dd/mm/yyyy

Thương lái lấy lúa khai trương đầu năm, thị trường lúa gạo nhộn nhịp

Khảo sát mới nhất cho thấy, giá lúa gạo hôm nay ngày 16/2 tại Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục xu hướng đi ngang. Hôm nay đa số các thương lái lấy lúa khai trương đầu năm.

Thị trường lúa gạo ngày 16/2 nhộn nhịp trong ngày đầu năm mới 

Giá lúa gạo ngày 16/2 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không có biến động.

Ghi nhận tại các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hôm nay đa số các thương lái chỉ lấy lúa khai trương đầu năm. Lượng giao dịch thực tế chưa nhiều.

Tại Đồng Tháp, nhiều nông dân đang tất bật thu hoạch lúa Đông Xuân bởi bà con cho rằng, tranh thủ thu hoạch càng sớm sẽ bán giá càng cao. Trên đồng, máy gặt đập liên hợp, xe vận chuyển lúa hoạt động hết công suất; dưới kênh, thương lái neo đậu ghe chờ sẵn để thu mua lúa, tạo nên khung cảnh nhộn nhịp, phấn khởi trong những ngày đầu năm mới.

Trên thị trường gạo, hôm nay giao dịch sôi động hơn do nhiều kho bắt đầu mua khai trương sau tết. Tại nhiều khu vực, các kho chào giá gạo nhích nhẹ. Tại An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ giá gạo các loại bình ổn. Riêng tại Đồng Tháp, gạo nguyên liệu IR 504 giá có xu hướng giảm.

Tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang, giá lúa Đài thơm 8 ở mức 9.300 - 9.500 đồng/kg; lúa IR 504 ở mức 8.800 - 9.200 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 9.200 - 9.400 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 9.200 - 9.400 đồng/kg; Nàng Hoa 9 duy trì ổn định ở mức 9.400 - 9.600 đồng/kg; lúa OM 380 dao động quanh mốc 8.600 - 8.800 đồng/kg.

Tại Sa Đéc (Đồng Tháp), lúa tươi Đài thơm 8 ở mức 9.100 – 9.400 đồng/kg; OM 18 ở mức 9.000 – 9.300 đồng/kg; IR 504 ở mức 8.700 – 9.100 đồng/kg; OM 380 ở mức 8.600 – 8.900 đồng/kg.

Thương lái lấy lúa khai trương đầu năm, thị trường lúa gạo nhộn nhịp- Ảnh 1.

Trên thị trường gạo, hôm nay giao dịch sôi động hơn do nhiều kho bắt đầu mua khai trương sau tết.

Với mặt hàng gạo, giá gạo hôm nay duy trì đà đi ngang. Theo đó, tại các kho gạo chợ tại An Cư, Cái Bè (Tiền Giang), giá gạo nguyên liệu OM 18, Đài thơm 8 ở mức 13.600 - 13.800 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 5451 dao động quanh mức 13.200 - 13.300 đồng/kg.

Tại Sa Đéc (Đồng Tháp), gạo thơm ở mức 13.000 - 13.300 đồng/kg; thơm đẹp 13.400 - 13.600 đồng/kg; gạo OM 5451 13.100 - 13.300 đồng/kg; IR 504 ở mức 12.500 – 12.700 đồng/kg.

Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam duy trì ổn định. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện giá gạo 25% tấm ở mức 610 USD/tấn; gạo 5% tấm ở mức 637 USD/tấn.

Thương lái lấy lúa khai trương đầu năm, thị trường lúa gạo nhộn nhịp- Ảnh 2.

Thương lái lấy lúa khai trương đầu năm, thị trường lúa gạo nhộn nhịp- Ảnh 3.

Lúa gạo chuyển mình mạnh mẽ

Ngành hàng lúa gạo tỉnh nhà chuyển mình mạnh mẽ, nhất là trong sản xuất và xuất khẩu. Cụ thể, trong thời gian dài, gạo Việt bị gắn với hình ảnh chất lượng thấp, bán giá rẻ cho các nước kém phát triển thì nay, bằng việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chất lượng hạt gạo Việt Nam đã được nâng lên, đáp ứng yêu cầu khắt khe của các quốc gia phát triển, như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU...

Chẳng những vậy, Việt Nam đã có những loại gạo ngon không thua kém các đối thủ cạnh tranh và được bình chọn (lần thứ 2) danh hiệu “Gạo ngon nhất thế giới” cho giống lúa ST 25.

Hướng đến sự phát triển bền vững, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng, thời gian qua, bên cạnh việc đổi mới mô hình tăng trưởng, từng bước hiện đại hóa nông nghiệp thông qua việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, ngành nông nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số, cơ giới hóa và áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn thị trường quốc tế…

Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh đăng ký tham gia Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đây là bước chuyển mình mạnh mẽ trong sản xuất, báo An Giang đưa tin. 

P.V