dd/mm/yyyy

Tất bật lo Tết sớm ở làng đào, làng quất Hà Nội

Theo các chủ vườn làng Nhật Tân, Quảng Bá, Phú Thượng và Tứ Liên của Hà Nội, vào những ngày cận Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 là thời gian tất bật nhất trong năm với việc lo chăm tưới, cắt tỉa, tạo dáng cho cây.

Tấp nập làng đào, làng quất

Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, khách ở nhiều nơi cũng ngấp nghé đến đặt mua, thuê cây sớm nên việc tiếp đón, vào sổ, chọn cây cho khách cũng được đưa thêm vào công việc hàng ngày của họ.

Dù vất vả từ sáng đến tối, nhưng gương mặt ai cũng ánh lên niềm vui, bởi năm nay thời tiết thuận lợi đã giúp bà con có một mùa đào bội thu. Là nhà vườn trồng đào khá lớn ở Nhật Tân, gia đình ông Nguyễn Văn Thủy ở cụm 4, phường Nhật Tân vào những ngày này cũng đang khẩn trương chăm sóc cho các gốc đào tại vườn nhà để chuẩn bị đón các “thượng đế” đến mua hàng.

Để đào ra hoa đẹp, đúng tết, người dân Nhật Tân (Hà Nội) phải chăm sóc, tưới nước đều đặn. Trần Quang
Để đào ra hoa đẹp, đúng tết, người dân Nhật Tân (Hà Nội) phải chăm sóc, tưới nước đều đặn. Trần Quang

“Năm nay thời tiết thuận lợi, trời không quá lạnh, lượng mưa cũng vừa đủ, rất thuận lợi cho người trồng đào nên khả năng Tết này người trồng đào ở Nhật Tân có thể sẽ được mùa lớn”, ông Thủy nói.

Vườn nhà ông Thủy năm nay có hơn 400 gốc đào gồm cả đào cành, đào thế, cây nào cũng có nhiều cành, mắt nụ và chắc chắn khi nở sẽ cho rất nhiều nụ, hoa.

Ông Thủy cho hay: Để có được những cây đào thế đẹp, ra nhiều nụ, cánh hoa thắm và dày, người trồng đào phải tỉ mỉ trong từng khâu chăm sóc như: Làm đất, bấm ngọn, tuốt lá... Và việc chăm sóc vườn đào diễn ra quanh năm, nhưng thời điểm đào bắt đầu ra mắt cho đến khi cận Tết luôn được người trồng đào đánh giá là thời gian quan trọng nhất, bởi nó quyết định đến sự được hay mất của cả vụ hoa đào.

“Thời gian bắt đầu tuốt lá cần phải chăm sóc cây đào cẩn thận, ngày nào cũng phải quan sát quá trình phát triển của cây, thời tiết để có những điều chỉnh về kỹ thuật”, ông Thủy tiết lộ.

Cũng như những người trồng đào, quất ở đây đang tích cực tỉa tót, chau chuốt cho cây và chờ đón các đoàn khách đến mua. Hộ ông Lê Văn Lợi trú tại tổ 4, cụm 1 phường Tứ Liên, gia đình đã có hơn 30 năm trồng và kinh doanh quất cảnh cho biết, trồng quất không bị phụ thuộc vào thời tiết nhiều như đào, nhưng cũng phải mất nhiều công chăm sóc thì cây mới được xanh tốt. Đặc biệt là vào những ngày trời hanh khô, ngoài việc bón phân đều đặn, mỗi ngày ông phải tưới nước 2 lần mới đủ độ ẩm cho cây.

Vài năm gần đây, quất cảnh bonsai bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường cây cảnh chơi tết. Tại làng quất Tứ Liên, quận Tây Hồ mấy năm nay cũng đã có nhiều nhà vườn trồng và cho hiệu quả kinh tế cao.

“Năm nay xu hướng người chơi quất bonsai mini có thể sẽ tăng mạnh hơn nhiều so với mọi năm. Gia đình tôi trồng hơn 200 bình quất bonsai mini để bán ra vào dịp Tết Nguyên đán. Giá của mỗi bình quất trong vườn không dưới 1 triệu đồng, cao nhất lên đến hơn 15 triệu/bình”, ông Nguyễn Tiến Phương, một chủ vườn quất bonsai ở Tứ Liên (Hà Nội) chia sẻ.

