dd/mm/yyyy

Gạo Ấn Độ và Thái Lan giảm, giá gạo Việt Nam vẫn tăng tiếp

Giá gạo xuất khẩu từ một số trung tâm thương mại gạo châu Á hạ nhiệt sau đợt tăng mạnh do các biện pháp hạn chế gần đây của Ấn Độ. Tuy nhiên, giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam tiếp tục tăng lên 660 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 7/2008, so với 620-630 USD trước đó...

Cập nhật giá gạo mới nhất ngày 22/8: Giá lúa tiếp tục tăng 100 - 600 đồng/kg 

Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ hiện giảm xuống 450-455 USD/tấn từ mức kỷ lục 460-467 USD trước đó, trong bối cảnh nhu cầu yếu.

Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ thông báo: “Các khách hàng châu Phi đang tìm kiếm giá thấp hơn và hoãn mua hàng”.

Tháng trước, Ấn Độ đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati. Tuy nhiên, không có hạn chế đối với xuất khẩu gạo đồ non-basmati.

Những dự báo về hình thái thời tiết El Nino kéo dài trong năm nay cũng đe dọa nguồn cung toàn cầu, đặc biệt là ở châu Á, nơi vốn đã bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột ở Ukraine.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan hiện cũng giảm xuống còn 615-620 USD/tấn so với mức 650-655 USD trước đó, do kỳ vọng về nguồn cung mới.

Với gạo Thái Lan, có nhu cầu từ người mua nhưng không ai bán, mặc dù nhu cầu gạo bổ sung của Thái Lan có thể thúc đẩy một thỏa thuận giữa chính phủ với chính phủ.

Tại Bangladesh, giá gạo vẫn tăng mặc dù sản lượng và dự trữ tốt.

Bộ trưởng Lương thực Bangladesh cho biết khoảng 2,1 triệu tấn ngũ cốc, chủ yếu là gạo, được lưu trữ tại các kho của nhà nước và chính phủ đã mở rộng bán gạo được trợ cấp trong tháng này để giúp đỡ những người nghèo bị ảnh hưởng bởi chi phí lương thực tăng cao.

Tuy nhiên, giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam hiện tiếp tục tăng lên 660 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 7/2008, so với 620-630 USD vào tuần trước, do nguồn cung thấp.

Giao dịch gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn trầm lắng, người mua đang tạm dừng giao dịch vì giá gạo cao. Dữ liệu sơ bộ cho thấy 250.430 tấn gạo sẽ được bốc xếp tại cảng thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian từ ngày 1/8 đến ngày 20/8, trong đó phần lớn đến Philippines, Malaysia, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ.

Giá lúa gạo hôm nay ngày 22/8/2023 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long điều chỉnh tăng với nhiều mặt hàng lúa.

Theo đó, tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, giá lúa IR 504 ở mức 7.750 - 7.900 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; OM 5451 duy trì quanh mốc 7.750 – 8.000 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; giá lúa OM 18 ở mức 7.800 - 8.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; Nàng Hoa 9 có giá 7.800 – 8.200 đồng/kg, tăng 600 đồng/kg; lúa Nàng Nhen (khô) ở mức 15.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg.

Riêng lúa Đài thơm 8 và lúa Nhật ổn định ở mức 7.800 - 8.000 đồng/kg.

Với lúa nếp, giá biến động trái chiều giữa nếp Long An (tươi) và An Giang. Theo đó, nếp Long An (tươi) ở mức 7.200 - 7.500 đồng/kg. Trong khi giá nếp An Giang tươi giảm 200 đồng/kg xuống còn 6.300 - 6.400 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm biến động trái chiều. Theo đó, gạo nguyên liệu tăng 50 đồng/kg lên mức 12.350 đồng/kg. Trong khi đó, giá gạo thành phẩm duy trì ổn định ở mức 14.400 - 14.500 đồng/kg.

Với mặt hàng phụ phẩm, giá tấm IR 504 tăng 100 đồng/kg lên mốc 11.900 đồng/kg; trong khi đó giá cám khô duy trì ổn định ở mức 7.600 đồng/kg.

Gạo Ấn Độ và Thái Lan giảm, giá gạo Việt Nam vẫn tăng tiếp - Ảnh 1.

Giá lúa gạo hôm nay ngày 22/8/2023 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long điều chỉnh tăng với nhiều mặt hàng lúa.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, giá gạo xuất khẩu có thể sẽ tiếp tục đà tăng trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung vẫn đang gia tăng. Hiện tại, Ấn Độ, quốc gia tiêu thụ gạo thứ 2 thế giới, chiếm khoảng 20% tổng sản lượng gạo toàn cầu, đang có nguy cơ đối mặt với tháng 8 khô hạn nhất trong lịch sử. 

Điều này tác động tiêu cực đến mùa vụ nông sản nước này, khi lúa và nhiều loại cây trồng quan trọng thường được bắt đầu gieo trồng vào đầu tháng 6. Nguy cơ sản lượng gạo sụt giảm do điều kiện thời tiết bất lợi càng làm sâu sắc thêm khả năng thiếu hụt nguồn cung, buộc quốc gia này phải tăng cường nhập khẩu phục vụ tiêu dùng nội địa.

Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Philippines đang khuyến nghị các thương nhân tăng cường nhập khẩu gạo, thêm khoảng 500.000 tấn để bù đắp thiệt hại mùa màng có thể xảy ra do hiện tượng thời tiết El Nino.

Ở thị trường trong nước, để tiếp tục triển khai thực hiện những nhiệm vụ được giao tại Công điện số 610/CĐ-TTg và Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 15 tháng 8 năm 2023 về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước trong giai đoạn hiện nay. 

Chỉ thị đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương, Sở Công Thương các địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và thương nhân tập trung triển khai các nhóm giải pháp về hoàn thiện thể chế; tìm kiếm thông tin và phát triển thị trường; đẩy mạnh kiểm tra kiểm soát để hạn chế tối đa việc giá gạo tăng cao do đầu cơ, găm hàng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Chỉ thị này là kịp thời trong giai đoạn hiện nay, bởi bên cạnh việc chớp thời cơ xuất khẩu gạo, việc đảm bảo nguồn dự trữ trong nước là rất quan trọng nhằm đảm bảo giá gạo nội địa không tăng quá cao, ảnh hưởng đến dịp mua sắm cuối năm cũng như chỉ số CPI của cả năm nay.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, nửa đầu tháng 8/2023, tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 456.768 tấn, với trị giá đạt trên 266 triệu USD. Điều này cho thấy, giá xuất khẩu gạo bình quân trong giai đoạn này là trên 582 USD/tấn, tức tăng đáng kể so với con số 543 USD/tấn của tháng 7 và 534 USD/tấn của 7 tháng đầu năm nay.

Nguyễn Phương