dd/mm/yyyy

Du lịch nông nghiệp: Nông dân làm giàu từ dịch vụ câu cá kết hợp ẩm thực dân tộc (Bài 2)

Dịch vụ câu cá kết hợp ẩm thực dân tộc, mô hình kinh tế mới tạo điểm trải nghiệm thực tế và mang lại nguồn thu nhập cao cho anh nông dân Hoàng Văn Tân ở bản Giáo 1, xã Huy Tân (Phù Yên, Sơn La).

Clip: Nông dân làm giàu từ dịch vụ câu cá kết hợp ẩm thực dân tộc

Anh nông dân mưu sinh bằng cách đáp ứng nhu cầu giải trí 

Hồ sen Mó Tu ở bản Giáo 1, xã Huy Tân (Phù Yên, Sơn La) được nhiều người biết đến vì là điểm chụp ảnh vào mùa sen nở và bán các sản phẩm từ cây sen đã mang lại thu nhập cho anh nông dân Hoàng Văn Tân mỗi năm gần 200 triệu đồng. Nhưng bên cạnh đó, dịch vụ câu cá kết hợp ẩm thực dân tộc tại nơi đây cũng mang đến cho anh một nguồn thu không ít.

Sau khi nhận khoán hồ Mó Tu với diện tích 1,1ha, anh Tân đã đầu tư trên 700 để cải tạo lại toàn bộ hồ với nhiều hạng mục cảnh quan và trồng 6.000m2 sen để phục vũ du khách đến tham quan, chụp ảnh… Nhận thấy các dịch vụ từ cây sen chỉ cho anh nguồn thu chỉ hơn 3 tháng vào mùa sen nở, chính vì vậy, anh Tân đã đa dạng hoá các dịch vụ để tạo nguồn thu quanh năm.

Du lịch nông nghiệp: Nông dân làm giàu từ dịch vụ câu cá kết hợp ẩm thực dân tộc (Bài 2) - Ảnh 2.

Hồ Mó Tu điểm dịch vụ hồ câu kết hợp ẩm thực dân tộc độc đáo và thú vị cho du khách. Ảnh: Nguyễn Vinh

Anh Hoàng Văn Tân chia sẻ: "để tận dụng hết tiềm năng của hồ Mó Tu đem lại và tạo nguồn thu nhập ổn định quanh năm. Ngoài việc trồng sen, tạo cảnh quan để du khách đến thăm quan, chụp ảnh vào mùa sen nở, tôi đã cải tạo 5.000m2 hồ để phục vũ các cần thủ đến câu cá giải trí và thưởng thức ẩm thực nếu có nhu cầu".

Dạo một vòng quanh hồ, chúng tôi bắt gặp hàng chục "cần thủ" đang say sưa móc mồi, thả câu. Kẻ đứng, người ngồi, họ chờ đợi và nói chuyện với nhau một cách rôm rả. Đôi lúc, một nhóm người họ túm tụm lại reo hò, vui mừng với nhau khi cá cắn câu. Mỗi lúc như vậy, không chỉ riêng người câu được cá vui mà những người xung quanh cũng hào hứng, phấn khởi chạy đến xem.

Xách trên tay giỏ cá câu được, anh Hà Văn Anh ở xã Mường Cơi (Phù Yên, Sơn La) phấn khởi chia sẻ: "mình đam mê câu cá khoảng 4 năm nay, Từ khi hồ Mó Tu có dịch vụ câu cá giải trí, 1 tuần mình xuống câu cá tại hồ Mó Tu từ 3-4 lần. Mỗi lần đến đây câu, mình cũng may mắn câu được rất nhiều cá nên càng ham".

Cũng như các cần thủ khác đến với hồ Mó Tu, anh Hoàng Anh Thơ, Tiểu khu 1, thị trấn Phù Yên (Phù Yên, Sơn La) chia sẻ: "với tôi, được buông cần, thả câu trên hồ khi ngồi giữa khung cảnh thiên nhiên thoáng mát, dễ chịu, thư thái tâm hồn và chờ cá cắn câu là một cảm giác thật tuyệt vời. Vào dịp cuối tuần tôi cũng thường đưa gia đình và bạn bè đến đây để vừa thư giãn và thưởng thức các món ăn đậm vị Tây Bắc".

Du lịch nông nghiệp: Nông dân làm giàu từ dịch vụ câu cá kết hợp ẩm thực dân tộc (Bài 2) - Ảnh 3.

Du lịch nông nghiệp: Nông dân làm giàu từ dịch vụ câu cá kết hợp ẩm thực dân tộc (Bài 2) - Ảnh 4.

Dịch vụ hồ câu kết hợp ẩm thực mang hiệu quả kinh tế cao cho anh nông dân có khát vọng làm giàu

Đề cập đến ý tưởng dịch vụ câu cá kết hợp ẩm thực dân tộc, anh nông dân Hoàng Văn Tân cho hay: "do đặc thù công việc thường xuyên phải di chuyển từ Bắc vào Nam nên tôi thấy nhiều nơi người dân tận dụng các hồ để hoang, hồ nuôi cá thương phẩm nhưng không đạt hiệu quả kinh tế…. và qua những người đi câu,  tôi cũng học hỏi được kinh nghiệm, rồi mới nảy ra ý nghĩ làm dịch vụ hồ câu và kết hợp ẩm thực dân tộc".

