dd/mm/yyyy

Lão nông không ngại “tuyên chiến” với doanh nghiệp gây ô nhiễm

Nếu huyện Bình Chánh (TP.HCM) có nhiều hơn những lão nông như thế thì thời gian qua sẽ không phải chật vật để thực hiện tiêu chí môi trường trong Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

Con đường kênh A (xã Lê Minh Xuân) đưa tôi thẳng đến nhà lão nông Tư Đức (Lại Văn Đức). Giữa vùng nông thôn, con đường trải nhựa láng bóng này không rác, không mùi hôi từ các cơ sở sản xuất và kênh rạch, vốn từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân huyện Bình Chánh.

“Có tôi, thì không có ô nhiễm”

Trong sân nhà, lão nông Tư Đức đang lúi húi tỉa tót những chậu sứ Thái. Đây là nguồn sống của ông. Nhờ có nó và sự cương trực, chính nghĩa, ông đã dứt khoát từ chối những khoản “lót tay” của doanh nghiệp, để tống khứ những cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi địa bàn, để không phụ lòng tin của bà con chòm xóm.

Ông Lại Văn Đức đi nhặt từng bọc rác của người dân bỏ vào thùng rác trên tuyến đường kênh A.
Ông Lại Văn Đức đi nhặt từng bọc rác của người dân bỏ vào thùng rác trên tuyến đường kênh A.

Hớp ngụm trà, ông mở đầu câu chuyện một cách dứt khoát: “Có tôi, thì không có ô nhiễm”. Ông kể, nơi ông ở trước đây là một vùng nông thôn yên bình. Rồi khi thành phố quyết định di dời các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm trong nội thành ra ngoại thành, khá nhiều doanh nghiệp đã đổ dồn về đây. “Tình hình ô nhiễm môi trường từ đó ngày càng tệ hơn, nhất là ô nhiễm mùi. Bà con cô bác vô cùng bức bối” - ông thổ lộ. Thế là ông Tư Đức ra tay.

Ba năm trước, câu chuyện lão nông Tư Đức dứt khoát “cấm cửa” một doanh nghiệp sản xuất bột cá gây ô nhiễm đóng trên địa bàn gây sửng sốt chính quyền địa phương và nức lòng người dân. Nhắc lại chuyện này, ông khá bực bội: “Tôi đã nhắc chủ doanh nghiệp nhiều lần, làm gì thì làm nhưng đừng để ảnh hưởng đến bà con xung quanh. Đằng này công ty để mùi tanh, hôi thối phát tán khắp nơi, đến nỗi bà con chòm xóm không thể ăn cơm, tối ngủ phải đeo khẩu trang… Ai chịu nổi chứ!” - ông bức xúc.

Nói mãi không được, cùng với kỳ vọng từ phía bà con chòm xóm, lão nông Tư Đức quyết định mời Ban môi trường xã và công ty điện lực đến công ty sản xuất bột cá… cắt điện. “Hôm đó gần tết, khoảng 20 nhân công công ty quây lấy tôi năn nỉ đừng cắt điện để họ làm kiếm tiền ăn tết, cũng như không mất việc. Tôi thấy cũng bất nhẫn, nhưng tại chủ doanh nghiệp cứ để ô nhiễm kéo dài, không cải thiện nên tôi mới làm dữ. Từ đó, doanh nghiệp này dọn đi luôn” ông Tư Đức kể.

Gần đây, một doanh nghiệp tái chế nhựa mon men đến ấp 4 định lập cơ sở sản xuất, cũng bị lão nông Tư Đức “đuổi thẳng cổ”. Hôm đó, khi doanh nghiệp đưa xe chở thiết bị sản xuất đến định lắp ráp, ông đến bảo, đây là ngành nghề nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, người dân ở đây không muốn có cơ sở này trên địa bàn nên không được lắp ráp máy móc nữa. Thế là, doanh nghiệp ngưng thi công.

“Tôi nói luôn với họ (doanh nghiệp), nếu dọn ở đây rồi đi địa bàn lân cận khác làm mà để gây ô nhiễm môi trường thì tôi cũng đến và yêu cầu dời tiếp” - lão nông Tư Đức cười khà khà.

Nhờ vườn sứ Thái, lão nông Lại Văn Đức không “lăn tăn” với “phong bao” mà yên tâm đấu tranh với doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường.
Nhờ vườn sứ Thái, lão nông Lại Văn Đức không “lăn tăn” với “phong bao” mà yên tâm đấu tranh với doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

Nhiều bà con ở địa bàn khác, thấy ông Tư Đức quyết liệt với các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường cũng chạy đến nhờ ông đến khu vực mình để đấu tranh với các doanh nghiệp.

Với rác thải sinh hoạt cũng vậy, ông Đức rất dứt khoát với chuyện người dân thiếu ý thức bảo vệ môi trường. Từ khi địa phương triển khai chương trình xây dựng NTM, với tư cách Tổ trưởng tổ 4, ông Tư Đức thấy rác trước sân nhà ai là cứ thế gõ cửa “vận động” bảo vệ môi trường.

“Không thể cứ thi thoảng lại tổ chức đi nhặt rác, làm vậy không căn cơ. Khu đất thuộc nhà ai thì nhà đó có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường, phải lo nhặt rác nếu có. Phải vận động bà con cho bằng được, vậy mới căn cơ” - ông chia sẻ. Chính vì thế, mà con đường kênh A lâu nay đã trở thành con đường kiểu mẫu xanh – sạch – đẹp của xã Lê Minh Xuân: không rác thải, không mùi hôi từ cơ sở sản xuất và kênh rạch.

Sau lưng là bà con chòm xóm

Hiện, Bình Chánh được xem như “túi đựng rác” của Thành phố với rất nhiều công ty, cơ sở nhuộm, tái chế, thuộc da… có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Chưa kể các cụm, khu công nghiệp thượng nguồn thải chất thải về. Theo chính quyền địa phương, để cải thiện môi trường trên địa bàn cần phải có sự trợ lực của thành phố. Cụ thể, các sở ngành của thành phố cần xử lý nước thải từ đầu nguồn các con kênh.

Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Chánh Mai Ngươn Khánh, ông Lại Văn Đức là một nông dân rất cương trực, rất quyết liệt với các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Nhờ ông Đức mà môi trường tại địa phương ngày càng tốt hơn. Ông rất nhiệt tình, năng nổ trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng NTM của địa phương.

Việc lão nông Tư Đức nỗ lực đi đấu tranh với các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm là một tín hiệu tốt từ phản ứng của người dân. Theo ông Tư Đức, người dân địa phương rất hoan nghênh các doanh nghiệp về đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất trên địa bàn vì giải quyết được việc làm cho lao động nông thôn, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân. Nhưng nếu vì miếng ăn mà phải đánh đổi môi trường và rước bệnh cho con cháu thì không thể chấp nhận.

Sau nhiều năm quyết liệt đấu tranh, theo ông Tư Đức, trên địa bàn ấp 4 chỉ còn 6 doanh nghiệp hoạt động. Đây là những cơ sở không gây ô nhiễm môi trường. “Tôi làm vì quyền lợi chung của bà con chòm xóm. Sau lưng tôi là bà con, nên tôi không sợ gì” - ông khẳng khái.

Trần Đáng