dd/mm/yyyy

Cách trồng rau muống xanh non trong thùng xốp trên sân thượng

Trong các loại rau, dễ trồng nhất là rau muống. Nhưng để có rau muống sạch và xanh non khi trồng trong thùng xốp trên sân thượng thì cần có bí quyết trong cách trồng và chăm sóc.

Rau muống có đặc tính giữ nước, tươi lâu dễ bảo quản, chế biến được nhiều món (rau luộc, xào, nấu canh, gỏi sống, …) nên được dùng phổ biến trong bữa ăn của nhiều gia đình. Do nhu cầu sử dụng lớn nên rau muống được trồng ở khắp nơi.

Ngoài cách trồng rau truyền thống của bà con nông dân ở đất bờ bãi, đất trống, đồng ruộng (gọi chung là rau muống cạn) và trồng kết thành bè ở ao, sông (gọi là rau muống nước), ở nhiều địa phương đã hình thành những vùng chuyên canh rau. Tại nhiều khu đô thị còn xuất hiện xu hướng trồng rau kiểu mới – trồng rau trong thùng xốp trên sân thượng theo 2 cách: trồng rau cạn và trồng thủy canh.

Trồng rau theo phương pháp thủy canh và gieo hạt.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, cây muống (tên khoa học: Ipomoea aquatica) là loại rau ăn thân và lá, dễ trồng, ưa nước, cần nhiều ánh sáng, đẻ nhánh nhanh, thích hợp với vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều, cả môi trường dưới nước và trên cạn. Cây muống có thể trồng bằng gieo hạt, hoặc từ phần thân gốc rau già bỏ đi. Nhưng cây rau muống cũng rất dễ bị sâu bệnh hại, nhất là vào mùa mưa và cằn cỗi vào mùa đông.

Với cách trồng rau trong thùng xốp trên sân thượng, để có rau sạch xanh non được hái ngay tại vườn nhà, an toàn thực phẩm trong bữa ăn gia đình thì cần chú ý trồng rau theo qui trình sau:

Trồng rau muống cạn trong thùng xốp

Trồng rau muống cạn cần giữ cho đất luôn tơi xốp, thích hợp nhất với loại đất pha cát, đất thịt, đất bùn. Khâu chuẩn bị đất bao gồm: Phơi ải khoảng vài nắng để làm sạch đất; trộn mùn đất với một lượng nhỏ phân hữu cơ, phân vi sinh; cho đất gần đầy thùng xốp. Nếu trồng bằng xơ dừa và đất dinh dưỡng bán sẵn, người trồng nên cho hỗn hợp này vào khay xốp với tỷ lệ 1/1, cho vừa đầy mặt khay. Sau đó, người trồng rau trong thùng xốp có thể dùng bình phun nước tưới để giữ ẩm cho đất trồng.

Trồng rau muống từ gieo hạt:

Sau khi đã chuẩn bị xong đất, trước khi trồng cần ngâm hạt giống trong nước ấm (tỷ lệ 2 sôi, 3 lạnh); thời gian ngâm khoảng từ 3 giờ đến 5 giờ. Kế đến, vớt và hạt ra, ủ khăn giấy (cho thấm nước, để hạt giống ráo nước) từ 6 giờ - 10 giờ. Khi gieo, rải hạt thành hàng tùy theo kích cỡ thùng xốp, hàng cách hàng từ 10cm – 15cm.

Hạt rau muống nẩy mầm (Ảnh: Huyền Phương)
Hạt rau muống đã nẩy mầm, lên được 2-3 lá (Ảnh: Huyền Phương)
Rau muống gieo hạt, nảy mầm, lên được 2-3 lá (Ảnh: Huyền Phương)
Sau khi gieo, hạt nảy mầm, cây rau đã sống khỏe, lên được 3-4 lá (Ảnh: Huyền Phương)

Sau khi gieo hạt xong, dùng bình phun với tia nước nhỏ để tưới nước, dùng lưới sẫm màu, hay tấm giấy che giữ ẩm; để khay hạt trong mát. Khi hạt nảy mầm thành cây non, được 2 - 3 cặp lá là có thể đem khay ra ngoài nắng. Vào mùa mưa, cây chỉ cần được tưới nước vừa đủ, mùa nắng nóng hanh khô nên tưới ngày hai lần vào buổi sáng sớm và chiều mát.

Nếu trồng bằng thân gốc rau già, hoặc từ cây con giống:

Xẻ rãnh đất, đặt giống rau, hàng cách hàng từ 10cm – 15cm, sau đó phủ đất, tưới nước. Trong mùa mưa có thể phủ lưới để tránh đất cát bám lên cây và phòng nhiễm sâu bệnh.
Về chăm sóc: Ngoài lượng phân ban đầu trộn từ khi làm đất, cần bón thêm phân trong quá trình chăm sóc rau.

Cây rau muống giống (Ảnh: Huyền Phương)
Cây rau muống giống (Ảnh: Huyền Phương)
Rau muống trồng từ gốc thân cây rau già (Ảnh: Huyền Phương)
Rau muống trồng từ gốc thân cây rau già (Ảnh: Huyền Phương)

Bón phân lần 1 diễn ra sau khi cây rau muống ra được từ 2 - 3 cặp lá. Có thể dùng phân vô cơ có hàm lượng đạm cao để bón, giúp cây rau muống mau lớn cho nhiều lá. Phân Super lân giúp rễ của cây phát triển tốt hơn. Khi bón phân, pha phân Ure cùng phân Super lân vào nước (tỉ lệ 1 Ure /1 Super lân /4 nước) rồi tưới đều trên rau muống lúc chiều mát; sáng hôm sau cần tưới rửa lại. Việc bón phân lần 1 này sẽ khắc phục được hiện tượng khi rau muống có từ 3 - 4 cặp lá thường bị nhạt màu, vàng lá do thiếu đạm, sinh trưởng kém.