"Tôi cũng suy nghĩ hồ Mó Tu chính là "đặc ân" thiên nhiên ban tặng cho người dân bản Giáo 1 nói riêng, xã Huy Tân (Phù Yên, Sơn La) nói chung, nhưng nhìn hồ Mó Tu khai thác không hiệu quả mà tôi thấy tiếc. Chính vì vậy, tôi quyết tâm thực hiện ý tưởng thầu khoán hồ Mó Tu để xây dựng mô hình dịch vụ câu cá kết hợp ẩm thực dân tộc", anh Tân chia sẻ.

Du lịch nông nghiệp: Nông dân làm giàu từ dịch vụ câu cá kết hợp ẩm thực dân tộc (Bài 2) - Ảnh 5.

Mỗi tháng anh Tân thả 4 đợt cá xuống hồ, mỗi đợt thả gần 1,5 tấn cá để phục vụ khách đến câu cá. Ảnh: Nguyễn Vinh

Mỗi tháng anh Tân thả 4 đợt cá xuống hồ, mỗi đợt thả gần 1,5 tấn cá gồm: cá rô phi đơn tính, cá trắm, cá chép, cá trôi, cá mè… phục vụ khách câu cá. Ngày đông khách, bình quân 1 ngày có khoảng 40 cần thủ đến buông cần tại hồ Mó Tu, ngày ít khách cũng khoảng 15 cần thủ. Mỗi ca câu cá 5 giờ, anh Tân thu 100.000 đồng/người. Cá khách câu được, nếu khách bán, anh Tân mua lại để chế biến phục vụ khách ăn cơm tại hồ.

Nắm bắt nhu cầu của khách, anh Tân mở thêm dịch vụ ăn uống tại hồ. Thực phẩm để chế biến các món ăn, anh Tân ưu tiên lựa chọn các sản phẩm sạch đồng quê của người dân địa phương nuôi trồng như: gà, vịt, ngan, lươn, ếch, rau các loại. Các món ăn được anh Tân chế biến với gia vị của núi rừng Tây Bắc nên thu hút khá đông khách đặt cơm, nhất là vào dịp cuối tuần, ngày lễ ... Còn gì tuyệt vời hơn khi đến hồ Mó Tu, vừa câu cá thư giãn và thưởng thức ẩm thực mang đậm hương vị quê hương.

Du lịch nông nghiệp: Nông dân làm giàu từ dịch vụ câu cá kết hợp ẩm thực dân tộc (Bài 2) - Ảnh 6.

Du lịch nông nghiệp: Nông dân làm giàu từ dịch vụ câu cá kết hợp ẩm thực dân tộc (Bài 2) - Ảnh 7.

Đến với hồ Mó Tu các thực khách sẽ được thưởng thức các món ăn đậm vị Tây Bắc. Ảnh: Nguyễn Vinh

Chị Nguyễn Thị Luyện, Tiểu khu 1, thị trấn Phù Yên (Phù Yên, Sơn La) chia sẻ: "hồ Mó Tu là địa chỉ về ẩm thực tôi rất thích, ở đây có rất nhiều món mang hương vị Tây Bắc. Thường thì dịp cuối tuần hay có bạn bè từ nơi xã đến tôi thường chọn nơi này, bởi vì, ở đây món ăn phong phú, đa dạng mà lại giá cả hợp lý; thời tiết ở Phù Yên nóng nên ra đây để tận hưởng không khí thoáng đãng, mát mẻ và thưởng thức những món ăn dân tộc, đồng quê với hương vị độc đáo và hấp dẫn".

Dịch vụ câu cá kết hợp ẩm thực dân tộc tại hồ Mó Tu là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh Hoàng Văn Tân. Dự kiện trong năm 2023 này gia đình anh thu về khoảng 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Du lịch nông nghiệp: Nông dân làm giàu từ dịch vụ câu cá kết hợp ẩm thực dân tộc (Bài 2) - Ảnh 8.

Dịp cuối tuần, khách đến câu cá và thưởng thức ẩm thực tại hồ Mó Tu thường đông hơn. Ảnh: Nguyễn Vinh

Trao đổi với phóng viên báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt, bà Mùi Thị Xuân, Chủ tịch UBND xã Huy Tân (Phù Yên, Sơn La) cho biết: "Trước kia hồ Mó Tu chỉ sử dụng tích nước và tưới tiêu, từ năm 2019 UBND xã khoán cho các hộ nuôi cá theo từng năm một, từ năm 2022 UBND xã đã tổ chức đấu giá thầu khoán 5 năm  và anh Tân đã trúng thầu. Từ khi anh Tân nhận thầu khoán hồ Mó Tu, anh đã đầu tư mô hình hồ sen chụp ảnh, câu cá giải trí, ẩm thực dân tộc…. Đây là mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời quảng bá được hình ảnh, văn hoá đời sống giàu bản sắc của nhân dân xã Huy Tân chúng tôi".

Có thể thấy, dịch vụ hồ câu và kết hợp ẩm thực dân tộc của anh nông dân Hoàng Văn Tân không chỉ là một trải nghiệm giải trí cho khách đến câu cá, mà còn là một điểm ẩm thực với các món ăn đặc trưng độc đáo thể hiện nét văn hoá và đời sống dân dã của người dân nơi đây. Sự kết hợp giữa thiên nhiên và hương vị ẩm thực độc đáo hứa hẹn sẽ để lại những kỉ niệm khó quên cho du khách. Bên cạnh đó, mô hình kinh tế mới này cũng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân như anh Hoàng Văn Tân.

Nguyễn Vinh - Văn Ngọc