Đắk Lắk: Vì sao Hợp tác xã ngừng hoạt động lại khó làm thủ tục "khai tử"?

Thứ tư, ngày 27/01/2021 13:34 PM (GMT+7)
Theo kết quả rà soát, thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 137 HTX ngừng hoạt động, tồn tại hình thức nhưng chưa thực hiện xong thủ tục giải thể.
Bình luận 0

Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 578 hợp tác xã (HTX), trong đó có 354 HTX nông nghiệp, 58 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 57 HTX vận tải, 70 HTX thương mại - dịch vụ, 27 HTX xây dựng và 12 Quỹ tín dụng nhân dân. Đến nay, 100% HTX hoạt động trên địa bàn tỉnh được tổ chức thực hiện theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012.

Đắk Lắk: Vì sao Hợp tác xã ngừng hoạt động lại khó "khai tử"? - Ảnh 1.

Nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Thành viên Hợp tác xã Mây tre đan Phú Thịnh (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) gia công sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Theo kết quả rà soát, thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trên địa bàn tỉnh có 137 HTX ngừng hoạt động, tồn tại hình thức nhưng chưa thực hiện xong thủ tục giải thể. 

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc ngừng hoạt động của các HTX là do thiếu vốn lưu động đầu tư sản xuất, kinh doanh, khó tiếp cận các nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi; nhiều HTX chưa có tầm nhìn, chiến lược dài hạn, thiếu chủ động trong việc xây dựng phương án tổ chức sản xuất, chưa quan tâm nhiều đến đầu ra sản phẩm. 

Bên cạnh đó, nhận thức về Luật HTX năm 2012 của một số cán bộ quản lý, thành viên HTX chưa đầy đủ, nên khi áp dụng các quy định còn lúng túng; đội ngũ cán bộ quản lý của một số HTX còn hạn chế về trình độ, năng lực tổ chức quản lý, điều hành và nghiệp vụ chuyên môn, không đáp ứng kịp thời yêu cầu thị trường.

Để tổ chức, củng cố hoạt động của HTX, thời gian qua, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có Quy chế phối hợp quản lý HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, xử lý vướng mắc trong công tác giải thể HTX. Tỉnh cũng đã nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt việc giải quyết những HTX tồn tại hình thức. 

Tuy nhiên, công tác giải thể các HTX ngừng hoạt động, nhất là những HTX ngừng hoạt động lâu năm gặp rất nhiều khó khăn. 

Nguyên nhân khách quan là thủ tục giải thể HTX khá phức tạp, phải bảo đảm theo quy định của Luật HTX năm 2012 và Luật Phá sản năm 2014.

Về chủ quan, vướng mắc về công nợ của các HTX hiện chưa xử lý được. Cụ thể, các HTX ngừng hoạt động đang nợ thuế, ngân hàng, nợ các thành viên HTX, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ… với số tiền 50 tỷ đồng.

Chưa kể, nhiều HTX bị thất lạc sổ sách kế toán, hồ sơ, giấy tờ liên quan nên chưa đủ cơ sở để xác định số tiền nợ. 

Ngoài ra, một số HTX thiếu hồ sơ chứng từ để thực hiện giải thể, chưa đồng thuận cao việc giải thể vì liên quan đến vấn đề tranh chấp tài sản; không có kinh phí thực hiện thủ tục giải thể, có trường hợp không liên lạc được với Ban quản trị HTX do đi khỏi địa phương hoặc đã mất. 

Có những HTX không còn người đại diện, không ai đứng ra tổ chức đại hội để bầu bổ sung những thành viên bắt buộc để tham gia hội đồng giải thể. 

Một số chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt đối với công tác giải thể HTX, chưa thường xuyên bám sát, hướng dẫn cho các HTX làm thủ tục giải thể theo quy định…

Đắk Lắk: Vì sao Hợp tác xã ngừng hoạt động lại khó "khai tử"? - Ảnh 4.

Một hợp tác xã công nghiệp trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã ngừng hoạt động (Ảnh tư liệu).

Để xử lý dứt điểm tình trạng trên, UBND tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện kiểm tra, rà soát cụ thể thực trạng của các HTX đã ngừng hoạt động để tham mưu cho tỉnh thực hiện các biện pháp xử lý phù hợp theo quy định như: thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký HTX, thực hiện giải thể bắt buộc hoặc tự nguyện, phá sản. 

Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk tiến hành làm rõ từng khoản nợ, tính chất và nguồn gốc nợ của các HTX để có phương án giải quyết. 

Đối với các cấp chính quyền địa phương phải kiên quyết, tập trung, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa đối với công tác giải thể HTX, thường xuyên bám sát, hướng dẫn cho các HTX làm thủ tục giải thể tự nguyện hoặc bắt buộc theo quy định.

UBND tỉnh Đắk Lắk đã kiến nghị Trung ương có phương án, hướng dẫn cụ thể để xử lý nợ đọng của HTX; đồng thời, nghiên cứu bố trí gói tín dụng dành riêng cho các HTX với lãi suất ưu đãi và miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT và tiền thuê đất cho các HTX.



Minh Thông (Báo Đắk Lắk)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem