dd/mm/yyyy

Thơm và thảo

Buổi sớm mùa xuân năm nào không nhớ rõ. Một buổi dã ngoại ghé nhà một người bạn của chồng ở ngoại thành Hà Nội. Xe máy qua cầu Chương Dương rồi đi nữa, đi nữa. Vùng cây nhãn hiện ra, biết nơi này đã gần Hưng Yên lắm rồi.

Nhưng nhãn mới ra hoa, phải bốn tháng nữa mới là mùa trái. Những luống rau của bà chủ trong lất phất mưa phùn xanh đến thắt lòng. Và gợi thèm.

Bà chủ giữ ở lại ăn cơm. Đương nhiên rồi. Không nhớ cơm có thịt gà hay giò chả kiểu trọng thị của người Bắc hay không. Nộm su hào, rau kinh giới, ớt đỏ, xà lách…, tất thảy đưa từ vườn ra giếng nước rồi từ giếng vào mâm. Ngon ngọt không thể tưởng. Không bữa su hào và xà lách nào ngon như hôm đó.


Một buổi tối ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Đường dài Hà Nội vào tới Cầu Treo qua Ngàn Phố thì trời đã tối sụp. Con lộ xuyên xã mới rải đất núi trước khi đổ đá dăm nên chỉ có xe trâu là lăn bánh được. Đến nhà bà chị họ trong cái lạnh thấu xương, dưới vòm trời đen như mực.

Đói mà không dám kêu. Chị và anh rể nhìn bộ dạng biết ngay cậu mợ đang rét quá. Đói nên rét dữ đây mà, lại phải chờ trong phòng khách không đủ ấm, sát bên cái bếp hở vách. Ông anh cầm đèn pin chạy đi mua gì đó, nghe thấy bà chị rang đậu phộng và cả mùi lá chanh mà lại có mùi tương bần.

Đủ lâu thì mâm cơm cũng được bưng lên. Chao ơi, thịt dê thui của cái quán trứ danh nào đó ở xứ dê núi Hương Sơn nổi tiếng. Còn thì đậu phộng, lá chanh và tương bần đều tự của nhà. Gì nữa? Khế và chuối xanh cũng trong mảnh vườn tối om ngoài kia. Ngon không thể tưởng. Không chỉ ngon vì quá đói mà ngon vì nguyên liệu trăm phần trăm sạch và hơn hết, là sự thanh sạch của một cuộc sống gói ghém, căn cơ và nhiều tình.

 

*

Thời bao cấp, nhà báo quá giang ghe thuyền của dân thương hồ để tác nghiệp là chuyện thường. Một lần, bước xuống chiếc ghe chở mía của đôi vợ chồng trung niên đi nhờ. Hồi ấy xã hội nghèo nhưng mà lành, người dân chưa cảnh giác những ai ngỏ ý đi nhờ, đã vậy còn được mời một bữa cơm và chủ nhà còn thanh minh “Có gì ăn nấy, đừng chê nghen”.

Sông nước dạt dào, chồng cầm tay lái và điều khiển cần máy đẩy bằng chân. Ngăn cách với vợ ở đằng mũi là những bó mía đặt nằm ngang trong lòng ghe, mía xếp lớp, cao thấy sợ. Nhà ghe đơn chiếc, cái bếp không đặt trong buồng lái mà phải để đằng mũi để vợ vừa nấu ăn vừa chống sào giúp chồng mỗi khi ghe gặp sự cố. Một tấm bạt sơ sài che cái bếp nấu bằng than đước, trời mát thì tháo bạt luôn cho hữu tình! Nước sông, lục bình man mác, kẻ quá giang thấy lòng thư thái lạ thường.

Bữa ăn đơn giản thật. Nữ chủ nhân bắc cái chảo lên bếp, đổ những miếng thịt ba chỉ cắt mỏng, hành tím nữa, xào cháy cạnh trong mùi nước mắm thơm lừng rồi đánh trứng vịt đổ vô. Một món ăn ngậy hương kỳ lạ. Tìm một bóng cây gie ra sông, ông chủ tấp vào, nghỉ tay nghỉ chân. Cả ba người chủ và khách ngồi xếp bằng trên sạp mũi. Bây giờ kẻ quá giang mới thấm cái câu tục ngữ “ăn thủng nồi trôi rế” là đây.

 

*

La liệt những kỷ niệm khó quên như vậy. Luôn gắn liền với bữa ăn trong khung cảnh nào đó. Vì sao? Vì miếng ăn là miếng trọng, khi được mời ăn trong vui mừng, hay trong đói rét, hoặc trong cơ nhỡ thì miếng ăn bao giờ cũng hằn trong ký ức con người dấu ấn bồi hồi. Và trong ấy nhất định sẽ là mùi hương, không phải mùi của thực phẩm đặc sắc, hay mùi của cách chế biến giỏi, hay mùi của thù tạc chuyện vãn, mà chính là mùi của thơm thảo. Cái thơm đi liền với sự thảo, vì vậy mà thơm thảo trong những trường hợp này tất yếu phải đi cùng với thương khó, cơ hàn và tận tụy nữa.

Đã lâu rồi những ngày thân ái ấy. Phải, những ngày hiếm hoi vì ai cũng nghèo nhưng sự thơm thảo thì lại phổ biến và đầy ắp.

Dạ Ngân