dd/mm/yyyy

Xây dựng Nông thôn mới ở Điện Biên: Nhiều khó khăn, thách thức

Là tỉnh tỉnh miền núi nhiều khó khăn nên chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) ở Điện Biên gặp không ít thách thức...

Điện Biên nỗ lực xây dựng Nông thôn mới

Điện Biên với đặc điểm tỉnh miền núi để đạt được các tiêu trí theo Quyết định 318/QĐ-TTg về bộ tiêu chí quốc gia xã nông thôn mới (NTM) và bộ tiêu chí quốc gia xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 – 2025 vô cùng khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ hơn nữa của các cấp, ngành và người dân.

Triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, khu vực nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh Điện Biên có những chuyển biến rõ nét trên hầu hết mọi lĩnh vực phát triển, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cải thiện đời sống của người dân. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 21 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 18,26% trên tổng số xã trên địa bàn tỉnh. Đối với kết quả thực hiện Đề án 29 xã biên giới, đến nay, đã có 6 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt 85,71% so với mục tiêu đề ra.

Xây dựng Nông thôn mới ở Điện Biên: Khó khăn chồng chất khó khăn   - Ảnh 1.

Kết quả thực hiện Đề án 29 xã biên giới, đến nay tỉnh Điện Biên đã có 6 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt 85,71% so với mục tiêu đề ra. Ảnh: Vinh Duy

Tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2022, có thêm 8 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM; đến hết năm 2025 có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM (trong đó, có 10% số xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu). Mục tiêu đề ra để các cấp, ngành, địa phương triển khai các giải pháp thực hiện có hiệu quả.

Tuy nhiên, với tỉnh Điện Biên điều kiện còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao việc đạt được mục tiêu đề ra càng khó khăn hơn nhiều lần khi áp dụng bộ tiêu chí mới (hiện nay tỉnh ta đang nghiên cứu, ban hành bộ tiêu chí riêng, phù hợp với điều kiện đặc thù, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, nhưng điều kiện mức đạt chuẩn không thấp hơn so với quy định của trung ương).

Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn này có 19 tiêu chí, với mỗi tiêu chí, quyết định quy định cụ thể chỉ tiêu chung cũng như chỉ tiêu theo từng vùng.

Thu nhập vốn đã là tiêu chí khó đối với tỉnh Điện Biên, nay áp dụng mức đạt chuẩn mới sẽ khiến địa xã gặp khó khăn. Bởi các xã có điều kiện thuận lợi hơn đến nay đã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM; còn càng về sau càng khó do những xã xây dựng sau đa phần có xuất phát điểm thấp. Tính đến năm 2021, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tỉnh đạt khoảng 20,5 triệu đồng/người/năm; toàn tỉnh mới chỉ có 24/115 xã đạt tiêu chí về thu nhập (đạt 20,87%).

Xây dựng Nông thôn mới ở Điện Biên: Khó khăn chồng chất khó khăn   - Ảnh 3.

Nhiều tuyến đường liên thôn bản được bê tông hóa. Ảnh: Vinh Duy

Pá Mỳ là một trong những xã khó khăn nhất huyện Mường Nhé, tỷ lệ hộ nghèo trên 81%. Ông Giàng A Trừ, Bí thư Đảng ủy xã Pá Mỳ cho biết: Đây là xã vùng cao, địa hình đồi núi dốc, thiếu đất sản xuất, toàn xã có trên 635ha đất sản xuất nông nghiệp, nhưng trong đó diện tích gieo cấy lúa nước chỉ có 30ha; trình độ dân trí không đồng đều, kỹ thuật canh tác lạc hậu, do đó đời sống người dân xã Pá Mỳ còn gặp nhiều khó khăn; phần lớn các bản của xã đều trong tình trạng "3 không" không đường giao thông liên bản, không sóng điện thoại và không nước sạch.

Những khó khăn trên đã ảnh hưởng tới việc đưa khoa học vào sản xuất, khiến kinh tế của xã chậm phát triển. Vì vậy, thu nhập bình quân mỗi người chỉ hơn 12 triệu đồng//năm. Vì vậy, áp dụng bộ tiêu chí NTM giai đoạn này, xã sẽ rất khó đạt được tiêu chí này. Điều này thực sự đang là bài toán chưa tìm được lời giải đối với chính quyền xã Pá Mỳ.

Không riêng gì Pá Mỳ và cũng không riêng tiêu chí thu nhập, mà khi áp dụng bộ tiêu chí này nhiều xã trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn chồng chất do một số tiêu chí khác có mức độ khó hơn, như: Tỷ lệ hộ nghèo; giao thông thông thôn; nhà ở dân cư…

Xây dựng Nông thôn mới ở Điện Biên: Khó khăn chồng chất khó khăn   - Ảnh 4.

Người dân xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) tăng gia sản xuất từ việc bán măng khô. Ảnh: Vinh Duy

Càng khó khăn hơn khi xây dựng Nông thôn mới nâng cao

Nếu như bộ tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn này đã khó khăn thì các quy định tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu lại càng khó khăn gấp nhiều lần.

Theo đó, xã NTM nâng cao là xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025; thu nhập từ 47 triệu đồng/người (năm 2022) và 59 triệu đồng (năm 2025) trở lên đối với vùng Trung du miền núi phía Bắc, trong đó có Điện Biên.

Trong khi đó, quy định xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 phải là xã đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; thu nhập bình quân đầu người của xã tại thời điểm xét, công nhận xã NTM kiểu mẫu phải cao hơn từ 10% trở lên so với mức thu nhập bình quân đầu người áp dụng theo quy định đối với xã NTM nâng cao tại cùng thời điểm; có ít nhất một mô hình thôn thông minh, do UBND cấp tỉnh quy định cụ thể...

Trong khi, trên địa bàn tỉnh Điện Biên hiện nay duy nhất xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) phấn đấu xây dựng NTM nâng cao. Tuy nhiên, với việc áp dụng bộ tiêu chí mới, xã Thanh Hưng sẽ gặp nhiều khó khăn. Đến nay, xã Thanh Hưng mới đạt 13/16 tiêu chí (theo Bộ tiêu chí "Xã đạt chuẩn NTM nâng cao" tỉnh Điện Biên). Các tiêu chí chưa đạt gồm: Giao thông (đạt 2/4 chỉ tiêu); thủy lợi (đạt 2/3 chỉ tiêu); tiêu chí cảnh quan môi trường (đạt 2/5 chỉ tiêu).

Xây dựng Nông thôn mới ở Điện Biên: Khó khăn chồng chất khó khăn   - Ảnh 5.

Mô hình trồng rau, củ quả trong nhà lưới ứng dụng công nghệ cao tại xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Ảnh: Vinh Duy

Điển hình, tại tiêu chí giao thông theo quy định mới nêu rõ, tỷ lệ đường thôn, bản, ấp và đường liên thôn, bản, ấp 100% được cứng hóa và bảo trì hàng năm. Tuy nhiên, thực tế trên địa bàn xã Thanh Hưng, hiện nay một số tuyến đường trục xã không có kinh phí duy tu bảo dưỡng đã bị bong tróc, xuống cấp cần sửa chữa, nâng cấp; nhiều tuyến đường chưa đảm bảo sáng, xanh, sạch, đẹp; chưa có hệ thống thoát nước hai bên, chưa có đèn chiếu sáng. Tương tự, theo quy định mới 100% chất thải rắn nguy hại trên địa bàn được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Điều này rất khó thực hiện, nhất là đối với người dân tại các thôn, bản vùng cao trên địa bàn xã.

Vinh Duy