dd/mm/yyyy

Người dân xã biên giới góp “sức người, sức của” xây dựng nông thôn mới

Những năm qua, công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) ở xã biên giới Lũng Cú của huyện Đồng Văn (Hà Giang) gặp không ít trở ngại. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, góp “sức người, sức của” của nhân dân, công tác xây dựng NTM đạt được nhiều kết quả tích cực.

Lũng Cú cách trung tâm huyện Đồng Văn 24km về phía bắc. Toàn xã có 16km đường biên giới. Xã có 9 thôn, trong đó có 7 thôn biên giới; số hộ nghèo của xã là 501/1.012 hộ chiếm 49,51%. Mặc dù xã Lũng Cũ đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM vào năm 2020, tuy nhiên do địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp, đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp… đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình triển khai xây dựng NTM ở địa phương.

Người dân xã biên giới góp “sức người, sức của” xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1.

Bà con nhân dân xã Lũng Cú tập trung trồng cây vụ Đông cải thiện đời sống.

Từ năm 2021 đến nay, xã Lũng Cú đã duy trì các tiêu chí đã đạt và nâng cao một số tiêu chí như tiêu chí về môi trường trên địa bàn xã. Tuy nhiên tại thời điểm hiện tại qua rà soát có một số tiêu chí không đạt so với bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021-2025 của tỉnh đề ra: tiêu chí số 11 (hộ nghèo); tiêu chí số 7 (Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn)… nguyên nhân do có nhiều tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021-2025 cao hơn so với bộ tiêu chí cũ giai đoạn 2016-2020.

Đứng trước những khó khăn ấy, cấp ủy, chính quyền xã Lũng Cú xác định để xây dựng NTM phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chủ động, tích cực tham gia của các tầng lớp nhân dân. Công tác tuyên truyền là nhiệm vụ hàng đầu, vì vậy xã Lũng Cú đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, lồng ghép qua các hội nghị, họp thôn bản, các đoàn thể. Làm sao để người dân hiểu rằng việc xây dựng NTM là Nhà nước và nhân dân cùng làm, họ chính là chủ thể, cũng là đối tượng thụ hưởng thành quả NTM.

Lũng Cú xác định việc đầu tiên là phải nâng cao nhận thức và tạo lập niềm tin trong nhân dân về NTM. Xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua hệ thống phát thanh và tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ gia đình...

Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế, giúp người dân tăng thu nhập để làm động lực hoàn thành chương trình xây dựng NTM nâng cao, xã Lũng Cú căn cứ vào điều kiện thực tiễn của từng thôn, xóm để xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các thôn thực hiện chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, đa dạng vật nuôi, cải tạo vườn tạp, đồng thời đẩy mạnh phát triển đa dạng các ngành nghề phi nông nghiệp...

Đến nay, các mô hình phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại có chiều hướng tăng trưởng mạnh mẽ. Trong đó, chăn nuôi gia cầm trên 500 con có 4 hộ, quy mô từ 80 – 100 con có 300 hộ gia đình. Chăn nuôi bò vỗ béo trên 60 con của Tổ hợp tác Chăn nuôi bò vỗ béo tại thôn Cẳng Tằng.

Các mô hình khác như, mô hình trồng rau sạch tại thôn Thèn Pả, Lô Lô Chải. Mô hình trồng lê ăn quả với diện tích 23 ha của Tổ hợp tác trồng cây lê tại thôn Thèn Pả với 24 hộ tham gia. Duy trì mô hình chăn nuôi tổng hợp (bò, dê, lợn, gia cầm).

Đến nay, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/người/năm.

Người dân xã biên giới góp “sức người, sức của” xây dựng nông thôn mới - Ảnh 3.

Nhiều mô hình phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại giúp người dân xã Lũng Cú (Đồng Văn) nâng cao thu nhập.

Mặt khác, với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", công tác dân vận khéo đã góp phần lớn vào những thành công trong xây dựng NTM tại Lũng Cú. Xã xác định nhiệm vụ trọng tâm trước tiên là phải xây dựng được niềm tin, sự đồng lòng, nhất trí của các tầng lớp nhân dân, huy động nội lực, chung sức hoàn thành các tiêu chí NTM.

Ông Dìu Dỉ Xiến, thôn Lô Lô, xã Lũng Cú chia sẻ: "Là người con nơi địa đầu của Tổ quốc, tôi luôn mong muốn đóng góp vào sự phát triển của quê hương. Chứng kiến cảnh cả xã không có nơi tập kết rác thải. Thời gian qua, cá nhân tôi đã đóng góp 200 mét vuông đất để làm bãi rác thải. Giờ đây xã đã có bãi để tập kết thu gom rác thải. Tôi rất vui".

Chia sẻ về những giải pháp trong thực hiện chương trình xây dựng NTM, ông Tạ Quang Tiến, Phó Bí thư Đảng ủy xã Lũng Cú, cho biết: Thực hiện Đề án xây dựng NTM xã Lũng Cú xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ xã đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM.

"Có được những kết quả trong xây dựng NTM ở xã là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân. Xã đẩy mạnh tuyên truyền lợi ích của chương trình để người dân tự nguyện tham gia, góp công, góp vốn xây dựng các công trình. Đồng thời, xã thành lập các ban giám sát cộng đồng, tất cả các thôn đều thành lập 1 tổ giám sát cộng đồng để giám sát và công khai tài chính với người dân", ông Tiến cho biết thêm.

Có thể nói, xây dựng NTM là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, trong đó người dân là chủ thể. Do vậy, Lũng Cú xác định việc đầu tiên là phải nâng cao nhận thức và tạo lập niềm tin trong nhân dân về NTM. Xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua hệ thống phát thanh và tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ gia đình... Nhờ vậy, Bộ tiêu chí về NTM được người dân từng bước hiểu rõ và chung tay thực hiện.

Thảo Trang