dd/mm/yyyy

Hiệu quả chương trình 135 ở Mường La

5 năm qua, từ nguồn vốn chương trình 135 của Chính phủ, huyện miền núi Mường La (Sơn La) đã từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên địa bàn.

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Nguyễn Văn Bắc – Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La, cho biết: Chương trình 135 giai đoạn 2016 – 2020 đã được huyện Mường La triển khai quyết liệt, với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp từ huyện đến các xã được thụ hưởng. Qua thực hiện chương trình, kết cấu hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn trong huyện từng bước được hoàn thiện. Được hưởng lợi từ chương trình, nhiều hộ nghèo ở các xã, bản trên địa bàn huyện nỗ lực vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống. Chương trình 135, giai đoạn 2016 – 2020 đã góp phần không nhỏ vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện.

Hiệu quả chương trình 135 ở Mường La - Ảnh 1.

Kết cấu hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường La từng bước được hoàn thiện nhờ nguồn vốn chương trình 135.

Để chương trình 135 sớm đi vào cuộc sống, huyện Mường La đã chỉ đạo các xã được thụ hưởng thực hiện tốt công tác bình xét, lựa chọn đối tượng. Thực tế cho thấy, việc bình xét, lựa chọn đối tượng được các xã trong huyện triển khai công khai, dân chủ, hỗ trợ đúng địa bàn, đối tượng theo quy định. Đối với việc hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cũng được các xã thực hiện tốt, đảm bảo nguyên tắc xã có công trình, dân có việc làm tăng thêm thu nhập.

Ngay từ năm đầu triển khai thiện Chương trình 135 giai đoạn III, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huyện Mường La còn chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các xã tổ chức hội nghị tập huấn triển khai kế hoạch hàng năm cho các đối tượng thụ hưởng.

Hiệu quả chương trình 135 ở Mường La - Ảnh 2.

Từ nguồn vốn của chương trình 135, huyện Mường La đã đầu tư xây dựng nhà lớp học, đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên, học sinh trên địa bàn.

"Việc bố trí nguồn kinh phí để thực hiện chương trình 135 hỗ trợ phát triển sản xuất và duy tu sửa chữa công trình đã đáp ứng được một phần khó khăn của người dân vùng đặc biệt khó khăn. Chương trình được thực hiện công khai, dân chủ từ cơ sở phát huy mạnh mẽ sự tham gia của người dân. Các hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản như: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn huyện" – ông Bắc nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La, trong quá trình triển khai nguồn vốn đã có sự giám sát chặt chẽ của HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội trong huyện. Qua đó, các chính sách đã được triển khai thực hiện đúng địa bàn, đúng đối tượng, phát huy hiệu quả vốn đầu tư. Việc hỗ trợ người dân giống cây trồng, vật nuôi, máy móc công cụ để phát triển sản xuất, đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy sản xuất gắn với thị trường, tăng giá trị sử dụng đất nông lâm nghiệp.

Hiệu quả chương trình 135 ở Mường La - Ảnh 3.

Nhiều hộ nghèo ở huyện Mường La được hỗ trợ bò giống sinh sản bằng nguồn vốn của chương trình 135.

Từ nguồn vốn chương trình 135, huyện Mường La tập trung đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu như: Giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, phòng lớp học ở các xã đặc biệt khó khăn. Từ năm 2016 – 2020, huyện Mường La đã thực hiện khởi công tổng số 45 công trình, với tổng mức đầu tư  hơn 75 tỷ đồng. Đến hết năm 2020 đã có 31 công trình được bàn giao, đưa vào sử dụng, góp phần làm thay đổi diện mạo của các bản vùng đặc biệt khăn, thúc đẩy kinh tế văn hóa xã hội phát triển.

Không chỉ hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, huyện Mường La còn triển khai hàng loạt dự án hỗ trợ phát triển sản xuất bằng nguồn vốn chương trinh 135. Một trong những dự án hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, được huyện Mường La triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao phải kể đến là hỗ trợ bò giống sinh sản. Hàng nghìn con bò giống đã được trao cho các hộ nghèo trong huyện theo phương thức đối ứng.

Hiệu quả chương trình 135 ở Mường La - Ảnh 4.

Tỷ lệ hộ nghèo của huyện Mường La giảm từ 3% – 5%/năm.

Nói như ông Nguyễn Văn Tâm – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường La thì việc triển khai hỗ trợ bò giống có đối ứng mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với hình thức cho không. Làm theo cách này, người dân có trách nhiệm hơn với con vật nuôi của gia đình. Đàn bò trên địa bàn huyện cũng nhờ đó mà sinh trưởng, phát triển tốt, tăng trưởng nhanh về số lượng.

Qua 5 năm thực hiện chương trình 135, huyện Mường La đã hỗ trợ, giải quyết được cơ bản những khó khăn của đại đa số đồng bào dân tộc ở các vùng đặc biệt khó khăn tại các cơ sở. Hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo trong huyện giảm từ 3% – 5%. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân các xã, bản vùng khó của huyện ngày càng được nâng cao.

 

Thanh Ngân