dd/mm/yyyy

TP.HCM sẽ có 2 chợ bảo đảm an toàn thực phẩm đầu tiên

TP.HCM sẽ có hai chợ thực phẩm sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm đầu tiên, đó là chợ Bến Thành và chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn.

Đây là nỗ lực khởi đầu để thành phố tiến tới nhân rộng mô hình này tại các chợ trên địa bàn vào năm 2020, nhằm cung cấp thực phẩm sạch, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Thịt lợn tại chợ Hóc Môn đã được truy xuất nguồn gốc.
Thịt lợn tại chợ Hóc Môn đã được truy xuất nguồn gốc.

Quyết tâm triển khai chợ an toàn thực phẩm

Theo Sở Công Thương TP.HCM, trên địa bàn hiện có 240 chợ, trong đó có 7 chợ kinh doanh chuyên ngành và 233 chợ có kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Nhìn chung, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) tại các chợ trong thời gian qua đã được kiểm soát, tình trạng vi phạm ATTP giảm. Tuy vậy, chợ truyền thống vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về ATTP; cơ sở vật chất và hoạt động của hệ thống chợ chưa đạt yêu cầu; nhiều tiểu thương chưa quan tâm tới điều kiện bảo quản, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, vẫn còn chuộng tiếp nhận và kinh doanh các mặt hàng giá rẻ… Vì vậy, UBND TP.HCM đã giao Sở Công Thương chủ trì thực hiện dự án chợ bảo đảm ATTP. Mục tiêu của dự án là xây dựng và phát triển mạng lưới chợ truyền thống đáp ứng các yêu cầu về ATTP; nâng cao chất lượng phục vụ tại chợ, từng bước thực hiện văn minh thương mại; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý chợ, đặc biệt chú trọng quản lý nguồn gốc, chất lượng hàng nông sản thực phẩm…

Theo mục tiêu này, các chợ phải đáp ứng những tiêu chí cụ thể, chi tiết từ thực phẩm kinh doanh, từ người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, cơ sở vật chất kỹ thuật của chợ… Dựa vào tiêu chí đầu tiên là chợ có quy mô lớn, cơ sở vật chất được đầu tư bài bản, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn và chợ Bến Thành đã được lựa chọn. Trong đó, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn là nơi cung cấp lượng thịt lợn lớn nhất cho thành phố với thị phần chiếm từ 50% đến 55%; còn chợ Bến Thành là một trong 17 chợ loại I nằm trong quy hoạch của thành phố. Sau khi thực hiện thí điểm ở hai chợ này, Sở Công Thương sẽ tổ chức sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm để triển khai nhân rộng mô hình này ra các chợ trên địa bàn.

Năm 2020 người tiêu dùng sẽ yên tâm với thực phẩm sạch

Theo dự án “Mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP tại TP.HCM”, việc xây dựng chợ ATTP được thực hiện lần lượt trên từng ngành hàng. Cụ thể ngành hàng thịt lợn sẽ được triển khai đầu tiên, sau đó đến ngành hàng rau củ quả, dịch vụ ăn uống...

Theo Sở Công Thương thành phố, các giải pháp để thực hiện chợ an toàn thực phẩm là: Nâng cao chất lượng hàng hóa thực phẩm cung ứng cho các chợ; tăng cường chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với các chủ thể tham gia mô hình thí điểm; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác bảo đảm ATTP tại chợ. Trên cơ sở đó, ngành chức năng tập trung xây dựng và phát triển mô hình điểm quản lý thực phẩm theo “Chuỗi thực phẩm an toàn”, quy trình khép kín nhằm kiểm soát nguồn gốc, chất lượng thực phẩm từ khâu nuôi trồng, chế biến, sản xuất đến lưu thông; triển khai hệ thống quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thực phẩm, hệ thống cảnh báo sản phẩm không an toàn; kết nối đưa hàng nông sản thực phẩm thuộc chuỗi thực phẩm an toàn vào chợ truyền thống.

Việc tăng cường chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với các chủ thể tham gia mô hình thí điểm sẽ hỗ trợ các đơn vị quản lý, kinh doanh, thương nhân kinh doanh thực phẩm tiếp cận các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi trong đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác bảo đảm ATTP tại chợ, tăng cường hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong việc phối hợp quản lý và hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, tăng cường kiểm soát thực phẩm lưu thông và xử lý các hành vi vi phạm về ATTP…

Để chuẩn bị cho việc thực hiện chợ ATTP, đến nay thành phố đã triển khai thực hiện Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn tại hai chợ đầu mối là Hóc Môn và Bình Điền, tại 23 chợ lẻ và hầu hết các hệ thống phân phối hiện đại trên địa bàn. Hiện Sở Công Thương và các đơn vị liên quan đang triển khai tiếp giai đoạn hai là củng cố các hoạt động kinh doanh ở chợ như chuẩn bị cơ sở vật chất, quầy kệ; cung cấp kiến thức cho các tiểu thương... Theo đó, đến quý II-2018 sẽ hoàn thiện chợ ATTP với hai chợ Bến Thành và Hóc Môn, tổ chức tổng kết, đánh giá công tác thực hiện và tiếp tục nhân rộng mô hình ra các chợ khác. Theo đó, giai đoạn 2 là đến năm 2020 triển khai mô hình chợ ATTP đối với 12 chợ; và giai đoạn 3 từ năm 2020 triển khai trên toàn bộ chợ truyền thống trên địa bàn thành phố.

Do đặc trưng tại các chợ truyền thống là có quá nhiều người buôn bán nhỏ lẻ không có quầy sạp, không có vốn để trang bị cơ sở vật chất; mặt khác, ngoài mặt hàng thịt lợn đã truy xuất nguồn gốc thì các mặt hàng rau củ quả rất khó đi vào khuôn khổ do có quá nhiều người trồng và kinh doanh nhỏ lẻ… nên có khá nhiều băn khoăn về khả năng thành công của dự án chợ ATTP. Trước những khó khăn này, Sở Công Thương thành phố khẳng định, mặc dù triển khai dự án không dễ nhưng nếu có sự phối hợp đồng bộ và sự hợp sức từ tiểu thương và người tiêu dùng thì chắc chắn sẽ thực hiện được. Đây cũng là quyết tâm xây dựng chợ an toàn thực phẩm của UBND TP.HCM nhằm bảo đảm cho người dân thành phố được sử dụng nguồn thực phẩm sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đặng Loan