dd/mm/yyyy

Các hợp tác xã giúp nông dân vượt qua khủng hoảng, ngược lại còn hoạt động mạnh hơn

Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT) cho biết, trong lúc khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh, đã có hàng trăm nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa, ngừng hoạt động và rời bỏ thị trường nhưng hợp tác xã thì không, thậm chí nó lại hoạt động mạnh hơn.

Trong khủng hoảng, HTX hoạt động mạnh hơn

Trong bối cảnh kinh tế thị trường, rồi các khủng khoảng phi truyền thống diễn ra ngày càng nhiều như: Dịch tả lợn châu Phi, dịch Covid-19, biến đổi khí hậu..., HTX chính là lựa chọn để giúp cho hộ nông dân, kinh tế địa phương, nông nghiệp vượt qua khủng hoảng.

"Trong lúc khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh, chúng ta có hàng trăm nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa, ngừng hoạt động hoặc rời bỏ thị trường, nhưng HTX thì không. Chưa có HTX nào tuyên bố giải thể khi có dịch Covid-19, thậm chí nó lại hoạt động mạnh hơn" - ông Thịnh đặt vấn đề.

Hợp tác xã giúp nông dân vượt qua khủng hoảng  - Ảnh 1.

Mô hình “máy cấy 3 trong 1” tại HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất lúa truyền thống. Ảnh: M.N

Tính đến hết năm 2020, cả nước có 17.462 HTX so với 11.668 HTX năm 2017, trong đó có 14.635 HTX hoạt động có hiệu quả.

Trong 3 năm (2017-2020), mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng số lượng HTX ngày càng phát triển, tăng nhanh về quy mô, lợi nhuận. Tính đến hết năm 2020, cả nước có 17.462 HTX so với 11.668 HTX năm 2017, trong đó có 14.635 HTX hoạt động có hiệu quả.

Đáng chú ý, quy mô doanh thu các HTX tăng mạnh, từ mức trung bình 1,6 tỷ đồng/HTX năm 2017 lên 2,4 tỷ đồng năm 2020.

Cùng với doanh thu, lợi nhuận tăng, các HTX còn có đóng góp tích cực trong việc liên kết chuỗi giá trị. Số lượng HTX tiêu thụ nông sản cho xã viên tăng lên 25%. Đây đều là sản phẩm ngon, nổi tiếng. Đến hết 2020, có gần 4.000 HTX tham gia chuỗi giá trị và có 843 HTX sở hữu sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).

Ông Thịnh cho biết: "Trong giai đoạn dịch Covid-19 xảy ra, đa số hàng hóa lương thực, thực phẩm trên các kệ hàng hay chợ đầu mối… đều do các HTX và tổ nhóm cung cấp ra thị trường. Đi đâu trong dịp Tết, hay mua sắm cũng toàn gặp hàng của HTX".

Xuất hiện nhiều mô hình HTX linh hoạt

Trong kết quả phát triển của HTX trong những năm gần đây, đã xuất hiện nhiều dạng mô hình HTX như: Mô hình HTX tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, mô hình HTX tham gia vào nhiều khâu của chuỗi, hay HTX sở hữu những sàn giao dịch nông sản, HTX ứng phó với biến đổi khí hậu...

Đáng chú ý, HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) đã giúp thành viên nâng cao thu nhập, giảm giá thành sản xuất do áp dụng cơ giới hóa theo hướng tự động hóa 100% trên đồng từ bơm nước, làm đất cho đến thu hoạch trên diện tích hơn 500ha.

Cùng với đó, nhiều HTX đã thành lập doanh nghiệp hoặc liên kết thành lập doanh nghiệp. 

Trước năm 2016, cả nước có 316 HTX thành lập doanh nghiệp thì đến hết năm 2020 cả nước có 2.312 HTX thành lập doanh nghiệp hoặc liên kết thành lập doanh nghiệp. 

Đây là con số khá ấn tượng dù khung pháp lý khuyến khích mô hình này chưa rõ ràng, nhất là về vấn đề góp vốn, hình thức liên kết, liên doanh với HTX. 

Khương Lực