dd/mm/yyyy

Trở thành tỉ phú nhờ “nghe được tiếng thở” của cây

Suốt hơn 40 năm gắn bó với xứ sở sương mù Đà Lạt, ông Nguyễn Thanh Trúc chưa lúc nào nguôi trăn trở, tìm tòi trước câu hỏi: Làm sao để làm giàu từ đất? Cuối cùng, ông cũng đã tìm ra giống cây đem lại lợi nhuận cao cho mình: Cây dâu tây.

Bạc tóc vì câu hỏi: trồng cây gì?

Tiếp đón chúng tôi ngay tại khu vườn vừa mua thêm để mở rộng canh tác nơi ngoại vi thành phố Đà Lạt, chủ vườn Nguyễn Thanh Trúc hồ hởi: “Bây giờ thì ổn định rồi, vượt qua những ngày tháng tìm tòi, học hỏi, lên bờ xuống ruộng! Nhớ lại những ngày đầu bắt tay làm vườn, bao nhiêu là thử thách, đến giờ, có thể an tâm trồng trọt”. Đất Đà Lạt là đất rau, đất cho tiền cho bạc, đất của những nông dân tiền tỉ, nhưng nói vậy không có nghĩa là trồng cây gì và vào chỗ nào cũng được. Cũng có người trắng tay vì đầu tư sai, không nắm được kỹ thuật, hoặc chạy theo phong trào.

Chủ vườn Nguyễn Thanh Trúc chăm sóc vườn dâu.
Chủ vườn Nguyễn Thanh Trúc chăm sóc vườn dâu.

Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2013, vợ chồng ông Trúc quyết định trồng thử 500m2 dâu tây để cải thiện kinh tế. Khi đó, Đà Lạt đã có nhiều nông dân trồng dâu tây thành công, hai phương pháp phổ biến là dùng đất và giá thể xơ dừa. Tuy nhiên, ông Trúc lại quyết định theo đuổi phương pháp trồng thủy canh cho sản phẩm sạch và năng suất cao hơn. Dẫu biết ai cũng ý thức được rằng, theo đuổi kỹ thuật canh tác mới là khó khăn, nhất là khi chưa có nhiều kinh nghiệm. Nhưng với chủ vườn này, ông phải có quyết tâm rất cao nên mới đổ dồn hết công sức và tiền bạc vào trang trại.

Bài học tâm đắc nhất mà ông Trúc rút ra được là: Muốn thành công với loài cây nào, phải “nghe được tiếng thở” của loài cây đó! Để có thể lắng nghe, thấu hiểu “tiếng thở của cây”, ông đã mất 6 tháng nghiên cứu tài liệu nước ngoài bằng cách tra cứu từ điển tiếng Anh trên mạng. Bây giờ, đi giữa vườn dâu, chủ nhân có thể bằng mắt bằng tai mà lắng nghe, hiểu được luống nào thiếu nước, luống nào đang cần tỉa lá, luống nào cần ánh sáng… để điều chỉnh cho phù hợp.

Sau 5 tháng, vườn dâu đột ngột đổ bệnh, rũ hết. Những gốc dâu đang xanh tươi mơn mởn bỗng nhiên quăn mép lá từ từ và rũ xuống. Xót cây xót của, ông Trúc chạy hết chỗ này sang chỗ khác hỏi han, nhờ người liên hệ mời cả các chuyên gia nước ngoài đang có mặt tại Đà Lạt đến tận vườn để “bắt bệnh” cho cây dâu. Các loại thuốc khác nhau pha chế theo nhiều công thức vẫn không cứu được vườn dâu. Lo lắng, buồn bã, nhiều đêm không chợp mắt nổi, đầu tóc chuyển sang bạc trắng mà ông Trúc vẫn không tìm ra cách cứu được vườn dâu! Có những đêm thức trắng, ông Trúc đi vòng quanh vườn, nhìn những máng dâu héo rũ mà lòng xót xa.

Sản phẩm dâu tây Tùng Nguyên đang được bán với giá từ 150.000 đến 250.000 đồng/kg.
Sản phẩm dâu tây Tùng Nguyên đang được bán với giá từ 150.000 đến 250.000 đồng/kg.

