dd/mm/yyyy

Bình Chánh dùng camera giám sát đổ rác thải

Quyết liệt giải quyết ô nhiễm môi trường và đưa huyện về đích nông thôn mới (NTM), huyện Bình Chánh (TP.HCM) đã triển khai đề án 4252 nâng cao chất lượng thực hiện công tác thu gom, xử lý chất thải, nước thải sinh hoạt và sản xuất, chất thải chăn nuôi và cung cấp nước sạch trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020, trong đó lắp đặt camera để giám sát đổ rác thải…

Theo đó, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương tiến hành lắp đặt hơn 1.000 camera quan sát về an ninh trật tự, kết hợp theo dõi các trường hợp đổ rác thải không đúng quy định, nhất là trên các tuyến đường thường xuyên phát sinh rác tự phát.

Các đoàn thể xã Vĩnh Lộc A (Bình Chánh, TP.HCM) ra quân tổng vệ sinh môi trường trên địa bàn.
Các đoàn thể xã Vĩnh Lộc A (Bình Chánh, TP.HCM) ra quân tổng vệ sinh môi trường trên địa bàn.

Kết quả, đã phát hiện và xử lý hàng chục trường hợp đổ rác thải không đúng nơi quy định, trong đó, có 43 trường hợp tại xã Vĩnh Lộc A.

Dọn dẹp hai điểm “nóng” về rác thải

Hiện, trên địa bàn huyện Bình Chánh còn 2 xã chưa hoàn thành tiêu chí số 17 (môi trường) là xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B. Chính điều này mà những năm qua, dù đã cố gắng nhiều nhưng Bình Chánh vẫn chưa về đích NTM.

Bên cạnh việc lắp đặt camera giám sát đổ rác thải, đầu năm 2018, 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B đã khẩn trương xây dựng kế hoạch cũng như triển khai các giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm trên địa bàn để nhanh chóng hoàn thành tiêu chí số 17.

Theo UBND xã Vĩnh Lộc A, hiện trên địa bàn xã có hơn 20 cơ sở sản xuất, hơn 300 hộ chăn nuôi gây ô nhiễm và đang xuất hiện nhiều bãi rác tự phát. Xã Vĩnh Lộc B có 12 cơ sở sản xuất ô nhiễm môi trường, 53 hộ chăn nuôi nằm xen trong khu dân cư… Thời gian qua, UBND xã đã kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt nhiều cơ sở vi phạm hành chính.

Ông Võ Văn Tâm (xã Vĩnh Lộc A) cho biết, môi trường ô nhiễm là do ý thức của nhiều người chưa tốt. “Hàng ngày, họ xả rác bừa bãi nơi công cộng, thậm chí còn quăng rác xuống kênh. Từ khi xã tăng cường kiểm soát xả thải, tôi thấy tình hình ô nhiễm có cải thiện”- ông Tâm nói.

Trong khi đó, theo UBND xã Vĩnh Lộc B, xã đã tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B Võ Trường Thành cho biết, các tuyến kênh, rạch của xã là nơi “hứng” nước thải từ khu công nghiệp Vĩnh Lộc và các xã lân cận, trong đó có xã Vĩnh Lộc A.

“Chiếc phao 4252”…

Theo ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, do địa bàn rộng, tốc độ tăng dân số khá nhanh, chủ yếu là dân nhập cư từ các địa phương khác đến sinh sống và lao động, cùng với sự phát triển kinh tế đa dạng, nhiều thành phần, loại hình, ngành nghề,... đã đặt ra cho huyện nhiều thách thức về an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là ô nhiễm môi trường.

“Để xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn, cũng như đưa huyện Bình Chánh về đích NTM, hơn 1 năm qua, chúng tôi đã triển khai Đề án 4252. Hy vọng sau năm 2020, tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn sẽ được hạn chế đáng kể” - ông Hồng chia sẻ.

Nhận định sau hơn 1 năm triển khai Đề án 4252, ông Hồng cho rằng, về cơ bản, tình hình cảnh quan môi trường trên địa bàn huyện Bình Chánh đã có sự chuyển biến tích cực, hạn chế tình trạng rác tồn đọng trên các tuyến đường, cỏ rác dày đặc trên kênh, rạch và hoạt động kinh doanh, tái chế phế liệu cũng đã được tập trung xử lý, chấn chỉnh.

Phó Chủ tịch HĐND huyện Bình Chánh Thái Thành Tâm cho rằng, tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa huyện từ khi triển khai Đề án 4252 đã cải thiện đáng kể, tuy nhiên, tốc độ cải thiện môi trường vẫn còn chậm.

Trần Đáng