dd/mm/yyyy

Nông nghiệp hữu cơ: “Ngã ngửa” với kiểu… tự phong

Không còn thời nông sản hữu cơ là “của quý của hiếm”, người tiêu dùng giờ có thể… ra chợ mua rau hữu cơ, vào siêu thị hay các cửa hàng chọn thực phẩm hữu cơ. Thế nhưng, phần lớn trong số đó chỉ là hữu cơ kiểu… tự phong.

Sơ chế rau mầm sản xuất theo hướng hữu cơ của một trang trại tại huyện Hóc Môn, TP.HCM

Sơ chế rau mầm sản xuất theo hướng hữu cơ của một trang trại tại huyện Hóc Môn, TP.HCM

“Mạnh ai nấy làm”

Được biết, hiện Bộ NN&PTNT vẫn đang trong quá trình hoàn thiện bộ tiêu chuẩn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Còn thực tế các trang trại thì vẫn “mạnh ai nấy làm.”

Ghé thăm trang trại sản xuất rau mầm một nông dân ở xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TP.HCM, được chủ nhà giới thiệu rằng, sản phẩm sản xuất theo hữu cơ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Người viết thắc mắc, vậy đã có đơn vị nào nào chứng nhận cơ sở đạt chuẩn hữu cơ chưa? Chủ trang trại trả lời rằng, do chi phí chứng nhận chuẩn hữu cơ lên đến cả nghìn USD, lại phải làm việc với các tổ chức nước ngoài… nên việc chứng nhận là ngoài tầm với.

Không chỉ vậy, các tiêu chuẩn để đạt chứng nhận hữu cơ cũng rất khắt khe, mà trang trại thì chỉ là mô hình sản xuất hộ gia đình, việc tuân thủ các tiêu chuẩn hữu cơ không hề đơn giản.

“Theo hướng hữu cơ thì chúng tôi sẽ hạn chế phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và không sử dụng các chất tăng trưởng cho rau. Tôi cũng sử dụng các sản phẩm thuốc trừ sâu sinh học khi rau bị sâu, bệnh”, chủ trang trại này giải thích.

Theo Bộ NN&PTNT, tính đến nay diện tích canh tác, nuôi trồng hữu cơ trên cả nước đạt hơn 76.000 ha, tập trung tại một số địa phương như Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Lâm Đồng, TP.HCM… Các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được tiêu thụ trong nước, một số phục vụ xuất khẩu, tuy nhiên nông nghiệp hữu cơ còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa có quy hoạch chung.

Bên cạnh các nhóm hộ nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn của hệ thống đảm bảo sự tham gia (PGS), các doanh nghiệp nông nghiệp có chứng nhận hữu cơ đều do các tổ chức nước ngoài như tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ (USDA-NOP), tiêu chuẩn hữu cơ Liên minh châu Âu (EU Organic Farming - Ủy ban châu Âu - Europe Commission)…

Ông Trần Mạnh Chiến - Giám đốc chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm, cho biết, chi phí để các tổ chức nước ngoài cấp chứng nhận sản phẩm hữu cơ tính ra khoảng 4.000 -5.000 USD/năm. Nếu chỉ mời tổ chức quốc tế về đánh giá, cấp chứng nhận hữu cơ cho diện tích nhỏ, vài ha trở lại, thì chi phí càng đội lên nhiều hơn nữa.

Thế nhưng, chỉ cần dạo một vòng các cửa hàng bán thực phẩm tại TP.HCM, có thể bắt gặp hàng loạt các sản phẩm nông sản được giới thiệu đạt chuẩn hữu cơ, theo hướng hữu cơ hoặc… hữu cơ kiểu “nhà làm”.

Ký kết hợp tác rồi… để đó

Dù nhu cầu thị trường dùng hàng nông sản hữu cơ ngày càng tăng, nhưng sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam phần lớn vẫn manh mún. Đã có một số chương trình ký kết hợp tác rầm rộ, thế nhưng ký kết rồi cũng chỉ… để đó.

Giữa tháng 5.2016, để đẩy mạnh phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đồng thời, tạo mối liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, phân phối sản phẩm nông sản hữu cơ,Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học & Công nghệ (KHCN) và Viện kinh tế Nông nghiệp hữu cơ (VOAEI) tổ chức Hội thảo “Nhận diện sản phẩm nông nghiệp Organic Việt Nam”.

