dd/mm/yyyy

Đuối công nghệ và chế biến, trái cây bao giờ thoát cảnh xuất thô?

Câu chuyện “hái chín hay hái non”, xuất khẩu hạn chế… vì công nghệ chế biến còn nhiều “trúc trắc” là vấn đề trăn trở từ nhiều năm qua của nông dân trồng mãng cầu (na) ở Bà Đen (tỉnh Tây Ninh).

Những nghiên cứu, đầu tư cho ngành công nghiệp chế biến rau củ quả ở Việt Nam hiện còn khá khiêm tốn, chưa kể, công nghệ bảo quản lạc hậu khiến tỷ lệ hao hụt cao; xuất khẩu nhiều loại trái không mang lại hiệu quả kinh tế.

Trái cây Việt khó đi xa vì công nghệ yếu

Câu chuyện xuất khẩu trái cây phát triển vượt bậc, mang về kim ngạch hơn 3,5 tỉ USD trong năm 2017 và đặt mục tiêu 7 tỉ USD trong năm 2030 khiến nhiều người quan tâm. Thế nhưng, trên thực tế, trái cây Việt Nam xuất khẩu hiện cũng chỉ dừng lại ở các sản phẩm thô, tươi sống, một phần rất ít là sản phẩm đã qua chế biến.

Công nghệ bảo quản chưa tốt nên trái mãng cầu muốn xuất khẩu phải chấp nhận “hái ép”, giảm chất lượng và cả năng suất.
Công nghệ bảo quản chưa tốt nên trái mãng cầu muốn xuất khẩu phải chấp nhận “hái ép”, giảm chất lượng và cả năng suất.

Ông Huỳnh Biển Chiêu, ngụ ấp Tân Hội (xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) chia sẻ, từ sau khi xây dựng được vùng trồng theo chuẩn VietGAP và có bảo hộ chỉ dẫn địa lý, sản phẩm mãng cầu Bà Đen có thêm nhiều cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ, cả trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Ông Chiêu cho biết, thời gian qua, mỗi tháng ông cung cấp khoảng 1 tấn mãng cầu cho một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản để đưa ra thị trường nước ngoài như Dubai, Pháp, Canada... Với những đơn hàng phải xuất đi xa, ông phải tính toán thu hoạch trái sớm hơn so với thông thường để kéo dài thời gian bảo quản.

Dù kỳ vọng sẽ mang về khoảng 7 tỉ USD vào năm 2030 nhưng đến nay, các mặt hàng trái cây Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm tươi thô, chưa qua chế biến. Rất nhiều doanh nghiệp cũng chỉ chủ trương “xuất thô” kiếm lời thay vì đầu tư chế biến sâu.

Tuy nhiên, trái hái sớm cũng chỉ “kéo dài sự sống” thêm được 4 – 5 ngày nhưng chất lượng trái giảm đến 40 – 50%, gai nở không đẹp, độ dai, độ dày cơm không được nhiều, độ đường chuyển hoá cũng chưa cao và làm sụt giảm sản lượng thu hoạch.

“Thông thường, sản lượng thu hoạch đúng vào khoảng 10 tấn/ha, nếu thu hoạch sớm thì sản lượng chỉ còn khoảng 7 tấn/ha, và chất lượng cũng giảm tới 40-50%. Nhưng nếu để trái chín đồng loạt hoặc hái đúng độ tuổi sẽ dẫn đến việc cung vượt cầu, dội hàng, giá giảm sâu”, ông Chiêu phân tích.

Do đó, có một thời gian, ông Chiêu phối hợp cùng một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiến hành nhiều cuộc thí nghiệm cách thức bảo quản, trong những điều kiện nhiệt độ khác nhau, như từ 18 - 20OC, 22 - 24OC, 24 - 26OC... với hy vọng tìm ra được phương thức bảo quản trái mãng cầu tối ưu nhưng đều không thành công.

Hay như câu chuyện của trái vải tươi khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ông Nguyễn Đình Tùng – Giám đốc Công ty XNK Vina T&T cho biết, sau nhiều năm đàm phán, vượt qua hàng trăm chỉ tiêu khắt khe về ATTP, bảo vệ thực vật…, trái vải Việt Nam đã nhận được “VISA” xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Thế nhưng, sau những hào hứng ban đầu, đến nay, gần như không còn doanh nghiệp nào tham gia xuất khẩu vải tươi vào Mỹ vì thời gian bảo quản quá ngắn, chỉ vài ngày vận chuyển, trái vải đã đổi màu, đổi chất, thậm chí hư hỏng…

Cũng tại thị trường Mỹ, hai loại trái cây xuất khẩu chủ lực vào thị trường này hiện nay là nhãn và thanh long. Đây là hai loại trái cây mà phương pháp bảo quản giúp sản phẩm tươi mới tương đối dài, khoảng 45 ngày đối với nhãn và 30 ngày đối với thanh long.

