dd/mm/yyyy

Người dân Triệu Phong phấn khởi nhờ nông thôn mới

Nhờ sự đồng lòng, hợp sức của nhân dân và chính quyền địa phương, diện mạo vùng nông thôn huyện Triệu Phong (Quảng Trị) ngày càng tươi đẹp.

Người dân phấn khởi

Tháng 10, những cơn mưa đầu mùa bắt đầu nặng hạt, chúng tôi cùng ông Nguyễn Văn Minh (trú xã Triệu Thành, Triệu Phong) chạy xe máy rảo khắp nhiều con đường qua các xã Triệu Thuận, Triệu Trạch, Triệu Thành,… Đến nơi đâu, ông Minh cũng giới thiệu về mảnh đất, con người của địa phương đó. Và có một điểm chung là, bộ mặt nông thôn Triệu Phong ngày một đẹp hơn.

Ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị (thứ 3 từ trái sang, hàng đầu) kiểm tra và đánh giá cao hiệu quả dồn điền đổi thửa, trồng lúa hữu cơ ở Triệu Phong.
Ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị (thứ 3 từ trái sang, hàng đầu) kiểm tra và đánh giá cao hiệu quả dồn điền đổi thửa, trồng lúa hữu cơ ở Triệu Phong.

Ông Minh ví dụ, 5 năm về trước, nông thôn Triệu Phong chủ yếu đường đất, mưa xuống xe cộ bẩn như con trâu cày. Còn nay, đường được thảm nhựa, bê tông hóa… rất sạch sẽ, lưu thông thuận tiện.

Ông Lê Hòa (xã Triệu Long) kể, những năm về trước, mỗi nhà có đến năm, bảy tấm ruộng, mỗi tấm nhiều nhất một sào, có khi chỉ vài chục mét vuông, lại cách xa nhau nên việc gieo trồng, thu hoạch rất khó khăn. Khi có chương trình xây dựng NTM, hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền, người dân thực hiện dồn điền đổi thửa, tạo nên cánh đồng mẫu lớn, mỗi gia đình chỉ còn một, hai thửa ruộng rộng lớn, sản xuất, thu hoạch dễ dàng. Việc xây dựng kênh mương, giao thông nội đồng từ đó cũng thuận lợi hơn.

“Không nói đâu xa, ngày trước gặt xong phải gánh lúa băng giữa đồng mỏi cả chân mới tới đường lớn để đưa lên xe chở về nhà. Nay bà con dồn điền đổi thửa, hiến đất, hiến công xây dựng đường giao thông nội đồng nên máy gặt lúa xong bốc ngay lên xe chở về nhà” – ông Hòa phấn khởi nói.

Tăng thu nhập làm “đòn bẩy”

Bà Nguyễn Triều Thương – Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong cho biết, năm 2011 xuất phát điểm NTM trên địa bàn rất thấp, bình quân chỉ 5 tiêu chí/xã. Nhờ sự đồng lòng, góp sức của nhân dân, sự ủng hộ của các cấp ngành Trung ương, cấp tỉnh và nỗ lực vào cuộc của cán bộ các cấp địa phương đã giúp quá trình xây dựng NTM ở Triệu Phong ngày một khởi sắc. Đến nay, sau gần 7 năm triển khai, Triệu Phong đạt bình quân 15,4 tiêu chí/xã, có 6 xã đạt chuẩn NTM, thu nhập bình quân đạt trên 34 triệu đồng/người/năm.

Bà Nguyễn Triều Thương – Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong cùng lãnh đạo tỉnh, sở ngành thăm mô hình trồng khoai xen canh đậu đen xanh lòng ở xã Triệu Vân.
Bà Nguyễn Triều Thương – Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong cùng lãnh đạo tỉnh, sở ngành thăm mô hình trồng khoai xen canh đậu đen xanh lòng ở xã Triệu Vân.

Theo bà Thương, để xây dựng NTM, huyện Triệu Phong luôn tuân thủ nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi”, người dân thực sự là chủ thể của quá trình xây dựng NTM. Bên cạnh đó, huyện đã huy động, phát huy vai trò, sức mạnh của cả hệ thống chính trị nhằm tuyên truyền phong trào lan tỏa rộng khắp.

Ông Phan Quang Giải – Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong cho hay, huyện còn xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, lấy tiêu chí tăng thu nhập làm đòn bẩy. Huyện chia thành ba địa bàn phát triển kinh tế gồm vùng đồng bằng trồng lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ, chuyên canh ngô, trang trại, nuôi trồng công nghệ cao… Vùng gò đồi chuyển đổi đất rừng kém hiệu quả sang trồng rừng có chứng chỉ bền vững (FSC) và cây gỗ lớn, dứa nguyên liệu, cây dược liệu… Còn vùng cát và ven biển bãi ngang huyện triển khai cho người dân trồng cỏ nuôi bò, trồng cây gia vị, hoa màu, nuôi tôm, chế biến thủy hải sản…

Mô hình chăn nuôi tổng hợp cá – gà – lợn rừng – vịt trời tại xã Triệu Ái (Triệu Phong) cho thu nhập cao.
Mô hình chăn nuôi tổng hợp cá – gà – lợn rừng – vịt trời tại xã Triệu Ái (Triệu Phong) cho thu nhập cao.

Nhờ chủ trương đúng đắn cùng sự hỗ trợ đắc lực từ các ngân hàng trên địa bàn, đặc biệt là Ngân hàng Chính sách xã hội, Agribank và BIDV trong việc cho vay… nên ở Triệu Phong xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả như: nuôi cá lồng ở Triệu Phước, trang trại tổng hợp cá – lợn – gà – vịt trời ở Triệu Ái… Bên cạnh đó, huyện còn một số sản phẩm nổi tiếng như đậu đen xanh lòng Triệu Vân, gạo sạch sản xuất theo phương thức canh tác hữu cơ ở các xã Triệu Tài, Triệu Trạch, Triệu Sơn,… dưa hấu Long Quang; rau màu Triệu Đông, gạo thơm HC95 Triệu Độ; nước mắm Gia Đẳng…

Bà Nguyễn Triều Thương cho biết, mục tiêu của huyện đến năm 2020 có trên 50% số xã đạt chuẩn NTM, không có xã dưới 16 tiêu chí. Để đạt được điều đó, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay xây dựng NTM, huy động và lồng ghép linh hoạt mọi nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng. “Mục tiêu nêu trên khá cao nhưng nếu được sự giúp đỡ của các cấp ngành và ủng hộ của nhân dân chắc chắn sẽ thực hiện được” - bà Thương nhấn mạnh.

Ngọc Vũ