dd/mm/yyyy

Bí quyết “vàng” nuôi cá lồng thu tiền tỉ

Sau 5 năm "giải nghệ" nghề xây dựng, theo đuổi đam mê làm giàu từ mô hình nuôi cá lồng cũng là quãng thời gian anh Phạm Khang Mừng (đội 1, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) nếm trải nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Năm nào “giời thương”, anh lãi cả tỷ bạc, còn không may dính “vận đen” anh có thể “khuynh gia bại sản”… Tuy nhiên, quãng thời gian “nổi – chìm” ấy chấm dứt, thành công thực sự đến khi anh tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá lồng do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thực hiện.

Các loại cá đặc sản có trọng lượng trên 2kg, anh Mừng phải nuôi 2 năm mới thu hoạch.
Các loại cá đặc sản có trọng lượng trên 2kg, anh Mừng phải nuôi 2 năm mới thu hoạch.

Từng “khuynh gia bại sản” vì… cá lồng

Đang yên ổn phát triển sự nghiệp trong ngành xây dựng, đầu năm 2014 anh Mừng đưa ra quyết định giải nghệ để chuyển hướng sang làm nông nghiệp. Anh chọn cách nuôi cá trong những chiếc lồng thả nổi trên hồ Hồng Kếnh, xã Thanh Hưng. “Ngày đó nói đến nuôi cá trong lồng là khái niệm mới mẻ với người dân Điện Biên. Bởi ở đây họ quen nuôi cá kiểu thả bung truyền thống trong các ao hồ. Tuy nhiên vì đam mê và bản thân đã được đi thăm quan nhiều nơi, tìm hiểu khá kỹ về mô hình này nên tôi rất tự tin và hạ quyết tâm làm bằng được” - anh Mừng nhớ lại cơ duyên đến với nghề.

Nghĩ là làm, vợ chồng anh Mừng dồn hết vốn liếng sau nhiều năm tích góp cộng với vốn vay ngân hàng được hơn 4 tỉ đồng. Ngoài đầu tư tiền thuê mặt nước hàng năm, anh Mừng hạch toán chi hơn 1 tỉ đồng làm hệ thống 40 lồng lưới, khung gỗ kẽm, phao phi kiên cố, dàn máy sục khí, hạ tầng,… Còn lại anh đầu tư hơn 3 tỉ đồng vào nhập giống và thức ăn từ dưới xuôi lên.

Với diện tích mặt hồ Hồng Kếnh rộng 22ha, anh Mừng đặt 40 lồng nổi nuôi trong đó các loại cá bình dân và đặc sản, doanh thu mỗi năm đạt trên 2 tỉ đồng.
Với diện tích mặt hồ Hồng Kếnh rộng 22ha, anh Mừng đặt 40 lồng nổi nuôi trong đó các loại cá bình dân và đặc sản, doanh thu mỗi năm đạt trên 2 tỉ đồng.
Các loại cá đặc sản có trọng lượng trên 2kg, anh Mừng phải nuôi 2 năm mới thu hoạch.
Các loại cá đặc sản có trọng lượng trên 2kg, anh Mừng phải nuôi 2 năm mới thu hoạch.

“Nghe người ta nói và quan sát cách người ta làm, tôi cứ nghĩ nuôi cá lồng đơn giản lắm. Ai ngờ cái tư duy và sự bồng bột ấy lại làm tôi thất bại đau đớn ngay từ năm đầu tiên. Hơn 20 tấn cá nuôi được 6 tháng tuổi gồm những loại: Rô phi, cá trắm, cá chép… chỉ sau một ngày bỗng dưng chết nổi trắng” - anh Mừng chua xót nhớ lại. Cá chết hàng loạt, vốn liếng mất sạch, anh Mừng đặt ra nhiều giả thiết nhưng mãi về sau này anh mới biết nguyên nhân là do sự chủ quan, thiếu kinh nghiệm. Lúc thời tiết chuyển mùa anh không chú ý cung cấp đầy đủ lượng ô xi khiến đàn cá bị ngạt khí, chết hàng loạt. Ngoài ra, việc lựa chọn thức ăn khi đó cũng chưa chuẩn nên lượng đạm cung cấp không đủ, sức đề kháng cá kém khi thời tiết chuyển mùa…