Thắng-thua ở kỹ thuật trồng và chăm sóc

Cũng theo ông Lợi, vườn quất nhà ông có trên dưới 400 gốc với đủ các loại từ quất thế, quất tròn, quất mini… “Năm nay thời tiết có vẻ ủng hộ nên có thể quất sẽ được mùa, giá cả khả năng sẽ không có đột biến”, ông Lợi khẳng định.

Ông Lê Hàm chăm các chậu, chum quất cảnh bonsai tại vườn nhà ở Nhật Tân (Hà Nội). Trần Quang
Ông Lê Hàm chăm các chậu, chum quất cảnh bonsai tại vườn nhà ở Nhật Tân (Hà Nội). Trần Quang

Còn theo các chủ vườn khác ở cùng Nhật Tân, Tứ Liên, năm nay giá đào, quất chắc chắn sẽ tăng, do giá cả các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiền thuê nhân công đều tăng. Tuy nhiên, theo bà con giá mặt hàng này cũng chỉ tăng nhẹ, chứ không quá đắt.

Ông Phạm Văn Tình, một chủ vườn đào có tiếng ở Nhật Tân cho biết, một cây đào năm ngoái giá khoảng 700.000 đồng, năm nay giá sẽ khoảng hơn 800.000 đồng, cao hơn khoảng 15-20%. Giá đào dao động tùy theo từng cây; còn đào cành thì vài trăm, đào thế, đào gốc cổ thụ thì giá vài triệu, có cây hàng chục triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng ở Nhật Tân, giá quất năm nay có thể sẽ tăng khoảng 10-20% so với năm ngoái. Tùy từng cây quất nhỏ, to khác nhau mà có giá từ vài trăm đến vài triệu đồng một cây. Tuy nhiên, nhiều chủ vườn đào, quất cũng nhận định mặc dù giá có cao hơn năm ngoái, nhưng sẽ không tăng quá cao và Tết này Hà Nội cũng không khan hàng bởi còn một số lượng lớn đào, quất từ các tỉnh lân cận như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh và Hà Nam chuyển về.

Chia sẻ về kinh nghiệm chăm sóc quất, ông Dũng cho hay: Để chăm sóc quất có quả chín vàng vào đúng dịp Tết, người trồng phải chăm sóc rất cẩn thận, tùy theo thời tiết mà chăm sóc đúng kỹ thuật. Mùa mưa không được để ngập nhưng mùa khô không được để cây thiếu nước. Còn nếu thời tiết rét đậm kèm sương muối kéo dài mà không che chắn và sưởi ấm kịp thời, quất sẽ thối và rụng hết quả.

“Do đó, hiện tại, bà con ở các làng quất đang tập trung sửa tán, tưới nước đều đặn cho cây mỗi ngày. Đồng thời thường xuyên kiểm tra cây, đề phòng sâu ăn hại quả”, ông Dũng nói.

Từng là người có kinh nghiệm hơn 40 năm trong nghề trồng đào ở Nhật Tân, ông Phạm Văn Thức cho hay:”Mấy năm gần đây, xu hướng của thị trường chủ yếu là thuê đào, giá cho thuê cao nhất có thể lên đến hàng chục triệu đồng/cây, tùy loại”.

“Tuy nhiên, công việc này không hề đơn thuần là tuốt bỏ hết các lá trên cành, mà người ta phải dùng tay bứt từng lá theo chiều xuôi của cành. Nếu tuốt ngược, da của cành chỗ nách cuống lá bị trầy xước thì sẽ không thể ra nụ, hoa được. Chính vì vậy mà người tuốt lá đào cũng phải luôn cẩn trọng để làm sao đó không làm hỏng các nách cuống lá...”, ông Thức chia sẻ

Thời điểm gần Tết là rất quan trọng với người trồng đào. Bởi nếu bà con không nắm vững kỹ thuật chăm sóc sẽ có thể gặp thất bại. Đơn cử như công việc tuốt lá đào thường không quá lâu, khi vài, ba nhân công làm trong khoảng 3 ngày là có thể hoàn thiện một ruộng với cả mấy trăm gốc. Ông Phạm Văn Thức

Trần Quang