dd/mm/yyyy

Hòa Bình: Huyện nghèo Đà Bắc khởi sắc nhờ nông thôn mới

Mặc dù là huyện nghèo còn nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cán bộ, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, phong trào xây dựng nông thôn mới ở Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình đã đạt những kết quả đáng ghi nhận; diện mạo nông thôn nơi đây đang ngày càng khởi sắc...

Video: Đà Bắc khởi sắc nhờ nông thôn mới

Để hiểu rõ hơn về những kết quả, quá trình thực hiện và định hướng Chương trình xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới ở Đà Bắc, phóng viên Báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt/Trang Trại Việt đã có cuộc phỏng vấn với ông Lường Văn Thi, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc.

Hòa Bình: Huyện nghèo Đà Bắc khởi sắc nhờ nông thôn mới - Ảnh 1.

Ông Lường Văn Thi, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc. Ảnh: Hoài Phúc.

Phóng viên: Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, UBND huyện Đà Bắc, đến nay phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả như thế nào, thưa ông?

Ông Lường Văn Thi: Gần 13 năm qua, với sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Đà Bắc, sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, trở thành một phong trào có sức lan tỏa sâu rộng và mạnh mẽ trong toàn xã hội; góp phần đưa các Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Nghị quyết về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đi vào thực tiễn. 

Những kết quả đạt được của Chương trình đã góp phần tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ, diện mạo nông thôn đã có nhiều khởi sắc, hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được cải thiện; cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã phát huy hiệu quả, kinh tế nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân nông thôn.

Tính đến tháng 11//2023, kết quả rà soát các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn huyện Đà Bắc theo bộ tiêu chí về xã nông thôn mới tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025 cụ thể như sau: Tổng số tiêu chí đạt ước đạt là 212 tiêu chí, trung bình đạt 13,25 tiêu chí/ xã; xã đạt chuẩn và đạt 19/19 tiêu chí gồm có 4 xã (Tú Lý, Hiền Lương, Cao Sơn, Toàn Sơn); huyện chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu; các xã còn lại đều là các xã khu vực 3, vùng đặc biệt khó khăn; Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt khoảng 40 triệu đồng/người/năm (tăng 2,5 triệu so với năm 2022).

Hòa Bình: Huyện nghèo Đà Bắc khởi sắc nhờ nông thôn mới - Ảnh 2.

Người dân xã Nánh Nghê, huyện Đà Bắc tập trung nuôi dê theo hướng hàng hóa để nâng cao thu nhập. Ảnh: Phạm Hoài.

Bên cạnh đó, chính sách an sinh, phúc lợi xã hội được đảm bảo và kịp thời chăm lo cho đối tượng chính sách, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn năm 2023 còn khoảng 28,82% (giảm 6,12% so với năm 2022).

Phóng viên: Đà Bắc là huyện nghèo, nguồn lực của huyện và các xã còn hạn chế, trong khi xây dựng nông thôn mới đòi hỏi nguồn vốn lớn; để tháo gỡ khó khăn này huyện đã có những cơ chế, chính sách nào để huy động nguồn lực và phát huy vai trò của nông dân trong tham gia xây dựng nông thôn mới?

Ông Lường Văn Thi: Xây dựng nông thôn mới đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn nhưng trên thực tế, khả năng huy động nguồn lực cho chương trình này chưa đáp ứng được yêu cầu, kể cả nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã mang lại lợi ích thiết thực, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận cư dân nông thôn. Người dân có sự đồng thuận cao và tích cực tham gia đóng góp tiền của, công sức đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. 

Tuy nhiên, do phát triển kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn nên sức đóng góp còn hạn chế. Mặt khác, việc thực hiện các công trình hạ tầng thiết yếu như giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, nước sạch... đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn và cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. 

Trong khi đó, nguồn vốn từ nguồn ngân sách hiện nay nhìn chung vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Ngoài ra, một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước nên nguồn lực trong dân chưa được phát huy tối đa… Để tháo gỡ khó khăn này huyện Đà Bắc đã triển khai nhiều giải pháp để huy động nguồn lực và phát huy vai trò của nông dân trong tham gia xây dựng nông thôn mới.

Hòa Bình: Huyện nghèo Đà Bắc khởi sắc nhờ nông thôn mới - Ảnh 3.

Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện Đà Bắc được quan tâm đầu tư xây dựng để giúp người đi lại thuận tiện và đẩy mạnh thông thương hàng hóa, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Ảnh: Phạm Hoài.

