dd/mm/yyyy

Lặn lội săn loài cá trong bộ "tứ quý" tiến vua trên đỉnh mây mù

Nghe bảo, trên đỉnh Háng Đồng thuộc bản Làng Sáng và Háng Đồng C, có một loài cá quý đang ẩn mình trong dòng suối Làng Sáng mát lạnh, trong xanh quanh năm. Đó là cá dầm xanh, nằm trong nhóm “cá tứ quý”, từng để tiến vua thuộc loại hiếm có khó tìm…

Những ngày giáp Tết Nguyên đán, tôi mới có dịp quay trở lại xã vùng cao Háng Đồng, huyện Bắc Yên (Sơn La), nơi quanh năm được ủ trong sương giá, nơi được coi là “gần trời” nhất với những bản đồng bào Mông chon von trên những dãy núi “chồn chân vó ngựa”… 

Khắc hẳn với các địa phương, vùng cao Háng Đồng bất kể mùa nào trong năm, ngày hay đêm luôn có nhiệt độ thấp, sương mù dày đặc và khi đêm xuống thì chính là thời khắc “ngự trị” của cái lạnh cùng những làn sương trắng bạc giăng đầy các dãy núi. Cũng bởi có những cánh rừng già đặc trưng với những thân cây có chu vi 3-5 người ôm nên rừng núi nơi đây chứa đựng bao điều kỳ thú. Trong đó, phải kể tới câu chuyện về loài cá dầm xanh, một loài cá quý mà đến giờ người dân vẫn không lý giải nổi câu hỏi “tại sao loài cá này có thể sống được ở những dòng suối mát lạnh trên đỉnh núi?”.

Để đến được suối Làng Sáng có cá tiến Vua, phải đi bộ mất nửa ngày đường.
Để đến được suối Làng Sáng có cá tiến Vua, phải đi bộ mất nửa ngày đường.

Nghe người già bảo: Từ những năm 50 của thế kỷ trước, khi cán bộ dưới xuôi lên nằm vùng tại các bản của Háng Đồng đã thấy loài cá này “ngự trị” ở đây. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn được thưởng thức sản vật nơi núi rừng Tây Bắc này. Bởi loài cá này thường sống ở những khe suối lạnh buốt quanh năm, sâu quá đầu người và dòng nước thì rất mạnh.

Đúng như lịch trình đã hẹn với cánh săn cá, sau khi mất nửa ngày đường ngược núi, xuyên rừng, chúng tôi có mặt tại bản Háng Đồng C khi trời đã nhá nhem tối, sương mù làm khuất tầm nhìn của người đi rừng… Cả đoàn đêm đó ngủ nhờ gia đình ông Mùa A Chu, 65 tuổi, người nhiều lần được thưởng thức vị thịt thơm đặc trưng của loài cá dầm xanh. Tối đó, bên mâm cơm với món thịt ếch, cua đá, cá suối được gia chủ bắt ở suối Làng Sáng nhỏ từ sáng sớm, nhâm nhi bát rượu thóc có nồng độ mạnh có thể đốt cháy, chúng tôi được nghe kể về loài cá này.

Đây là một trong những cách để bắt loài cá có thịt ngon, thơm nơi vùng cao Tây Bắc.
Đây là một trong những cách để bắt loài cá có thịt ngon, thơm nơi vùng cao Tây Bắc.

Cầm bát rượu uống một ngụm, khà một tiếng, ông Chu chỉ sang con trai út Mùa A Chua, bảo: “Con trai út của mình bắt được nhiều lắm, năm ngoái câu được 1 con dầm xanh gần 6 kg, nó to như bắp đùi người lớn. Đây là loài thuộc họ cá chép, thường sống ở tầng đáy của suối. Vào mùa nước trong, từng đàn cá ngoi lên để tận hưởng không khí trong lành và làn nước mát lạnh. Nhưng đến mùa lạnh, chúng sẽ chui vào các hang đá và sống ẩn mình nên rất khó bắt. Thịt cá rất thơm, ngọt, xương mềm, nhất là bộ trứng bùi ngầy ngậy rất hấp dẫn. Đặc biệt, ngay từ khi còn nhỏ như đầu ngón tay, thịt cá dầm xanh đã có hương vị rất riêng”.

