả phía trên và phía dưới lá các cây cao như cây ngô, cây cao su… TT-UAV đáp ứng yêu cầu này rất tuyệt vời, gần như không có thiết bị phun nào khác có thể đạt được, vì nó bay cách ngọn cây chỉ vài mét, tạo ra một luồng khí xoáy “khuấy đảo” các cây trồng ở dưới, đồng thời các béc phun phun chất lỏng dưới dạng bụi nhỏ li ti. So với các xe kéo dàn phun trên mặt đất TT-UAV cũng hơn hẳn về chất lượng phun và lại không gây hư hại cây trồng.

Về năng suất TT-UAV hơn hẳn phun thủ công hàng trăm lần vì trung bình khoảng 7-8 phút đã xong 1 ha, trong khi đó để phun 1 ha cao su cần đến 3 lao động trong 1 ngày. Một điều mà không có phương tiện nào sánh nổi là TT-UAV không độc hại cho người vận hành thiết bị vì là thiết bị không người lái. Do phun chính xác chỗ cần phun, với hiệu quả cao nên giảm thiểu được chi phí cũng như ô nhiễm môi trường. Nếu kết hợp được với công nghệ phát hiện sớm sâu bệnh bằng thiết bị đo chỉ số bức xạ thực vật, hiệu quả lại còn tăng thêm nhiều lần.

Chi phí để đầu tư máy bay trực thăng không người lái có tốn kém không, thưa ông?

 - Tôi lấy ví dụ như máy bay Fazer của Nhật có các đặc tính kỹ thuật như sau: Có thể tải được 28kg, cự ly hoạt động trong tầm nhìn bằng mắt thường là 400m, được điều khiển từ xa kết hợp với hệ thống tự động ổn định. Hai kỳ, chạy xăng pha nhớt, lưu lượng phun từ 1,3 – 2 lít/phút (tuỳ tốc độ bay), có thể lắp thiết bị gieo các loại hạt cứng.

Tùy từng trường hợp cụ thể (chủng loại, số lượng mua, tính năng, nước sản xuất), nói chung giá bán một chiếc không đắt hơn một xe ô tô du lịch loại trung bình. Loại TT-UAV nhiều cánh quay (multirotor UAV, ví dụ quadrotor) chạy bằng điện, giá rẻ, chỉ có vài chục đến vài trăm triệu đồng, tuy nhiên, bay khoảng 10 phút lại phải nạp pin li-po hàng tiếng đồng hồ, chi phí pin li-po rất tốn (khoảng 800 USD/ha). Loại một cánh quay (như Rmax) giá đắt hơn hàng chục lần nhưng sử dụng lại đơn giản, một giờ chỉ tốn vài chục lít xăng.

Xin cảm ơn ông!  

Thiên Việt