Tại Hội thảo, Bộ NN&PTNT, Bộ KHCN và hơn 10 doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ đã hợp tác xây dựng Dự án “Ngôi nhà hữu cơ”.Ông Lê Thành, chuyên gia về Organic, cho biết, “Ngôi nhà Organic” sẽ thực hiện nhiệm vụ liên kết, sản xuất và tiêu thụ, ký kết với các thị trường quốc tế, đặt hàng xuất khẩu. Đồng thời, phối hợp với các địa phương xây dựng các trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm Organic đến người tiêu dùng.

Ngay sau hội thảo này, một fanpage trên Facebook với tên Ngôi nhà Organic được thành lập, đăng tải các bài viết về sản xuất hữu cơ, quy trình cấp chứng nhận, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên thị trường…

Thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, khi mà lượng tương tác trên fanpage này chưa đáng bao nhiêu, thì bạn đọc đã không còn tìm thấy trang này, thay vào đó, chỉ còn một số “Ngôi nhà Organic” của các “mẹ bỉm sữa” chuyên bán hàng trên mạng. Dự án “Ngôi nhà Organic” cùng với tham vọng xây dựng các trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm... rầm rộ lúc hội thảo, nghe đâu cũng đã phải “xếp vào ngăn bàn”.

Trước đó, để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ trong nước, Bộ NN&PTNT, Bộ KHCN đã ký hợp đồng hợp tác với Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh, Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ và Công ty CP Organic Life. Đây được xem là kết nối có quy mô lớn lần đầu tiên tại Việt Nam nhằm tạo sự gắn kết, làm gia tăng giá trị cho chuỗi thực phẩm Organic, đồng thời tạo động lực cho doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ.

Đến nay, ngoài việc hệ thống siêu thị Co.opMart xây dựng thêm được gian hàng giới thiệu, kinh doanh 4 nhóm thực phẩm hữu cơ mang thương hiệu Co.op Organic đạt tiêu chuẩn Mỹ và Châu Âu tại 7 siêu thị của Saigon Co.op thì vẫn chưa có thêm nhiều biến chuyển nào trong hoạt động hợp tác phát triển nông nghiệp hữu cơ ở các chuỗi siêu thị khác.

Chờ tiêu chuẩn chung

Cùng với ủng hộ việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ thời gian gần đây cũng được các Bộ, ngành dành nhiều ưu tiên. Tuy nhiên, như Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cũng đã phải thừa nhận rằng, Việt Nam vẫn chưa có hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia, các tổ chức chứng nhận và khung pháp lý đồng bộ cho sản xuất, chứng nhận và giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, lòng tin của người tiêu dùng chưa được đảm bảo, dẫn tới thị trường nội địa cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chưa phát triển.

Điều đáng nói, hiện nước ta vẫn chưa có hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia, các tổ chức chứng nhận và khung pháp lý đồng bộ cho sản xuất, chứng nhận và giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ nên lòng tin của người tiêu dùng chưa được đảm bảo.

Tại hội nghị Bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông nghiệp hữu cơ do Bộ NN&PTNT tổ chức hồi tháng 4 vừa qua, ông Hà Phúc Mịch - Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, cho rằng: Tiêu chuẩn và chứng nhận sản xuất hữu cơ là chìa khóa cần phải được xem xét. Hiện nay nếu không giải quyết được vấn đề này, việc sản xuất sẽ không có cơ sở để quản lý, giám sát chứng nhận sản phẩm hữu cơ khó có thể trở thành phong trào, thậm chí dễ đi vào “ngõ cụt”.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, trên thực tế đã có bộ tiêu chuẩn về thực phẩm hữu cơ do Bộ KHCN ban hành năm 2015 nhưng các quy định vẫn chưa rõ ràng, chưa đi vào thực tế cuộc sống. Trong thời gian tới, giữa Bộ NN&PTNT và Bộ KHCN sẽ cùng đưa ra bộ tiêu chí cho thực phẩm hữu cơ - nông sản hữu cơ, có hướng dẫn để các doanh nghiệp và các tổ chức chứng nhận thực hiện. Bên cạnh đó, sẽ phải có sự kết nối để các tổ chức quốc tế thừa nhận các quy chuẩn, tiêu chuẩn đó của Việt Nam.

Theo Bộ NN&PTNT, tính đến nay diện tích canh tác, nuôi trồng hữu cơ trên cả nước đạt hơn 76.000ha, tập trung tại một số địa phương như Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Lâm Đồng, TP.HCM… Các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được tiêu thụ trong nước, một số phục vụ xuất khẩu, tuy nhiên nông nghiệp hữu cơ còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa có quy hoạch chung.

Thuận Hải