Sáng hôm sau, khi những làn sương trắng bạc còn vương đầy khắp bản và trên các đỉnh núi, chúng tôi người chài, người lưới, người nơm và cơm gói lá chuối nối bước nhau hướng về suối Làng Sáng nhỏ. Bởi theo cánh săn cá, đây là khu vực vẫn còn cá dầm xanh, nhất là các loài cá khác cùng ếch và cua còn rất nhiều. Chừng 1 tiếng đồng hồ, khi lưng đã đẫm sương đêm lẫn mồ hôi, chúng tôi mới có mặt tại suối Làng Sáng nhỏ. Đoàn có 7 người được chia làm 2, một nhóm xuôi dòng và một nhóm ngược dòng suối. Và để thuận tiện đi lại tôi bám gót theo nhóm xuôi dòng. Vốn dĩ nước lạnh quanh năm cộng với đang cuối đông nên cảm giác chạm vào nước khiến cho người ta phải sờn lòng. Thậm chí, bước trên mặt đá nếu vô ý có thể rơi xuống suối vì mặt đá đầy rêu và trơn như ai đó vô tình đổ mỡ lên bề mặt. Ấy vậy mà, cánh thợ săn rất chuyên nghiệp, người quăng chài, người giăng lưới…

Cùng với cá dầm xanh, các nhóm còn bắt được cả cua và các loại cá suối khác.
Cùng với cá dầm xanh, các nhóm còn bắt được cả cua và các loại cá suối khác.

Đến gần trưa, ngoài gần 1kg ếch, các loại cá suối và một ít cua bắt được, nhóm chúng tôi chỉ bắt được 2 con dầm xanh to bằng 2 ngón tay. Mùa A Chua, chỉ tay về phía cuối con thác đang xối xả tuôn nước về phía hạ nguồn, nói: Cũng bởi một số người dân dùng kích điện bắt cá nên mấy năm gần đây lượng cá giảm đi nhiều. Ngày trước mỗi lần ra suối, ít cũng phải được vài con cá dầm xanh loại 3-4 lạng/con. Vả lại mùa này chúng chui hết vào hang sâu tại các khe suối, rất khó bắt. Loài cá này, thân cá có vảy óng ánh màu xanh. Chúng gây ấn tượng với cái miệng rất dày, gần giống với môi cá anh vũ. Chúng chỉ ăn rong rêu và khoáng sa ở các tảng đá dưới lòng suối, nên rất khó để câu.

“Thông thường, chúng tôi chỉ dùng lưới hoặc chài để bắt, hy hữu lắm mới có người câu được. Chúng rất khỏe, khi dính lưới, có thể xé toang lưới, thậm chí kéo lưới đi xa để thoát thân. Thịt cá dầm xanh dù chế biến theo cách thức nào thì thịt cá cũng rất ngon và không có mùi tanh. Tuy nhiên, cá dầm xanh nướng vẫn là hấp dẫn nhất”-anh Mùa A Chua nói.

Đồng hồ đã điểm 13 giờ 15 phút, nhóm chúng tôi phải nghỉ khi chưa bắt được con dầm xanh nào. Lúc này, nhóm phía đầu nguồn cũng tập trung cùng chúng tôi với gần chục con cá dầm xanh loại nhỏ. Lúc này, mỗi người một tay chụm vào chế biến sản phẩm bắt được. Riêng số cá dầm xanh, sau khi được thêm nếm gia vị mang theo, trong đó có mắc khén rừng được cánh thợ săn cho lên nướng… Số cá còn lại được gói vào lá chuối cùng để nướng. Mùi cá nướng tỏa thơm ngào ngạt hòa cùng làn khói lẫn trong sương mù đang ào ạt kéo về.

Cả nhóm lúc này cùng nhau quây quần bên đống lửa cạnh bờ suối, chụm đầu thưởng thức món cá nướng với những gói cơm mang theo được nấu từ gạo cẩm được trồng trên đỉnh Làng Sáng và món măng ớt đặc trưng của người vùng cao Háng Đồng. Món cá dầm xanh sau khi chế biến có màu vàng, khi thưởng thức thịt cá cảm nhận rõ vị ngọt, mềm và hương thơm khác lạ của thịt cá hòa cùng vị đặc trưng của mắc khén tươi…

Có lẽ đây sẽ là một trong những trải nghiệm thú vị, khó phai của những người ngược núi, xuyên rừng, lội suối để săn tìm loài cá từng nằm trong nhóm “tứ quý” chỉ để tiến vua…

Tuấn Ngọc