dd/mm/yyyy

“Dở khóc, dở cười” với… gia trại nuôi trồng trên phố

Hôi thối nồng nặc, inh tai, nhức óc… là những cảm nhận của các gia đình sống xung quanh các khu nuôi trồng trên nhà tầng ở một số tuyến phố của Thủ đô đang phải trải qua.

Cả phố ngửi phân chim, phân gà…

Hơn 20 năm chuyển nhà đến khu phố Quán Thánh quận Ba Đình (Hà Nội) thì hơn 10 năm gia đình ông Phạm Văn Thuận phải ngửi phân gà. Vào thời điểm nắng nóng hay mưa rào, ông Thuận phải đóng kín các cửa sổ để khỏi bị mùi phân gà bay vào nhà.

Việc chăn nuôi, trồng trọt trong khu dân cư ở các khu phố đông dân cư gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sinh hoạt của các hộ dân sống bên cạnh. Trần Quang
Việc chăn nuôi, trồng trọt trong khu dân cư ở các khu phố đông dân cư gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sinh hoạt của các hộ dân sống bên cạnh. Trần Quang

Vừa nói chuyện với chúng tôi, ông Thuận vừa chỉ tay lên khu nhà của một hộ hàng xóm cạnh nhà ông có nuôi gà trên nhà tầng. “Theo quy định không được nuôi gà trong nhà phố, trong khu chung cư, khu đông dân cư, nhưng họ vẫn bất chấp nuôi. Dù nuôi ít nhưng số lượng phân thải của gà ra mỗi ngày cũng rất ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng ít, nhiều đến cuộc sống của các hộ bên cạnh”, ông Thuận bức xúc.

Ông Thuận cho biết, gia đình ông có 6 khẩu thì cả 6 người đều rất bức xúc khi hàng ngày phải ngửi phân gà bất đắc dĩ từ nhà hàng xóm. Đáng nói, ngoài việc nuôi gà, nhà hàng xóm còn tận dụng mái treo các giò lan trên mái chuồng. “Nhiều hôm con tôi vừa đưa xe ra ngoài cửa để đi làm thì bị ướt áo, quần vì họ phun nước tưới cây. Chúng tôi bức xúc sang phản ánh họ mới che cẩn thận lại đấy”, ông Thuận kể lại.

Bên cạnh nhà ông Thuận, gia đình bà Nguyễn Thị Tâm có 5 khẩu cũng đang bị ảnh hưởng nhiều bởi mùi phân thải từ phía “trang trại” chăn nuôi gà cảnh của nhà hàng xóm. Bà Tâm cho biết, do gia đình bà nằm ngay sát và có một số cửa sổ hướng về phía chuồng nuôi gà nên thường xuyên bị mùi phân thải bay vào nhà. “Mỗi lần mở cửa là mùi phân bay vào ám hết các phòng, gia đình tôi phải bật điều hòa để lọc mới hết mùi”, bà Tâm kể.

Cũng theo bà Tâm, để tránh bị ảnh hưởng từ “trang trại” trên, ngoài việc gia đình bà phải đóng hết các cửa sổ, vợ chồng bà còn không ít lần phải sang tận láng giềng để “đàm phán”. “Mình sang nói thì họ cũng nghe và che đậy lại nhưng được một vài tuần họ lại mở ra, lại đâu vào đấy nên chúng tôi bức xúc lắm”, bà Tâm chia sẻ.

Cận cảnh khu nuôi gà của anh Nam ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Trần Quang
Cận cảnh khu nuôi gà của anh Nam ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Trần Quang

Đinh tai, nhức óc vì chim kêu, gà gáy

Hết ngửi mùi phân thải từ “trang trại” gà, gia đình ông Thuận và bà Tâm lại bị “tra tấn” thêm tiếng ồn từ phía các chuồng gà của nhà hàng xóm. “Có thời điểm gia đình chúng tôi đang ngủ trưa dở giấc, đàn gà nhà hàng xóm bỗng dưng kêu, gáy rất ồn khiến mọi người bị đánh thức”, ông Thuận kể.

Bà Tâm cho hay: Để tránh tiếng gà nuôi nhà hàng xóm gáy vào sáng sớm khiến mọi người mất ngủ, gia đình tôi đã phải thay đổi lịch sinh hoạt, đó là ăn cơm sớm và ngủ sớm trước 10h để có thể dậy sớm hơn, may ra mới thoát được nạn “gà gáy” của nhà bên.

