dd/mm/yyyy

Giá lúa gạo ngày 23/1: Giá lúa trong nước giảm mạnh

Giá lúa gạo hôm nay ngày 23/1 tại Đồng bằng sông Cửu Long giảm mạnh với mặt hàng lúa. Thị trường giao dịch chậm, nhiều kho ngưng mua để quan sát thị trường. Thị trường gạo toàn cầu khủng hoảng do tác động của lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ.

Theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, giá lúa IR 504 ở mức 9.000 – 9.200 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 duy trì quanh mốc 9.600 – 9.800 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg; OM 18 ở mức 9.600 – 9.800 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg; OM 5451 ở mức 9.200 - 9.500 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg; Nàng Hoa 9 duy trì ổn định ở mức 9.400 – 9.600 đồng/kg, giảm 600 đồng/kg; lúa OM 380 dao động quanh mốc 8.600 - 8.800 đồng/kg.

Ghi nhận tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hôm nay thị trường lúa trầm lắng, giao dịch lúa mới chậm.

Tương tự giá gạo các loại chững lại và đi ngang sau phiên giảm mạnh. Theo đó, tại các kho gạo chợ tại An Cư, Cái Bè (Tiền Giang), giá gạo nguyên liệu OM 18, Đài thơm 8 ở mức 14.100 – 14.200 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 5451 dao động quanh mức 13.700 – 13.800 đồng/kg; ST 24 ở mức 18.500 – 18.700 đồng/kg.

Tại Sa Đéc (Đồng Tháp), gạo thơm ở mức 13.700 – 13.900 đồng/kg; thơm đẹp 14.000 – 14.100 đồng/kg; gạo OM 5451 13.500 – 13.700 đồng/kg; IR 504 ở mức 12.700 – 12.900 đồng/kg; gạo ST 24 dao động quanh mốc 18.000 – 18.300 đồng/kg; ST 21 ở mức 17.300 - 17.500 đồng/kg.

Tại các kho xuất khẩu, giá gạo không có biến động. Theo đó, giá gạo nguyên liệu IR 504 Việt duy trì ở mức 13.050 - 13.150 đồng/kg; gạo nguyên liệu dao động ở mức 12.900 - 13.000 đồng/kg; gạo nguyên liệu Sóc Trăng ở mức 12.250 - 12.350 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 5451 ở mức 13.700 - 13.800 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 18, Đài thơm 8 ở mức 14.050 - 14.150 đồng/kg.

Giá lúa gạo ngày 23/1: Giá lúa trong nước giảm mạnh- Ảnh 1.

Trên thị trường gạo, hôm nay lượng gạo về lai rai, giao dịch mới chậm. Các kho hỏi mua chậm, giao dịch cầm chừng. Nhiều kho ngưng mua, chờ quan sát tình hình thị trường. Với gạo nếp, nhu cầu gạo nếp chậm, giá vững. Giá lúa nếp bình ổn. Tại Cần Thơ, gạo OM 5451 ít biến động so với hôm qua.

Tại các kho gạo lớn ở Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp, giao dịch mua bán lai rai, một số kho mua nhưng lựa mặt gạo, mua cầm chừng.

Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam duy trì ổn định. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện giá gạo 25% tấm ở mức 617 USD/tấn; gạo 5% tấm ở mức 652 USD/tấn.

Các quốc gia xuất khẩu gạo gồm Ấn Độ, Pakistan, thậm chí cả Việt Nam bắt đầu bị ảnh hưởng bởi tình trạng xung đột vũ trang chưa hồi kết tại khu vực Biển Đỏ.

Tình hình mất an ninh tại khu vực Biển Đỏ kéo dài trong thời gian qua đã và đang tác động trực tiếp đến việc vận chuyển hàng hóa qua khu vực này. Theo đó, giá cước vận tải qua Biển Đỏ được ghi nhận tăng hơn gấp đôi so với tháng 12/2023, trong đó tuyến đường thương mại Á - Âu chịu ảnh hưởng nặng nhất. Cước tàu biển tăng là thách thức mới cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho hay, gần đây đã xuất hiện thông tin về một số quốc gia như Ấn Độ, Pakistan chịu tác động từ khu vực Biển Đỏ. Trong đó, với Pakistan, cước container tăng mạnh và thời gian tàu hàng đi châu Phi và châu Âu sẽ dài hơn do thay đổi lộ trình. Thậm chí một số thương nhân nước này lo sợ tình trạng thiếu hụt container rỗng sẽ lan rộng và đẩy giá cước tiếp tục leo thang nếu xung đột tại khu vực Biển Đỏ không có tín hiệu hạ nhiệt.

Theo VFA, hiện nay các tuyến đi bờ Tây châu Phi và Bắc Mỹ đã bị ảnh hưởng trong khi châu Âu cũng sẽ khó tránh được trong thời gian tới. Và phân khúc gạo basmati của Pakistan sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp do đây là thị trường tiêu thụ chính với thời gian nhập khẩu tập trung trong tháng 1-2 năm 2024 bởi đây là thời điểm thu hoạch vụ lúa basmati hàng năm của Pakistan.

Cũng theo VFA, Bộ Thương mại Ấn Độ gần đây cho biết hoạt động xuất khẩu gạo đã bắt đầu bị ảnh hưởng bởi tình trạng xung đột vũ trang chưa hồi kết tại khu vực Biển Đỏ. Tuy vậy chi tiết mức độ ảnh hưởng chưa được công bố rõ ràng. Bộ Thương mại nước này cũng lo ngại nếu căng thẳng kéo dài, hoạt động xuất khẩu gạo basmati sang Ai Cập và châu Âu sẽ bị ảnh hưởng.

Với Việt Nam, theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo, việc cước vận tải tăng cao cũng đang là gánh nặng sẽ “đè” lên vai cho cả chuỗi ngành hàng, tức cả người bán lẫn người mua. Cụ thể, theo ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice, từ giữa tháng 12/2023 các nhà vận tải biển nước ngoài đã thông báo cho doanh nghiệp về việc điều chỉnh giá cước vận chuyển tăng khoảng 500 USD/cont 40 ft. Tuy nhiên, đây mới là mức tăng ban đầu và giá cước có thể còn tăng thêm nếu tình hình an ninh ở khu vực Biển Đỏ xấu thêm.


P.V