dd/mm/yyyy

Vì sao không nên thường xuyên ăn trứng gà ngải cứu?

"Tôi mới sinh con đầu lòng, ngày nào mẹ tôi cũng ép ăn trứng gà ngải cứu, vì cho rằng rất tốt cho sức khỏe bà mẹ sau sinh. Tôi đã ăn liên tục như vậy 2 tháng". Triệu Thị Vang (Ba Bể - Bắc Kạn).

Trứng gà ngải cứu vừa là món ăn ngon, vừa là bài thuốc bổ dưỡng nâng cao sức khỏe. Cây ngải cứu (còn gọi là ngải diệp) thuộc họ cúc. Xưa kia ngải cứu thường mọc hoang, nhưng nay đã được trồng phổ biến ở nhiều nơi vì công dụng y học của nó. Theo y học cổ truyền, ngải cứu có vị đắng, cay, tính hơi ấm, có tác dụng điều hòa khí huyết, trừ hàn thấp, an thai, cầm máu...

Bên cạnh đó nó còn có tác dụng bồi dưỡng cơ thể, trị bệnh nội thương ngoại cảm, trị bệnh giun, chữa đau bụng, kinh nguyệt không đều, còn được dùng để băng bó sai khớp... Tinh dầu ngải cứu có tác dụng kháng khuẩn. Vì vậy, ngải cứu vừa là loại cây thuốc chữa bệnh, vừa có thể chế biến những món ăn ngon và bổ.

Đối với trứng, có thể dùng 1 - 2 quả /ngày, xào ngải cứu ăn lúc còn nóng. Tuy nhiên nếu ăn nhiều trứng quá cũng không tốt, càng không nên ăn ngày này qua ngày khác.

Trứng gà vị mặn tính lạnh, làm yên 5 tạng, bổ khí huyết, mát cổ họng, an thai, trị ho hen, kiết lỵ, động thai, bổ dưỡng làm sinh đẻ dễ dàng. Lòng đỏ trứng gà có vị ngọt, tính ấm đi vào 3 kinh: tâm, tì, vị, có tác dụng dưỡng âm, minh tâm, vỗ tỳ vị, trị mất ngủ do âm hư,...

Mặc dù là món ăn bổ dưỡng nhưng không phải ai ăn cũng có tác dụng bồi bổ sức khỏe ví dụ như những người bệnh sỏi thận, xơ vữa động mạch vành... nên hạn chế ăn trứng.

Những người ốm dậy thể trạng còn yếu, người già, phụ nữ sau sinh nếu không có bệnh như nói trên thì nên ăn trứng gà ngải cứu cách ngày một quả trứng là tốt nhất. Bên cạnh đó phải ăn thêm các loại thực phẩm khác như cá, thịt, trái cây... sẽ tốt hơn cho sức khỏe. Tốt nhất nên ăn cách ngày hoặc 7 - 10 ngày là một liệu trình.

BS.Thu Hiền