Hết “vận đen”, thu tiền tỉ

Sau cú “ngã về không” anh Mừng tưởng chừng đã hết động lực để làm lại. Nhưng may mắn, anh có vợ luôn bên cạnh động viên, các tổ chức: Hội Nông dân, khuyến nông các cấp đến chia sẻ, động viên, hướng dẫn kịp thời, anh Mừng nhanh chóng lấy lại được tinh thần đứng lên làm tiếp.

Cùng thời điểm đó, Bộ NN&PTNT triển khai Dự án nuôi cá lồng trên các sông, hồ chứa, trong đó Điện Biên là một trong những tỉnh được thụ hưởng dự án. Bộ giao Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xây dựng các mô hình trình diễn và tổ chức các lớp tập huấn rộng rãi cho nông dân có nhu cầu tham gia và học hỏi kỹ thuật. Anh Mừng may nắm được khuyến nông xã mời tham gia lớp tập huấn để có thêm kiến thức khoa học và kỹ thuật về áp dụng vào mô hình nuôi cá lồng thực tế tại gia đình.

Sau khi được tập huấn cộng với mấy năm kinh nghiệm nuôi cá lồng, giờ đây anh Mừng tự tin hơn: “Tôi chỉ lo thiếu vốn để đầu tư lớn vào nuôi cá thôi chứ kỹ thuật và kinh nghiệm thì đã biết kha khá rồi, không đến nỗi bị thua lỗ mất trắng. Vì thế mà từ năm thứ 2 đến nay, mô hình nuôi cá lồng đều cho tôi doanh thu từ 2,3-2,5 tỉ đồng mỗi năm.

Để cá kháng bệnh tốt, anh Mừng trộn tỏi xay vào thức ăn và mua thêm cá bột bổ sung lượng đạm thường xuyên.
Để cá kháng bệnh tốt, anh Mừng trộn tỏi xay vào thức ăn và mua thêm cá bột bổ sung lượng đạm thường xuyên.

Hiện nay, ngoài nuôi các loại cá được thị trường Điện Biên ưa chuộng, anh Mừng còn nuôi thêm các loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao, như: Cá nheo, cá lăng, diêu hồng, trắm đen, dầm xanh, anh vũ… Anh Mừng chia sẻ: “Nuôi cá trong lồng có lợi thế dễ kiểm soát dịch bệnh, dễ thu hoạch, thời gian nuôi ngắn. Trên cùng diện tích, nhưng nuôi lồng có thể thả được mật độ cá cao gấp 15-20 lần so với nuôi cá bung ao và đương nhiên năng suất vì thế cũng sẽ cao hơn. Còn kinh nghiệm để nuôi cá lồng tốt, trước tiên phải kiểm tra, kiểm soát được nguồn thức ăn đảm bảo cá khỏe mạnh, kháng bệnh tốt.”

Ngoài áp dụng tốt kỹ thuật do cán bộ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hướng dẫn về mật độ nuôi, lựa chọn các loại thức ăn phù hợp, thời gian cho ăn và khẩu phẩn ăn phù hợp với từng loại cá, cách sử dụng chế phẩm sinh học “tắm” cho cá… anh Mừng còn có những “mẹo” riêng áp dụng cho đàn cá của gia đình để phù hợp với thời tiết, khí hậu trong hồ Hồng Khếnh.

“Thời điểm chuyển mùa, trung bình 1 tuần 2 lần tôi dùng củ tỏi tươi xay nhuyễn trộn đều với thức ăn cho cá để tăng sức đề kháng. Vào mùa đông, thời tiết lạnh, có sương mù, ít ánh nắng mặt trời thì tôi liên tục mở máy sục khí, máy bơm nước để cung cấp đầy đủ ô xi và tạo dòng chảy. Làm được như vậy cá nhanh lớn, khỏe mạnh.” anh Mừng bật mí.

Vinh Duy – Nam Hương