Nói về trải nghiệm đau đớn mà quý giá này, ông Trúc chia sẻ: “Ai cũng có thể thất bại, nhưng thành công nhất là sau thất bại đó, mình rút ra được bài học, coi như bỏ tiền ra

"Giống dâu từ New Dealand đòi hỏi kỹ thuật cao nên việc trồng theo phương pháp thủy canh tĩnh sẽ cho năng suất cao hơn. Nhưng phương pháp này vốn đầu tư cao hơn vì cần thêm giá đỡ”. Ông Nguyễn Thanh Trúc.

mua lấy kiến thức với một giá… rất đắt!”. Qua những ngày tháng mất ăn mất ngủ đó, chủ vườn dâu đã điều chế được công thức dinh dưỡng phù hợp cho giống dâu New Dealand khó tính. Những mảnh vườn lại xanh rờn, tốt tươi trở lại. Những quả dâu đỏ mọng trải khắp vườn mang hình dáng của giọt mồ hôi cứ lớn dần. Những mẻ hàng đầu tiên đến tay khách hàng gần xa, những vất vả đắng cay đã bỏ lại phía sau lưng, mùa quả ngọt bắt đầu.

Lắng nghe tiếng thở… của cây

Ông Trúc tâm sự: “Lúc thất bại gõ cửa, tôi băn khoăn dữ lắm. Mất hàng tỉ đồng rồi, không lẽ dừng lại, chịu thất bại hoàn toàn? Tôi lại quyết tâm làm lại, bằng tất cả khả năng vốn liếng còn lại. Rất may, mạng thông tin toàn cầu Internet đã là nơi có thể học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Chủ vườn dâu mày mò đọc thêm tài liệu, kết nối với nhiều chuyên gia nước ngoài để học hỏi.

Đất đai không phụ sức người, vụ thu hoạch thành công 500m2 đầu tiên của ông Trúc cho năng suất cao gấp đôi cách trồng thông thường. Ngoài ra, chất lượng dâu ngon, ngọt, thơm và đạt tiêu chuẩn an toàn cho người tiêu dùng nên bán được giá từ 180.000 đến 250.000 đồng/kg. Giữa năm 2013, ông Trúc mạnh dạn nhân rộng diện tích vùng trồng dâu tây lên 4.000m2, đầu năm nay, lại mua thêm vườn mới hơn 4.000m2 nữa. Cơ ngơi được mở mang rộng ra. Người hiểu được cây, cây trả nghĩa lại người. Sản phẩm làm ra không kịp bán cho khách.

Trồng dâu theo phương pháp thủy canh tĩnh cho năng suất cao hơn.
Trồng dâu theo phương pháp thủy canh tĩnh cho năng suất cao hơn.

Cũng theo ông Trúc, thị trường dâu tây không ổn định, lại bị hàng Trung Quốc chèn ép, trà trộn đánh tráo nên việc xây dựng thương hiệu là rất quan trọng, không gì khác là bảo đảm uy tín với khách hàng. Ông Trúc nói: “Một ngày, tôi ăn gần 1 kg dâu, để nghe mùi vị của sản phẩm mình làm ra. Nghe vị ngọt, vị chua vị béo đầu lưỡi để biết trái dâu đang thiếu chất gì, thừa chất gì, sau đó điều chỉnh dinh dưỡng cho phù hợp!”.

Hiện sản phẩm Dâu tây Tùng Nguyên của gia đình ông Nguyễn Thanh Trúc đã được khách hàng ở Sài Gòn, Hà Nội, Huế biết đến và tin cậy. Hơn 9.000m2 cho 25 tấn hàng mỗi năm, tính nhẩm trừ chi phí, lãi ròng 100.000 đồng/1kg. Nói chuyện với chúng tôi nhưng chủ vườn vẫn bao quát công việc trong vườn, hơn 10 công nhân thường xuyên làm việc với mức lương từ 150.000 đến 200.000/ngày công.

Tiếng là ông chủ nhưng suốt ngày ông Trúc lăn lộn ngoài vườn, để một mình vợ trông coi cửa hàng, đón khách. Bên cạnh việc phát triển thị trường ở các thành phố lớn, ông Trúc còn mở cửa cho khách du lịch đến tham quan miễn phí và mua dâu tây tại vườn để quảng bá sản phẩm.

Nguyễn Văn Thiện