Thứ nhất, trên cơ sở căn cứ bộ tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao của tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 – 2025, huyện đã tiến hành họp ban chỉ đạo các cấp và phân chia các nhóm tiêu chí và giao cho từng ngành chuyên môn của huyện trực tiếp tham mưu. Ưu tiên hoàn thành trước các tiêu chí không yêu cầu đầu tư nhiều vốn ngân sách Nhà nước. Huyện tập trung phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân, bởi đây được coi là giải pháp then chốt trong xây dựng nông thôn mới. 

Vì một khi kinh tế ổn định, vấn đề huy động sức dân cũng thuận lợi hơn, những vướng mắc trong xây dựng nông thôn mới sẽ từng bước được tháo gỡ, tạo mọi điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Thứ hai, tỉnh Hòa Bình và huyện Đà Bắc đã ban hành và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất (hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò, lợn bản địa, chăn nuôi cá lồng; hỗ trợ chuẩn hóa các sản phẩm OCOP, các sản phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP… để các sản phẩm có khả năng cạnh tranh và tìm đến các thị trường rộng lớn trong và ngoài tỉnh; các cơ chế đặc thù trong xây dựng nông thôn mới, triển khai thực hiện xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở nông thôn.

Hòa Bình: Huyện nghèo Đà Bắc khởi sắc nhờ nông thôn mới - Ảnh 4.

Nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo nhiều bản làng trên địa bàn huyện Đà Bắc đang ngày càng khởi sắc.

Phóng viên: Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, huyện Đà Bắc hướng đến những mục tiêu như thế nào? Những giải pháp đột phá để đạt được những mục tiêu đó?

Ông Lường Văn Thi: Căn cứ kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025 của UBND tỉnh Hòa bình về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2021-2025; huyện phấn đấu đến hết năm 2025 sẽ phấn đấu đạt được 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Để đạt những mục tiêu đó, huyện Đà Bắc đang tập trung triển khai những giải pháp đột phá như sau: 

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, huy động các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tham gia thực sự có hiệu quả trong việc triển khai thực hiện chương trình; thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn và đẩy mạnh phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới... nhằm nâng cao nhận thức, tư duy, xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại vào nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước của một bộ phận người dân và cán bộ, đảng viên.

Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó, tập trung phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất nông – lâm kết hợp; ưu tiên phát triển các thế mạnh của khu vực về cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm; chăn  nuôi thủy sản, phát triển du lịch cộng đồng…; tăng kinh phí hỗ trợ cho các hộ nhận khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng để người dân có thu nhập ổn định, phát triển các sản phẩm từ rừng; thúc đẩy phát triển các mô hình liên kết trồng rừng gỗ lớn tập trung. Từ đó góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, thực hiện tốt chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội; giải quyết tốt một số vấn đề nhằm ổn định đời sống, sản xuất, giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất; quy hoạch, bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư những nơi cần thiết...

Đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là trong lĩnh vực chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp. Tiếp tục thúc đẩy, tập trung triển khai Chương trình OCOP thông qua việc rà soát, nuôi dưỡng, phát hiện, phát triển các sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của địa phương; đồng thời hướng dẫn các chủ thể, các xã tham gia hoạt động theo chu trình OCOP.

Tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện các tiêu chí thôn, bản, xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu: Bám sát mục tiêu, kế hoạch giai đoạn 2021–2025 của tỉnh, của huyện, chỉ đạo các xã chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch cụ thể, cân đối khả năng huy động nguồn lực phù hợp cho từng giai đoạn để tập trung chỉ đạo thực hiện các tiêu chí thôn, bản, xã, huyện NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. 

Lồng ghép các nguồn vốn trên địa bàn, đặc biệt là nguồn vốn chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số để chuẩn hóa các tiêu chí nông thôn mới; rà soát, tập trung chỉ đạo thực hiện xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao đối với những xã có khả năng hoàn thành trong từng giai đoạn. 

Trong quá trình thẩm định mức độ đạt chuẩn của các tiêu chí cần có sự tham gia của đại diện ban phát triển các bản trong xã để tiếp thu ý kiến chỉ đạo, nhận xét, góp ý về những nội dung đã làm được và những nội dung còn tồn tại, hạn chế của từng tiêu chí, từ đó kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện...

PV Tây Bắc