dd/mm/yyyy

Mua trâu về vỗ béo, một nông dân ở Lai Châu giàu lên trông thấy

Nuôi trâu vỗ béo, một nông dân người dân tộc Mông ở Lai Châu không chỉ thoát nghèo mà còn giàu lên trông thấy. Mỗi năm, ông thu lãi hơn 200 triệu đồng từ nuôi trâu vỗ béo bán ra thị trường.

Đó là ông Tẩn A Tủa, dân tộc Mông, ở bản Lùng Thàng (xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu). Ông Tủa được nhiều người biết đến bởi nghị lực vươn lên thoát nghèo và làm giàu của mình. Gia đình ông Tủa là một trong những hộ khá giả ở xã Sùng Phài.

Qua câu chuyện với ông Tủa, được biết: Trước đây, gia đình ông cũng nằm trong diện hộ nghèo của xã Sùng Phài. Quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, mà cuộc sống gia đình ông mãi không khấm khá lên được. Nhiều đêm thức trắng, ông Tủa trăn trở tìm hướng thoát nghèo cho gia đình.

Nuôi trâu vỗ béo, ông nông dân người Mông ở Lai Châu giàu lên trông thấy - Ảnh 1.

Ông Tẩn A Tủa, bản Lùng Than, xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu nuôi trâu vỗ béo từ nhiều năm nay.

"Nếu cứ dựa vào sản xuất nương rẫy thì rất khó để thoát nghèo. Thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững do Hội nông dân các cấp phát động, tôi bàn với vợ làm thêm cái gì đó, chứ không quẩn quanh với cây lúa, cây ngô nữa. Và tôi quyết định thử sức với mô hình nuôi trâu vỗ béo" – ông Tủa tâm sự.

Được cán bộ hội nông dân xã tư vấn, hướng dẫn, ông Tủa mạnh dạn làm đơn xin vay vốn ngân hàng chính sách xã hội để mua trâu về nuôi vỗ béo. Với số vốn ban đầu ít ỏi đó, ông Tủa mua 2 con trâu đã trưởng thành về nuôi vỗ béo. Ông làm chuồng nuôi nhốt, chứ không thả rông như nhiều hộ dân khác trong bản, trong xã. Cứ nuôi được một thời gian, ông Tủa lại bán cho thương lái, sau đó tiếp tục đi mua trâu về nuôi.

Nuôi trâu vỗ béo, ông nông dân người Mông ở Lai Châu giàu lên trông thấy - Ảnh 2.

Mỗi năm, ông Tùa lãi hơn 200 triệu đồng từ bán trâu ra thị trường.

Chỉ sau 3 năm nuôi trâu vỗ béo bán ra thị trường, gia đình ông Tủa không chỉ có tiền trả nợ ngân hàng, mà còn dành dụm được số vốn kha khá để làm ăn. Ông tiếp tục kiên trì với nghề nuôi trâu vỗ béo. Gia đình ông cũng thoát nghèo từ đó. Lúc này đã cảm thấy đủ tự tin, ông Tủa mở rộng quy mô chuồng trại nuôi trâu vỗ béo. Số trâu trong chuồng của gia đình ông cũng tăng dần lên và duy trì đều đặn 10 con cho đến bây giờ. Vì nuôi nhiều trâu nên ông Tủa trồng cả héc ta cỏ voi để làm thức ăn cho chúng.

Nuôi trâu vỗ béo, ông nông dân người Mông ở Lai Châu giàu lên trông thấy - Ảnh 3.

Ông Tủa xây dựng chuồng trại cẩn thận để nuôi trâu vỗ béo.

"Được cái tôi nuôi trâu khá mát tay. Đàn trâu luôn sinh trưởng, phát triển béo tốt. Mỗi năm, gia đình tôi bán ra thị trường trên 20 con trâu. Tùy từng thời điểm và tùy vào trọng lượng, trâu béo hay gầy, mà tôi bán ra thị trường với giá khác nhau. Tôi bán trâu với giá dao động từ 30 triệu đồng – 50 triệu đồng/con. Thậm chí, có con tôi bán với giá lên đến cả trăm triệu đồng. Trừ chi phí, mỗi con trâu bán ra thị trường, tôi lãi hơn 10 triệu đồng. Tính ra, mỗi năm gia đình tôi cũng lãi hơn 200 triệu đồng từ bán trâu ra thị trường" – ông Tủa phấn khởi cho biết.

Ngoài nuôi trâu vỗ béo, ông Tủa còn nuôi thêm đàn lợn thịt và gà thả đồi. Mỗi năm, gia đình ông cũng thu được ngót nghét 100 triệu đồng từ nuôi lợn, gà thương phẩm bán ra thị trường. Không chỉ có vậy, gia đình ông Tủa còn nấu rượu gạo, rượu men lá bán ra thị trường, kiếm thêm thu nhập. Bỗng rượu ông Tủa dùng làm thức ăn cho trâu, lợn. Nhờ đó, đàn trâu, đàn lợn của gia đình ông lúc nào cũng béo tốt, khỏe mạnh.

Nuôi trâu vỗ béo, ông nông dân người Mông ở Lai Châu giàu lên trông thấy - Ảnh 4.

Ông Tủa nghiền thân cây ngô làm thức ăn cho trâu.

Từ hộ nghèo với những cố gắng, nỗ lực vươn lên, gia đình ông Tẩn A Tủa đã trở thành hộ khá, giàu trong bản, trong xã. Nhiều năm liền được công nhận là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, được tặng nhiều bằng khen, giấy khen, của các cấp, các nghành. Đồng thời, ông Tủa còn được đánh giá là một trong những nông dân tích cực lao động, sản xuất, biết áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có năng suất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Ngoài làm giàu cho gia đình, ông Tủa còn tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm làm giàu cho các hội viên nông dân trong bản, trong xã học tập và làm theo.

Thúy Hạnh - Thanh Văn