dd/mm/yyyy

Nội lực Yên Châu

Dù có lợi thế Quốc lộ 6 chạy qua nhưng đã nhiều thập kỷ, huyện Yên Châu của tỉnh Sơn La vẫn chưa thể bứt ra khỏi mấy chữ “địa bàn nhiều khó khăn”. Sự chậm chạp ấy chỉ thật sự được phá vỡ trong mấy năm gần đây nhờ tiềm năng và nội lực Yên Châu được đánh thức và phát huy cao độ.

Nói đến Yên Châu trong quá khứ thì không ít người biết đến bởi vùng đất này vốn có những đặc sản nông nghiệp khá ngon như: Xoài, chuối, rượu hoẵng, dê núi… Bên cạnh đó, Yên Châu cũng có tới 50km Quốc lộ 6 chạy xuyên suốt từ đầu huyện tới cuối huyện. Nhưng những lợi thế đó nhiều năm liền không đủ sức đưa Yên Châu thoát ra khỏi tình trạng khó khăn cho dù Đảng bộ, chính quyền và người dân Yên Châu rất nỗ lực.
Phải tới những năm gần đây, khi Đảng bộ, chính quyền tỉnh Sơn La đã có những quyết sách hợp lý, ưu tiên đặc biệt cho nông nghiệp trên cơ sở xây dựng và phát huy lợi thế hàng hóa nông sản đặc trưng của mỗi vùng miền. Đăc biệt là lợi thế phát triển cây ăn quả trên đất dốc – loại đất cằn khô đang chiếm hầu hết trong diện tích đất sản xuất của Yên Châu.

 

Đặc sản xoài Yên Châu thơm ngon nức tiếng 

Nói về việc sản xuất hàng hóa từ nông nghiệp, anh Hoàng văn Thuận, dân bản Cốc Lắc, xã Tú Nang, huyện Yên Châu, bảo: Cây xoài ở Yên Châu thì có bao đời nay rồi nhưng quả xoài ở Yên Châu từ xưa tới nay chỉ được coi như một mùa thu hoạch phụ của chúng tôi bởi nguồn thu vừa ngắn ngày, giá trị thu nhập lại không cao. Khoảng 5 năm trở lại đây, tỉnh và huyện có chính sách khuyến khích, hỗ trợ chúng tôi phát triển cây xoài ghép, nhãn ghép từ những gốc xoài, gốc nhãn cổ. Lúc đầu thì dân còn bán tín bán nghi, nay thì nhà ai có nhiều xoài, nhà ấy là triệu phú. Đến nay, cả xã đã có hơn 700 ha cây ăn quả có giá trị cao như: Nhãn chín muộn, xoài Đài Loan, xoài Úc…
Đến với xã vùng cao, biên giới, “Nổi tiếng” bởi đất cằn khô trong huyện như xã Phiêng Khoài, thấy: Ngoài những cây trồng truyền thống như: Chè, mận hậu, ngô lai thì đã xuất hiện những mô hình kinh tế hiệu quả cao với cây dược liệu, cây chanh leo. Ông TRáng a Kỷ ở bản Lao Khô 1, cho biết: Chúng tôi được Nhà nước vận động, lại được doanh nghiệp hỗ trợ nên năm vừa qua tôi đã trồng hơn 200 gốc chanh leo, cuối năm lãi trên 70 triệu đồng. Thế là nhiều hộ trong bản làm theo, năm nay có cả dân bản khác cũng trồng chanh leo đấy.

Cây ăn quả được xem là thế mạnh trong phát triển kinh tế của huyện Yên Châu

Ông Nguyễn Văn Điện, Trưởng phòng NN&PTNN huyện Yên Châu, cho biết: Năm 2018, ngoài cây lương thực truyền thống thì Yên Châu đang có gần chục loại cây công nghiệp như chè, cà phê, cao su, mía, đậu tương… được bà con quan tâm phát triển. Đặc biệt, đến hết năm 2018, diện tích cây ăn quả của huyện đã đạt hơn 5.900 ha, tăng 929 ha so với năm 2017. Sản lượng quả trong năm của huyện ước đạt trên 33.847 tấn, tăng 145,4% so với năm 2017; trong đó có số lượng nông sản lớn được xuất khẩu ra nước ngoài…
Chính nhờ những kết quả khả quan trong sản xuất và xuất khẩu hàng hóa nông sản nên kết quả xây dựng Nông Thôn Mới trên vùng quê nghèo Yên Châu đã có những khởi sắc: Đến nay, 2/14 xã trong huyện đã cán đích Nông Thôn Mới là xã Chiềng Pằn và xã Viêng Lán; 12/14 xã còn lại không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí.

 Nhiều hợp tác xã nông nghiệp ở Yên Châu hoạt động hiệu quả

Ông Vì Văn Hôm, chi hội trưởng chi hội Nông dân bản Tà Ẻn, xã Phiêng Khoài, bảo rằng: NGười Sinh Mun chúng tôi ở vùng sâu nên nghèo lắm. Nên lúc đầu, nghe nói đến đầu tư xây dựng NTM là chúng tôi rất lo. Nhưng bây giờ thì hơn 100 hộ dân trong bản đầu yên tâm vì đã nhìn thấy những nguồn thu nhập cho mình nhờ Nhà nước có những chính sách quan tâm, hỗ trợ chuyên rđổi sản xuất hàng hóa hợp lý. Vừa rồi, bản làm cái đường xuyên suốt bản, các hộ dân đều tự nguyện hiến đất để làm đường, không một tiếng kêu ca. Khi dân no bụng thì dân tin Đảng và khí ấy, nội lực của người dân sẽ lớn lên rất nhiều.

Văn Chiến