dd/mm/yyyy

Tiềm năng xuất khẩu lớn từ con giống bản địa

“Trong thời gian tới, khả năng xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ cây, con giống bản địa có tiềm năng lớn. Việc của chúng ta là cần tập trung bảo tồn và phát triển các giống có nguy cơ mất. Bên cạnh đó cần có sự hỗ trợ kịp thời về liên kết chăn nuôi theo chuỗi để những sản phẩm này được sản xuất số lượng lớn, chất lượng cao”.

Ông Nguyễn Đức Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi

Đó là ý kiến chia sẻ thẳng thắn của ông Nguyễn Đức Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) với Trang Trại Việt.

Ông Nguyễn Đức Trọng cho biết: Việt Nam là một trong mười quốc gia có đa dạng sinh học về loài, cả thực vật và vật nuôi. Nhưng do trong một thời gian dài trước đây chúng ta chưa đánh giá hết vai trò vị trí của các giống bản địa, chưa có chính sách cụ thể để bảo vệ, gìn giữ và phát huy các giống bản địa. Điều đó làm cho các giống bản địa mai một dần.

Gần đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) rất quan tâm đến giống bản địa cho thu nhập cao vì mang tính đặc sản. Đấy là những giống chất lượng cao, không chỉ được người sử dụng trong nước thích dùng mà nhiều nước khác ở Đông Á, Đông Nam Á rất ưa chuộng. Những giống có giá trị kinh tế cao như thế đã được doanh nghiệp triển khai nuôi giữ, khai thác và phát triển rất tốt. Đây là nguồn gen quý dù năng suất chưa cao nhưng thịt ngon, sức kháng bệnh tốt.

Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã có những chính sách nào nhằm bảo tồn gen vật nuôi bản địa? Những chính sách đó đã thực sự hỗ trợ các hộ nuôi và tác động tích cực trong việc bảo vệ, duy trì và phát huy giá trị của các giống vật nuôi đặc sản bản địa ở nước ta hay chưa?

Hiện nay Bộ Khoa học & Công nghệ cùng với Bộ NN&PTNT phối hợp thực hiện chương trình “Bảo tồn quỹ gen vật nuôi quốc gia”. Chương trình này chưa phát huy hiệu quả tốt nhất do kinh phí quá thấp. Riêng Cục Chăn nuôi cũng đang chủ trì chương trình “Hỗ trợ nuôi giữ giống gốc vật nuôi”, các địa phương cũng đang phối hợp triển khai. Các chương trình này cơ bản đã làm khá tốt nhiệm vụ bảo tồn.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ đã ký bản ghi nhớ để phục tráng phát triển giống lợn Móng Cái và lợn ỉ, Công ty Dabaco sẽ triển khai thực hiện. Trong những năm qua đã có nhiều giống bản địa đưa vào để bảo tồn, hằng năm địa phương cũng phát hiện các giống mới.

Gà Đông Tảo là giống vật nuôi bản địa có giá tiền rất cao, từ 1,5 - 2 triệu đồng/con. Giống gà này đang được người tiêu dùng ưa chuộng.

Năm 2015 Bộ NN&PTNT đã ban hành Đề án tăng cường năng lực quản lý giống vật nuôi, trong đó nêu rõ mỗi tỉnh xác định 1-3 giống chủ lực có lợi thế vùng cho địa phương đó. Một số tỉnh đã triển khai tốt, ví dụ Quảng Ninh đưa ra chính sách mỗi vùng 1 sản phẩm như Móng Cái có lợn, Tiên Yên có gà, mỗi nơi có 1 sản phẩm khác nhau. Hay như ở Nha Trang phục tráng giống gà ri Ninh Hòa, sau khi được phục tráng, họ đề nghị đưa vào chương trình giống gốc để nhà nước hỗ trợ và giống này đã được đưa vào chương trình.

“Cục Chăn nuôi đang tăng cường phối hợp với các viện, trường trong công tác nghiên cứu, đẩy mạnh khai thác, phát triển các giống bản địa, đặc biệt là các giống gà vườn như gà Mía, gà Hồ, gà Đông Tảo, gà ri... Chúng ta phải đẩy mạnh công tác này để làm sao mỗi một vùng có một con giống đặc sản bản địa và có thể khai thác phát triển thành những thương hiệu riêng của từng địa phương”.
Ông Nguyễn Đức Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi.

