dd/mm/yyyy

Chuỗi khép kín - hướng đi cho thực phẩm an toàn

Thực phẩm an toàn đang là nhu cầu bức thiết. Vì thế, hiện nay việc sản xuất, cung ứng, tiêu thụ sản phẩm theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đang được doanh nghiệp, nhà phân phối, người tiêu dùng cùng chung tay.

Từ nhiều năm nay, TP.HCM đã triển khai nhiều chương trình về chuỗi thực phẩm khép kín, truy xuất nguồn gốc thịt heo, gà và trứng gà. Trong đó, Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo đã thu được những kết quả khả quan sau hơn một năm thực hiện. Trong đó có 1.280 cơ sở chăn nuôi của 16 tỉnh - thành khu vực phía Nam tham gia và có hơn 230.000 con heo được truy xuất nguồn gốc.

Để có thực phẩm an toàn, các cơ quan, ban ngành có chức năng đã xây dựng đề án
Để có thực phẩm an toàn, các cơ quan, ban ngành có chức năng đã xây dựng đề án "từ trang trại đến bàn ăn" và được nhiều doanh nghiệp hào hứng tham gia.

Có 838 siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm, 2 chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền, 23 chợ truyền thống và 146 gian hàng kinh doanh thịt heo Vissan bán thịt heo truy xuất nguồn gốc.

Chia sẻ về đề án này, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, Thành phố đã kiểm soát nguồn heo và thịt heo cung ứng cho thị trường. Bình quân mỗi ngày có 1.300 con heo có truy xuất nguồn gốc được tiêu thụ tại kênh phân phối hiện đại và 3.600 con heo bán ra tại 2 chợ đầu mối nông sản Bình Điền và Hóc Môn.

Từ thành công với việc quản lý chất lượng thịt heo, bắt đầu từ tháng 9/2017, TP.HCM áp dụng chương trình truy xuất nguồn gốc đối với thịt và trứng gà. Hiện nay, người tiêu dùng có thể kiểm tra đầy đủ thông tin về loại thịt, trứng gà đã mua, truy ngược dòng từ thành phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn như gà sinh ra, chăn nuôi như thế nào, xuất trại, giết mổ, xử lý đóng gói và phân phối ra sao. Sau thịt và trứng gà, chương trình này được Thành phố mở rộng sang các mặt hàng khác như thịt bò, rau củ quả.

Chia sẻ tại Hội thảo Xây dựng và phát triển chuỗi thực phẩm an toàn do Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM tổ chức cuối tháng 12/2017, bà Nguyễn Thị Nhã Trúc - Trưởng Phòng Quản lý chất lượng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, trứng gà đạt chứng nhận chuỗi hiện chiếm hơn 50% tổng lượng trứng tiêu thụ trên thị trường.

Theo bà Trúc, các đơn vị chiếm thị phần lớn về trứng gà như CP, Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt đều đã tham gia chuỗi và được cấp chứng nhận thể hiện sản phẩm đã được quản lý xuyên suốt từ trang trại đến bàn ăn. Nhóm thịt gà công nghiệp đạt chứng nhận chuỗi cũng chiếm trên 20% thị phần được cung cấp bởi các đơn vị Phạm Tôn, San Hà, CP. Trứng và thịt gà chiếm thị phần lớn là nhờ từ khâu chăn nuôi đã có những trang trại quy mô lớn và được cấp chứng nhận VietGAP.

Sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp mang lại những thành công ban đầu của chuỗi thực phẩm an toàn do các cơ quan, ban ngành có chức năng triển khai. Cụ thể, giữa năm 2017, Công ty Vissan đưa ra thị trường 100% thịt heo đạt chuẩn VietGAP và truy xuất nguồn gốc. Theo đó, thịt heo do Vissan bán tại 309 điểm thuộc các siêu thị và 146 điểm bán ở các chợ truyền thống TP.HCM lên đến 70 tấn mỗi ngày đều đạt chuẩn thực hành nông nghiệp tốt của Việt Nam.

Theo lãnh đạo Vissan, nguồn heo này được thu mua từ các trang trại chăn nuôi đã được chứng nhận VietGAP và được kiểm tra, giám sát bởi các cơ quan chức năng. Đây là một bước tiến trong tiến trình xây dựng chuỗi cung ứng TPAT của Công ty nhằm cung cấp ra thị trường sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho cộng đồng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

Kế hoạch này đã được Vissan triển khai từ nhiều năm trước thông qua mô hình chuỗi thực phẩm sạch khép kín "từ trang trại đến bàn ăn". Cụ thể, Vissan đã đầu tư cụm công nghiệp chế biến thực phẩm khép kín từ khâu giết mổ, pha lóc thịt đến chế biến cùng các nhà máy phụ trợ (đóng gói, chế biến gia vị) với vốn đầu tư 150 triệu USD (khoảng 3.150 tỷ đồng).

Theo chia sẻ của Ban giám đốc Vissan - Công ty kinh doanh thịt heo VietGAP là "muốn thúc đẩy người dân tích cực tham gia vào chuỗi thực phẩm an toàn, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh cho ngành chăn nuôi phát triển trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới".

Cũng như Vissan, Công ty TNHH Đầu tư sản xuất và Phát triển nông nghiệp VinEco (thuộc Vingroup) đã đầu tư sản xuất nông sản sạch phục vụ người tiêu dùng. Các loại rau hữu cơ, rau quả theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP của VinEco đã được bán tại 2 hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+ nhiều năm nay với mỗi ngày hơn 40 tấn các loại (rau muống hạt, mướp đắng, rau dền xanh, rau lang ngọn, rau bí, xà lách, dưa chuột...).

Hồng Nga - Thanh Ngân