Dẫu vậy, với thời gian bảo quản như trên, nhãn và thanh long Việt Nam khi sang Mỹ bằng đường tàu biển, cũng chỉ đến được những bang gần, không đủ thời gian tới những bang xa hơn. Còn đối với mặt hàng chôm chôm, với thời hạn bảo quản chỉ khoảng một tuần, nếu xuất sang Mỹ buộc phải đi bằng đường hàng không.

Vẫn “đuối” ở khâu chế biến

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, diện tích cây ăn quả cả nước và các vùng, miền đã tăng liên tục trong những năm gần đây, chủ yếu do nhiều địa phương đã chuyển một phần đất lúa năng suất thấp sang trồng cây ăn quả. Điều này thể hiện rõ nét nhất ở vùng Đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL.

Cùng với đó, những phát triển của khoa học, tiến bộ kỹ thuật… đã giúp việc sản xuất chuyên canh và trình độ sản xuất của nhà vườn được nâng cao, năng suất, sản lượng cũng nhờ đó tăng từ 5 – 6%/năm. Năng suất bình quân của tất cả các loại cây ăn quả hiện ước đạt hơn 10 tấn/ha, tăng gần 10% so với năm 2010, trong khi tổng sản lượng cây ăn quả cả nước đã đạt hơn 8,5 triệu tấn, tăng 25% so với năm 2010.

Rau quả Việt trong siêu thị.
Rau quả Việt trong siêu thị.

Tính riêng 15 loại quả có diện tích lớn nhất (trên 10.000 ha/loại), hiện chiếm hơn 86% diện tích. Trong đó chuối có diện tích lớn nhất, đạt 138.000 ha, tiếp theo là xoài, nhãn, cam, vải, bưởi… có diện tích mỗi loại từ 50.000 – 80.000ha. Thanh long, dứa, sầu riêng, chôm chôm, mít, na... cũng có diện tích khá lớn.

Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu, tổng diện tích cây ăn quả cả nước năm 2020 đạt 910.000ha (tăng 5,4% so với năm 2016), với năng suất bình quân cây ăn quả cả nước năm 2020 đạt 11,5 tấn/ha và tổng sản lượng quả các loại năm 2020 đạt trên 9,5 triệu tấn. Đến năm 2030, tổng diện tích cây ăn quả đạt 1,2 triệu ha, năng suất bình quân cây ăn quả đạt hơn 16 tấn/ha và tổng sản lượng quả đạt 12,5 triệu tấn.

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Trồng trọt thông tin, mặc dù liên tục phát triển về diện tích và sản lượng, nhưng hoạt động chế biến trái cây trong nước còn hạn chế cả về chủng loại và sản lượng. Cả nước hiện có 145 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp với tổng công suất thiết kế trên 800 nghìn tấn sản phẩm/năm. Tuy nhiên hầu hết các nhà máy chế biến đều trong tình trạng thiếu nguyên liệu, công suất thực tế chỉ đạt 50%, sản lượng sản xuất thực tế đạt khoảng 440 nghìn tấn sản phẩm/năm.

Các sản phẩm quả chế biến hiện nay chủ yếu gồm đồ hộp như dứa, vải nước đường, nước quả, sản phẩm đông lạnh gồm có dứa, vải, trái cây nghiền, cô đặc hoặc chiên, sấy, muối… Trong đó tỷ trọng các sản phẩm đồ hộp chiếm 50%, sau đó là sản phẩm cô đặc và đông lạnh.

Đa số các nhà máy chế biến hiện có quy mô vừa và nhỏ, chưa có vùng nguyên liệu, việc liên kết giữa sản xuất bảo quản và chế biến còn hạn chế. Trong khi đó, khả năng đầu tư đổi mới công nghệ chế biến còn chậm, sản phẩm chế biến chất lượng chưa cao, khó đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng, đặc biệt là các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Mỹ…

Trong những năm tới, Bộ NN&PTNT khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đầu tư đổi mới thiết bị, dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại và đồng bộ, nâng cao công suất chế biến, bảo quản trái cây. Cùng với đó, phải đa dạng hóa các sản phẩm chế biến, tăng cường chế biến sâu các loại sản phẩm như quả đông lạnh, đóng hộp, chiên sấy, nước quả tự nhiên, nước quả cô đặc, chú trọng các sản phẩm đông lạnh, cô đặc… Ông Nguyễn Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Trồng trọt.
Bài và ảnh: Thuận Hải