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của địa phương trong công tác bảo vệ, duy trì và phát huy giá trị của các giống vật nuôi đặc sản bản địa? Những năm qua các địa phương đã làm tốt vai trò của mình chưa?

Trong công tác bảo tồn giống vật nuôi bản địa, địa phương phải tiên phong đi đầu bởi vì nguồn gen giống gốc là của họ nên họ phải chi ngân sách để giữ và có chính sách quản lý, phát triển giống gốc thành thương hiệu. Các địa phương cần chủ động trong công tác bảo tồn, có phương án khai thác thành hàng hóa thương hiệu. Muốn làm được việc này, địa phương cần mời nhà khoa học, đặt hàng các nhà khoa học lai tạo giống để phát huy được tính ưu việt của giống gốc, tạo ra một giống mới ưu việt hơn và có thể trở thành sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Gần đây có một số địa phương đã chú trọng công tác bảo tồn, phát triển các giống vật nuôi bản địa. Tuy nhiên còn nhiều địa phương gặp khó khăn, hạn chế như không có cơ sở nuôi giống, trung tâm giống để nuôi riêng, nên phải nuôi giữ trong dân, nếu không cẩn thận thì dẫn đến lai tạp và mất nguồn gen. Thứ hai, kinh phí bảo tồn gen rất thấp, có những giống chỉ được hỗ trợ 10-15 triệu trong một năm, với nguồn kinh phí eo hẹp thế này thì khó có thể làm tốt bảo tồn.

Nhiều ý kiến cho rằng ở Việt Nam có một điều lạ lùng là các doanh nghiệp chăn nuôi, làm giống rất thờ ơ với công tác bảo tồn, khai thác các giống vật nuôi bản địa, trong khi đây là tiềm năng lớn, quan điểm của ông thế nào?

Tôi đồng tình với quan điểm này, trước đây doanh nghiệp rất thờ ơ với giống vật nuôi bản địa. Tuy nhiên thời gian gần đây, họ đã vào cuộc rất mạnh mẽ nhằm khai thác các giống vật nuôi bản địa cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Có rất nhiều doanh nghiệp quan tâm đến con đặc sản, ở Quảng Ninh có Công ty Phúc Long, Hải Phòng có Công ty Lượng Huệ, Khánh Hòa có Phùng Dầu Sơn, Bình Định có Minh Dư, Bắc Ninh có Dabaco, hoặc một số các địa phương khác như Hưng Yên, Hà Giang, Hà Nam, Nghệ An, Hòa Bình, Hà Nội cũng đã có doanh nghiệp tiếp cận…

Đây là hướng đi đúng đắn bởi họ đã bắt đầu nhìn thấy tiềm năng từ con đặc sản. Và doanh nghiệp nào đi vào con đặc sản là thắng ngay, tạo ra vùng nuôi rất lớn, thậm chí có một số con nuôi đặc sản đã có thương hiệu và chỉ dẫn địa lý. Rất nhiều doanh nghiệp đã thành công.

Theo đánh giá của ông, trong thời gian tới khả năng xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ giống bản địa có tiềm năng không?

Rất tiềm năng, nhất là sản phẩm từ các giống gà bản địa. Có nhiều nước rất quan tâm đến sản phẩm bản địa của Việt Nam như Nhật, Hồng Kông, Singapore… Việc của chúng ta là cần tập trung bảo tồn các giống có nguy cơ mất, bên cạnh đó cần có sự hỗ trợ kịp thời về liên kết chăn nuôi theo chuỗi để những sản phẩm này được sản xuất số lượng lớn và phát triển tốt. Mỗi địa phương cần có cách nuôi dưỡng và bảo tồn cụ thể, phải xác định được tính lợi thế tính cạnh tranh của sản phẩm đó tại địa phương để đưa ra những chính sách phù hợp.

Xin cảm ơn ông!

Đình Thắng