dd/mm/yyyy

Trồng thứ cây chỉ thu lá và búp, cứ hái lại mọc, dân vùng này khấm khá

Ở xã Phúc Khoa (huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu) hầu như nhà nào cũng trồng chè. Nhà nào trồng ít cũng có vài nghìn mét vuông, còn hộ trồng nhiều thì lên đến vài héc ta chè. Nhiều người vui tính, nói rằng, cây chè là thứ cây chỉ thu lá và búp, mà cứ hái lại mọc, nếu chịu khó chăm bón thì chả lo thiếu cái ăn.

Nói đến câu chuyện trồng chè ở huyện Tân Uyên không thể không nhắc đến xã Phúc Khoa. Cả xã có hơn 1000 hộ dân, thì có tới hơn 70% số hộ trồng chè. Người dân trong xã đua nhau trồng chè, tạo nên phong trào rộng khắp các bản. Nói như chị Phạm Thị Mai, công chức địa chính – nông nghiệp xã Phúc Khoa, thì chưa bao giờ cây chè lại có sức hấp dẫn với người dân các bản trong xã như vài năm trở lại đây. Những khu đất nào trên địa bàn xã có thể trồng chè đều được người dân tận dụng. Rất nhiều hộ dân trong xã muốn mở rộng diện tích trồng chè nhưng không có đất.

Trồng thứ cây chỉ thu lá và búp, cứ hái lại mọc, dân vùng này khấm khá - Ảnh 1.

Cây chè là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế ở xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên.

Trò chuyện với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Lò Văn Lục – Chủ tịch UBND xã Phúc Khoa, cho biết: Cây chè được một số hộ dân trong xã đưa vào trồng từ những năm 1997, 1998. Tuy nhiên, do đầu ra cho sản phẩm chè búp tươi không ổn định, nên người dân không mấy mặn mà với cây chè. Một số hộ dân sau khi trồng chè thấy không hiệu quả liền chặt bỏ, chuyển sang trồng ngô, sắn.

Năm 2011, huyện Tân Uyên triển khai đề án phát triển vùng chè giai đoạn 2011 – 2014 tới các xã trên địa bàn, trong đó có xã Phúc Khoa. Thời điểm này, giá thu mua chè búp tươi trên địa bàn huyện Tân Uyên đang có dấu hiệu tăng lên. Nhận thấy trồng chè cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa, ngô, nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn đăng ký tham gia. Phong trào trồng chè trên địa bàn xã cũng rộ lên từ đó. Không bao lâu, màu xanh của cây chè đã phủ khắp các nương đồi trên địa bàn xã.

Trồng thứ cây chỉ thu lá và búp, cứ hái lại mọc, dân vùng này khấm khá - Ảnh 2.

Đường lên đồi chè ở xã Phúc Khoa đã được bê tông hóa, thuận tiện cho việc đi lại, sản xuất của người dân.

Theo Chủ tịch UBND xã Phúc Khoa, cây chè là cây lâu năm, trồng một lần có thể thu hoạch nhiều năm liền. Khí hậu và thổ nhưỡng ở xã Phúc Khoa cũng khá thích hợp cho cây chè sinh trưởng và phát triển. Không chỉ có sự đột biến về diện tích, mà năng suất, sản lượng, chất lượng chè búp tươi trên địa bàn xã cũng được nâng lên nhiều so với trước. Bởi lẽ, người dân trong xã ngày càng mạnh dạn hơn trong việc đầu tư thâm canh, chăm sóc cây chè.

Men theo con đường nội đồng của xã Phúc Khoa, đã được bê tông hóa từ nhiều năm nay, chúng tôi thỏa sức ngắm nhìn những đồi chè xanh ngát, tỏa hương ngào ngạt. Bên những nương chè là hình ảnh những người nông dân đang nhanh tay hái chè tươi.

Trồng thứ cây chỉ thu lá và búp, cứ hái lại mọc, dân vùng này khấm khá - Ảnh 3.

Theo Chủ tịch UBND xã Phúc Khoa Lò Văn Lục, năng suất bình quân của cây chè ở Phúc Khoa đạt 17 tấn/ha

Chỉ tay về phía con đường bê tông kéo dài lên tận lưng chừng đồi, chị Mai cho hay: Người dân trong xã gọi đó là con đường chè. Người trồng chè ai nấy đều rất phấn khởi kể khi con đường này được bê tông hóa. Nó là sản phẩm của chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã. Thương lái có thể đánh ô tô vào tận nơi để thu mua chè búp tươi cho người dân. Nhiều tuyến đường nội đồng khác trong xã cũng đã được bê tông hóa như con đường này, thuận tiện cho người dân đi lại, vận chuyển chè tươi.

Đi trên "con đường chè" chúng tôi gặp một người phụ nữ tuổi ngoài 60, đang đứng chỉ tay vào những luống chè xanh tốt. Cạnh đó là 2 người phụ nữ trẻ tuổi, đang cắm cúi hái chè búp tươi. Hỏi ra mới biết, đó là bà Đoàn Thị Hồng, dân bản Phúc Khoa (xã Phúc Khoa) đang hướng dẫn người hái chè thuê kĩ thuật hái chè.

Trồng thứ cây chỉ thu lá và búp, cứ hái lại mọc, dân vùng này khấm khá - Ảnh 4.

Toàn xã Phúc Khoa hiện có hơn 400ha chè.

Chỉ tay vào luống chè tán rộng đến cả sải tay người lớn, bà Hồng vui vẻ nói: Gia đình tôi trồng chè từ năm 1999. Những năm đầu trồng chè vất vả mà thu nhập chẳng đáng là bao. Giá bán chẻ búp tươi khi đó cũng thấp lắm, chứ đâu có được cao như bây giờ. Độ 10 năm trở lại đây, giá thu mua chè búp tươi tăng lên, dao động từ 5500 đồng – 7000 đồng, cuộc sống của gia đình tôi nói riêng, người trồng chè trong vùng nói chung cũng khấm khá hẳn lên. Nhờ cả vào đồi chè này mà vợ chồng tôi nuôi được 5 người con ăn học. Giờ các con tôi đều có công ăn, việc làm ổn định. Mỗi năm, gia đình tôi cũng thu trên 200 triệu đồng từ bán chè búp tươi cho các nhà máy chế biến chè trên địa bàn.

"Hiện toàn xã Phúc Khoa có hơn 400ha chè, sản lượng chè búp tươi của cả xã đạt khoảng 4500 tấn/năm. Nhờ phát triển mạnh cây chè, mà đời sống, thu nhập của người dân trong xã không ngừng nâng lên. Cả xã hiện chỉ còn 11 hộ nghèo. Cây chè đã và đang mang lại cuộc sống sung túc cho người dân trong xã. Không ít hộ dân trong xã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ trồng chè" – Chủ tịch UBND xã Phúc Khoa khẳng định.

Thanh Ngân