dd/mm/yyyy

Nông dân ở đây trồng sen thế nào mà vừa phục vụ du lịch sinh thái vừa bán thu 'đống' tiền

Với mong muốn để ngành hàng sen phát triển bền vững, giúp nông dân trồng sen có thể khai thác tối đa giá trị kinh tế từ cây sen, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy kinh tế sen.

Trong đó, có các mô hình quản lý dịch hại trên cây sen, triển khai trồng một số giống sen mới phục vụ du lịch sinh thái được nông dân đặt nhiều kỳ vọng sẽ mang lại đột phá cho ngành hàng sen.

Nông dân ở đây trồng sen thế nào mà vừa phục vụ du lịch sinh thái vừa bán thu 'đống' tiền - Ảnh 1.

Một số giống sen mới đang trồng thí điểm tại xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh

 Giúp nông dân tìm chọngiống sen mới

Vừa qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Quản lý khai thác công trình thủy lợi và Nước sạch nông thôn Đồng Tháp và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, cây cảnh (trực thuộc Viện Nghiên cứu rau quả), phối hợp tổ chức Hội nghị sơ kết mô hình khuyến nông Trung ương về “Xây dựng mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị”, giai đoạn 2022 - 2024 tại tỉnh Đồng Tháp. Theo đó, mô hình được triển khai với quy mô 9ha, tại xã Gáo Giồng, huyện Lãnh (đã triển khai từ đầu năm đến nay). Mô hình được triển khai với mục đích góp phần giúp tỉnh Đồng Tháp có thêm nhiều giống sen mới phục vụ phát triển du lịch sinh thái, đồng thời hướng đến giúp nông dân địa phương tìm chọn nhiều giống sen mới chất lượng, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Một số giống sen mới được triển khai trong mô hình gồm: sen Super, sen Quan âm trắng, sen hồng Đồng Tháp, sen Bách Diệp hồng, sen Mặt Bằng.

Anh Lê Văn Bo - một trong những hộ tham gia mô hình ở xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, chia sẻ: “Lâu nay, tôi và nhiều nông dân ở đây quen với việc trồng sen lấy gương, bán hạt. Tuy nhiên, sau thời gian trồng khảo nghiệm các giống sen mới chuyên lấy ngó, lấy hoa, lấy củ... tôi nhận thấy đây là những giống sen có nhiều tiềm năng để phát triển tại Đồng Tháp, đặc biệt khá phù hợp với những hộ gia đình đang phát triển mô hình du lịch sinh thái. Bởi việc canh tác thêm nhiều giống sen mới, sẽ giúp cho du khách có thêm những trải nghiệm thú vị khi đến tham quan cánh đồng sen tại Đồng Tháp và có nhiều sản phẩm đa dạng từ hoa, lá, ngó, hạt, củ sen, góp phần tạo sự thu hút nhiều hơn cho khách du lịch...”.

Nông dân ở đây trồng sen thế nào mà vừa phục vụ du lịch sinh thái vừa bán thu 'đống' tiền - Ảnh 2.

Sen là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực được tỉnh Đồng Tháp triển khai trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (Ảnh tư liệu)

 Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững

Bên cạnh chọn tạo một số giống sen mới có triển vọng để chuyển giao cho nông dân, từ đầu năm đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh còn thực hiện một số mô hình về quản lý bệnh hại trên cây sen. Điển hình là mô hình canh tác sen chuyển đổi sang hữu cơ, ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ 4.0 gắn với liên kết tiêu thụ được thực hiện với quy mô 20ha, tại xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười. Bước đầu cho thấy, các biện pháp kỹ thuật của mô hình này có hiệu quả khá tốt trong việc quản lý dịch bệnh thối ngó, cháy lá trên sen. Những giải pháp mới được ngành nông nghiệp triển khai được nhiều nông dân đồng thuận và đánh giá cao.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, năng suất của các ruộng trong mô hình ước đạt 4 tấn/ha (sen gương), cao hơn 500 kg/ha so với ngoài mô hình. Lợi nhuận bình quân của nông hộ là 40,5 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn 10% so với ngoài mô hình. Mô hình canh tác sen chuyển đổi sang hữu cơ, ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ 4.0 gắn với liên kết tiêu thụ đã góp phần giúp bảo vệ môi trường, cân bằng và đa dạng sinh học trong tự nhiên. Đồng thời, mô hình còn góp phần giúp cải tạo đất và tăng cường hoạt động của các loài vi sinh vật có lợi; hạn chế dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm nông nghiệp, bảo vệ sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng...

Ông Lê Quốc Điền - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để phát triển ngành hàng sen theo hướng bền vững, Đồng Tháp xác định có nhiều việc phải làm. Trong đó, để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu và ngành công nghiệp chế biến thì việc xây dựng vùng nguyên liệu bền vững là mục tiêu quan trọng. Hiện tỉnh đang quy hoạch vùng nguyên liệu ở một số địa phương như: Tháp Mười, Cao Lãnh, Châu Thành, Tân Hồng. Đồng thời triển khai nhiều mô hình giúp nông dân hướng đến sản xuất sen theo hướng an toàn, các mô hình hỗ trợ nông dân quản lý bệnh hại trên cây sen... Thông qua các mô hình sản xuất mới, ngành nông nghiệp mong muốn giúp nông dân nâng cao kỹ năng quản trị, trình độ sản xuất để phát triển ngành hàng sen theo hướng bền vững, nâng cao chuỗi giá trị...

Bên cạnh phát triển vùng chuyên canh sen lấy gương và lấy hạt, hiện Đồng Tháp cũng tiến hành trồng khảo nghiệm và tuyển chọn thêm một số giống sen mới chuyên lấy hoa, lấy ngó, lấy lá phục vụ ngành du lịch và một số ngành công nghiệp chế biến khác... Triển vọng phát triển đa giá trị từ ngành hàng sen là rất lớn. Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp giúp nông dân tiếp cận với những giống sen mới, có thêm nhiều góc nhìn mới trong việc khai thác kinh tế từ cây sen.

Theo báo Đồng Tháp