dd/mm/yyyy

Hỗ trợ bò giống có đối ứng ở Mường La: Cách làm hay và hiệu quả

"Từ khi thực hiện phương án đối ứng với khoản hỗ trợ bò giống sinh sản, trách nhiệm của hộ nghèo đối với vật nuôi đã được nâng lên rất nhiều. Qua đó, đàn bò trong huyện không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng cũng được cải thiện đáng kể".

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Tâm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường La (Sơn La) về hỗ trợ bò giống có đối ứng cho hộ nghèo trên địa bàn huyện Mường La trong thời gian vừa qua.

Tiếp tục câu chuyện với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Tâm thông tin: Huyện Mường La triển khai thực hiện phương án đối ứng đối với khoản hỗ trợ bò giống sinh sản cho hộ nghèo trên địa bàn từ năm 2016. Nội dung này nằm trong hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất theo chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Trước khi quyết định lựa chọn phương án đối ứng đối với khoản hỗ trợ bò cho hộ nghèo, huyện Mường La đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn để đi đến thống nhất cách thức triển khai.

Hỗ trợ bò giống có đối ứng ở Mường La: Cách làm hay và hiệu quả - Ảnh 1.

Huyện Mường La triển khai hỗ trợ bò giống cho hộ nghèo theo hình thức đối ứng từ năm 2016.

"Không phải ngẫu nhiên huyện Mường La lại lựa chọn hình thức hỗ trợ bò có đối ứng. Sở dĩ huyện lựa chọn như vậy là để hộ nghèo có ý thức hơn, trách nhiệm hơn đối với con vật nuôi được hỗ trợ. Hơn nữa, với định mức hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ nghèo của Nhà nước, chỉ có thể mua được con bò nhỏ, chứ không mua được con bò to hơn, đảm bảo hơn về chất lượng. Mỗi năm có hàng trăm hộ nghèo trong huyện thuộc diện được hỗ trợ, đăng ký nuôi bò, nên việc tìm được cả trăm con bò giống có trọng lượng như nhau trong một thời gian ngắn là không thể thực hiện được. Đó cũng chính là lý do huyện Mường La quyết định thực hiện hỗ trợ bò giống theo hình thức đối ứng. Tức là người dân phải trả phần chênh lệch giá trực tiếp cho đơn vị cung ứng con giống" – ông Tâm cho hay.

Hỗ trợ bò giống có đối ứng ở Mường La: Cách làm hay và hiệu quả - Ảnh 2.

Được hỗ trợ bò giống, các hộ nghèo ở Mường La làm chuồng nuôi nhốt cẩn thận.

Thực tế cho thấy, cách làm của huyện Mường La khá thiết thực và hiệu quả. Các hộ nghèo trong huyện sau khi nhận bò giống về nuôi đã có trách nhiệm hơn trong việc chăm sóc bò. Hầu hết bò giống được hỗ trợ đều sinh trưởng, phát triển tốt trước sự chăm sóc cẩn thận của người dân.

Anh Lò Văn Sây – Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến (huyện Mường La) cho hay: "Trước đây, nhiều hộ nghèo trong xã cũng đã được hỗ trợ bò giống từ các chương trình mục tiêu Quốc gia của Chính phủ. Nếu như trước đây Nhà nước hỗ trợ 100%, thì từ năm 2016 trở lại đây, các hộ nghèo khi nhận bò hỗ trợ phải đối ứng, tức là người dân phải trả tiền chênh lệch vượt định mức được hỗ trợ. Làm theo cách này, nhiều hộ nghèo đã có sự thay đổi trong suy nghĩ. Trước đây, nhiều hộ nghèo sau khi nhận bò hỗ trợ, cứ nghĩ đó là bò của Nhà nước nên chưa mấy quan tấm đến việc chăm sóc bò, dẫn đến con bò bị còi cọc, gầy yếu, chậm sinh sản. Giờ thì khác rồi, các hộ nghèo trong xã sau khi nhận bò đã có trách nhiệm hơn, để ý hơn đến việc cho ăn, phòng chống dịch bệnh, giá rét cho con bò".

Cũng theo anh Sây, nhờ chương trình hỗ trợ bò giống có đối ứng này mà từ năm 2016, ở Ngọc Chiến không còn tình trạng thả rông gia súc như trước nữa. 100% hộ chăn nuôi trong xã đều làm chuồng nuôi nhốt trâu, bò. Nhờ đó, đàn trâu, bò trên địa bàn xã không ngừng tăng lên, kéo theo đời sống và thu nhập của người dân cũng được cải thiện và nâng cao.

Việc hỗ trợ bò giống có đối ứng được huyện Mường La chỉ đạo các xã thực hiện theo hình thức chợ bò. Thay vì bốc thăm như trước, các hộ nghèo nằm trong danh sách được hỗ trợ bò thỏa sức lựa chọn con bò theo ý mình.

Hỗ trợ bò giống có đối ứng ở Mường La: Cách làm hay và hiệu quả - Ảnh 3.

Mấy năm gần đây, hàng nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo ở huyện Mường La được hỗ trợ bò giống sinh sản.

"Mấy năm gần đây, trên cơ sở nguồn vốn được huyện phân bổ, xã Ngọc Chiến tổ chức họp bàn, sau đó chỉ đạo các bản tuyên truyền cho các hộ nghèo đăng ký lựa chọn cây, con giống phù hợp. Phần đa hộ nghèo trong xã đăng ký nuôi bò sinh sản. Trên cơ sở đó, xã tổ chức lựa chọn đơn vị cung ứng con giống. Chúng tôi lựa chọn doanh nghiệp cung ứng đáp ứng các yêu cầu về năng lực và chất lượng con giống. Khi doanh nghiệp mang bò đến địa điểm đã định, xã cử cán bộ đến kiểm tra, giám sát tất cả các khâu. Các hộ nghèo tự lựa chọn cho gia đình con bò phù hợp. Hộ nào có điều kiện thì chọn con bò to hơn, còn gia đình không có điều kiện thì lấy con nhỏ hơn" – anh Sây cho biết thêm.

Chỉ tay vào con bò mẹ đang đứng cạnh chú bê con trong gian chuồng thoáng mát, ông Lò Văn Dọc, dân bản Mường Chiến (xã Ngọc Chiến, huyện Mường La), vui vẻ nói: "Con bò này là Nhà nước hỗ trợ cho gia đình tôi đấy. Nó cũng do chính tay tôi chọn. Tôi quyết định bỏ ra 2,7 triệu trả cho doanh nghiệp đồng để nhận bò về nuôi. Bỏ thêm tiền nhưng gia đình tôi vẫn cảm thấy vui, vì nuôi bò to nó sẽ nhanh sinh sản hơn là bò nhỏ. Chưa đầy một năm sau, bò đã đẻ một chú bê cái mập mạp. Con bê này được 8 tháng tuổi rồi đấy. Gia đình tôi sẽ giữ lại để nuôi nhân đàn, chứ không bán đâu".

Theo trưởng phòng NN&PTNT huyện Mường La, việc tổ chức cấp theo hình thức chợ bò, để người dân tự lựa chọn và tự bỏ tiền theo giá chênh lệch không chỉ xóa bỏ được tư tưởng cho không, mà còn nâng cao trách nhiệm của người dân đối với vật nuôi. Đàn bò trên địa bàn huyện cũng nhờ đó mà không ngừng tăng cả về số lượng và chất lượng. Đến nay cả huyện có khoảng 30.000 con bò. Cách làm của huyện Mường La đã và đang phát huy hiệu quả rõ rệt, được nhiều địa phương khác trong tỉnh áp dụng theo.

Thanh Ngân