Sau khi bón phân lần 1, nếu có thời gian chăm sóc, cây cần được phun luân phiên thêm phân bón lá vitamin như B1, rong biển,... để tăng sức đề kháng với sâu bệnh.

Bón phân lần 2 cách lần 1 từ 10 - 15 ngày. Người trồng pha liểu lượng phân NPK hoặc phân DAP (tỉ lệ 1 phân/4 nước), tưới đều trên thân lá cây rau muống. Chú ý tưới khi chiều mát và tưới rửa lại vào sáng hôm sau.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm, cần ngưng tưới phân cho cây rau trước khi thu hoạch từ 7 - 10 ngày.

Sau khi thu hoạch, rau muống cần được cắt ngang gốc, chừa lại gốc khoảng 2- 3 cm để cây tiếp tục nảy mầm. Sau đó 7 -10 ngày, cần bón phân cho cây ra rễ, kích thích mọc lá mới. Sau đó, tiếp tục bón phân theo quy trình nêu trên.

Phòng trừ sâu bệnh cho cây rau muống:

Theo các chuyên gia nông nghiệp, để có rau muống sạch, an toàn thực phẩm mà vẫn xanh non khi được trồng trên sân thượng, không nhất thiết phải tuyệt đối cách ly với thuốc bảo vệ thực vật, hay bón phân. Quan trọng là việc sử dụng phân bón, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho rau đúng kỹ thuật, thời gian hợp lý sẽ đảm bảo độ sạch của rau, an toàn với sức khỏe con người. Khi sâu bệnh gây hại có mật độ cao, có thể dùng thuốc bảo vệ thực vật như sau:

Đối với loại sâu khoang gây hại: Dùng các loại chế phẩm vi sinh Biocin, Dipel hoặc dùng thuốc thảo mộc Rotenone hoặc Neem, … Đối với rầy hại: Dùng Butyl, Trebon, Actara… Ngoài ra trong quá trình chăm sóc, có thể phun thuốc từ các chế phẩm nước tỏi ngâm, … để phòng ngừa sâu bệnh hại. Sau khi thu hoạch, nên được bón vôi bột nông nghiệp hoặc men vi sinh như EM, tricodemar để diệt sâu bệnh hại có trong đất; xới đất cho tơi xốp và để khoảng 2 - 3 ngày, sau đó bù thêm ít đất dinh dưỡng là có thể sử dụng lại.

Trong điều kiện cây rau muống được chăm sóc tốt và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, người dân có thể thu hoạch tối đa 5 - 6 đợt.

Cách trồng rau muống thủy canh trong thùng xốp

Kỹ thuật trồng rau thủy canh trong thùng xốp đơn giản hơn trong khâu chăm sóc, nhưng cần chú ý trong khâu chuẩn bị vật tư, hạt giống và pha nước dinh dưỡng nuôi cây.

Thùng xốp phải có đủ nắp và chắc chắn, bên trong lót phủ bằng nilon nông nghiệp, không rò rỉ nước. Lựa chọn kích cỡ thùng xốp phù hợp tùy theo không gian vườn và thuận tiện trong quá trình chăm sóc. Nắp đậy thùng xốp cần được khoan lỗ vừa với rọ trồng cây. Chuẩn bị số lượng rọ trồng, tấm lót và bấc hút, giá thể trồng, hạt giống tương ứng với số lượng thùng xốp và không gian lắp đặt.

Khoan lỗ trên nắp thùng xốp tương thích với kích cỡ rọ trồng (với rọ kích cỡ 10 cm, khoan lỗ 9cm). Sử dụng vải carton dày để lót rọ trồng và tạo bấc hút nước. Lót phủ phía trong thùng bằng nilon nông nghiệp để chứa dung dịch trong thùng xốp.

CHuẩn bị thùng xốp, giá thể, rọ,... (Ảnh: S.T)
CHuẩn bị thùng xốp, giá thể, rọ,... (Ảnh: S.T)

Cho giá thể vào rọ, trồng cây giống vào rọ trồng. Ngâm  toàn bộ rọ trồng đã có cây giống  vào nước, làm cho giá thể và bấc thẩm thấu nước hoàn toàn. Có thể sử dụng máy sục khí vào nước để hòa tan oxi tạo điều kiện tốt nhất cho quá trình phát triển của cây.

Cách pha nước dinh dưỡng: Pha dung dịch HYDRO BEE part A và dung dịch HYDRO BEE part B đậm đặc pha với nước thành dung dịch để trồng (tỉ lệ 3/3/1). Đổ dung dịch đã pha vào khay trồng đến chạm đáy rọ. Đậy tấm nắp vào khay trồng, đặt các rọ đã trồng cây con vào khay trồng.

Cây rau muống trồng bằng phương pháp thủy canh (Ảnh: S.T)
Cây rau muống trồng bằng phương pháp thủy canh (Ảnh: S.T)

Trong quá trình chăm sóc, chú ý khoảng 3 - 4 ngày/lần mở nắp khay để kiểm tra, kịp thời bổ xung lượng dung dịch dinh dưỡng trong khay. Nếu phát hiện sâu bệnh, cần sớm thực hiện theo đúng qui trình như đối với trồng rau muống cạn.

Huyền Phương