Gần 5 năm nay, từ khi gia trại của hàng xóm đi vào hoạt động, nhà ông thường xuyên bị các tiếng chim, gà kêu hành hạ. “Lúc đầu họ nuôi nhiều, sau nhiều lần bà con láng giềng phản ánh họ đã giảm đàn xuống, giờ còn vài chục con nhưng chúng tôi vẫn bị ảnh hưởng. Ông Phạm Tuấn (Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Cũng trong tình cảnh “dở khóc, dở cười” như hộ bà Tâm và ông Thuận, gia đình ông Phạm Tuấn ở quận Nam Từ Liêm cũng đang bị ảnh hưởng nặng của gia trại nuôi chim bồ câu và gà cảnh.

Theo ông Tuấn cho biết, thời gian đầu nghe tiếng gà gáy, chim kêu, hót thấy vui tai nhưng càng ngày tiếng ồn phát ra từ các gia trại trên càng nhiều hơn nên càng gây khó chịu cho các thành viên trong gia đình ông. “Người ta bảo bán anh em xa, mua láng giềng gần, chả lẽ mình lại làm ngược lại, nói nặng lời với họ lại thêm bất đồng dẫn đến cãi vã nhau nên nhiều khi nể nhau mà phải im lặng chịu đựng vậy”, ông Tuấn bộc bạch.

Dù không thành trang trại lớn, song mô hình chăn nuôi và trồng trọt kiểu gia trại, đặc biệt là trên các nhà cao tầng đang gây ảnh hưởng ít, nhiều đến các khu đông dân cư sinh sống xung quanh. Điển hình như một gia trại trồng rau, củ, quả của một số hộ dân ở phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm đang khiến các hộ dân sống gần đó bị ảnh hưởng.

Theo phản ánh của bà Phạm Thị Thương, một hộ dân sống ở phường Mỹ Đình 2, tại đây đang có khá nhiều hộ trồng rau, củ, quả tự phát trên tầng thượng của các nhà cao tầng, gây ảnh hưởng đến các hộ dân sống xung quanh. “Có hôm họ đưa cả phân chuồng tươi về trồng rau, có hộ dùng vòi bơm tưới rau vương vãi cả nước xuống dưới làm nhiều người đi qua bị ướt, bẩn lắm”, bà Thương nhớ lại.

Đồng quan điểm với ông Thuận, bà Tâm, ông Tuấn đề nghị các cấp chính quyền ở Hà Nội nói riêng và các tỉnh, thành khác nói chung nên rà soát lại các hộ chăn nuôi, trồng trọt trong nhà, khu phố để khuyến cáo và nếu được nên đưa họ ra chăn nuôi xa khu dân cư để bảo đảm vệ sinh môi trường, tránh để ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân sống xung quanh.

XEM THÊM >> Đất “vàng” chỉ để trồng rau, dưa...

Là chủ chăn nuôi gà cảnh trên nhà tầng, anh Trần Lĩnh Huế ở quận Ba Đình hiện đang nuôi hàng chục con gà gồm cả gà trưởng thành và gà giống. Trao đổi với chúng tôi về nghề của mình anh Huế cho biết: Do có sở thích chăn nuôi nên vợ chồng anh đã đầu tư, sửa lại một góc căn phòng thượng để nuôi gà phục vụ đam mê của mình. “Để tránh ảnh hưởng đến các hộ dân sống bên cạnh, trong quá trình nuôi hai vợ chồng tôi đã bố trí, xây và che chắn cẩn thận, đặc biệt số lượng đàn gà nuôi chúng tôi cũng kiểm soát ở mức vừa phải chứ không nuôi nhiều nên bà con hàng xóm không bị ảnh hưởng nhiều”, anh Huế chia sẻ.

Cũng theo anh Huế, để xử lý mùi hôi của phân gà, gia đình anh đã tìm mua các chế phẩm sinh học và trấu, mùn cưa về lót xuống dưới các chuồng nuôi. “Với việc lót trấu, mùn cưa gỗ khi phân gà thải ra sẽ hạn chế tối đa được mùi hôi. Sau một vài ngày gà thải phân nhiều, tôi sẽ dùng phân đó để chăm sóc các cây cảnh, rau”, anh Huế cho biết thêm.

Trần Quang