dd/mm/yyyy

Thịt lợn ngoại giá bèo vẫn ồ ạt nhập về, lối thoát nào cho người chăn nuôi?

Thịt lợn ngoại được nhập về với giá khá rẻ so với sản phẩm nuôi trong nước, trong đó một số phụ phẩm chỉ vào khoảng 20.000 đồng một kg càng khiến người chăn nuôi thêm khó khăn chồng chất.

Thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam có giá trung bình 27.000 đồng/kg. Ảnh minh họa

Thịt lợn nhập khẩu có giá 27.000 đồng/kg

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 3, cả nước đã nhập khẩu gần 7.800 tấn thịt lợn các loại, trị giá hơn 9,4 triệu USD. Con số này tăng gần 16% về lượng và 21% về trị giá so với cùng kỳ. Như vậy, tính bình quân mỗi kg thịt lợn khi nhập khẩu về Việt Nam có giá 1,2 USD, tức khoảng 27.000 đồng.

Trong đó, phụ phẩm sau giết mổ của lợn tươi được nhập về nhiều nhất với 5.400 tấn, trị giá 4,8 triệu USD, tương đương 0,88 USD mỗi kg (khoảng 20.000 đồng). Thịt lợn tươi gần 2.400 tấn với giá tương đương 42.500 đồng mỗi kg. Số lượng nhỏ còn lại là thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ, muối, ngâm nước muối, làm khô hoặc hun khói...

Năm 2016, Việt Nam nhập khẩu khoảng 44 triệu USD thịt lợn. Ảnh minh họa

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2016, lượng thịt lợn các loại được nhập khẩu về Việt Nam đạt 39.400 tấn, trị giá 44 triệu USD. Trong đó, chủ yếu là phụ phẩm sau giết mổ của lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh với giá bình quân 21.000 đồng; thịt lợn tươi giá khoảng 35.900 đồng một kg.

Giá mặt hàng thịt lợn nhập khẩu đang khá rẻ so với sản phẩm được nuôi trong nước. Cách đây khoảng 2 tháng, lần đầu tiên trong vòng 10 năm, giá thịt lợn hơi giảm mạnh xuống còn khoảng 25.000 đồng mỗi kg, tuy nhiên thịt được bán tại các chợ, siêu thị vẫn dao động trong khoảng 70.000-120.000 đồng.

Đây không phải là mặt hàng thực phẩm duy nhất của Việt Nam chịu sự cạnh tranh lớn với các quốc gia khác ở ngay thị trường trong nước. Trước đó, số liệu thống kê của cơ quan hải quan gần đây cũng cho thấy, giá mặt hàng thịt gà nhập khẩu cũng chỉ vào khoảng 20.000 đồng mỗi kg.

Không có chuyện nhập thịt lợn quá dễ dãi

Cũng theo cơ quan quản lý, từ đầu năm đến giữa tháng 3, cả nước nhập khẩu gần 41.000 tấn thịt các loại. Trong đó lớn nhất là thịt gà, chiếm tỷ trọng hơn một nửa tổng lượng thịt các loại nhập khẩu về Việt Nam, tiếp đến là thịt trâu bò.

Quy mô nuôi nhỏ lẻ và chi phí đầu vào cao, thịt lợn nội sẽ khó khăn với thịt ngoại nhập. Ảnh minh họa

"Về năng lực kiểm soát thịt nhập khẩu, hiện nay, Việt Nam có trao đổi sản phẩm hàng hóa với các nước theo các hiệp định thương mại đa phương và song phương nên việc xuất - nhập thịt là việc bình thường, không có chuyện quá dễ dãi. Các sản phẩm này đều được các cơ quan kiểm định, kiểm dịch, kiểm soát chất lượng."
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi

Tại các tỉnh như Hải Dương, Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội… hiện giá lợn hơi chỉ còn 22.000-25.000 đồng/kg, người chăn nuôi cầm chắc lỗ. Bộ NN&PTNT nhìn nhận, giá thịt lợn hơi trong nước trong tháng 3.2017 tiếp tục giảm so với tháng trước từ 2.000-3.000 đồng/kg. Nhiều ý kiến cho rằng, có tình trạng này là do thịt ngoại nhập khẩu giá rẻ tràn ngập thị trường. Tuy vậy, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) khẳng định, không phải như vậy.

Cụ thể, năm 2016, Việt Nam nhập khẩu gần 10.500 tấn thịt lợn. “Con số này so với tổng sản lượng thịt của Việt Nam là không đáng kể. Nước ta đã sản xuất một lượng thịt lợn rất lớn, chất lượng đảm bảo với giá cả cạnh tranh được”, ông Hoàng Thanh Vân nhận định. Về thịt gà, năm 2016, Việt Nam nhập khẩu hơn 121.000 tấn, chủ yếu từ Mỹ, Brazil và Hàn Quốc. So với tổng lượng thịt gà tiêu thụ trong nước, con số này cũng chỉ chiếm khoảng 8% và cũng chưa đủ tỷ lệ điều tiết giá thị trường.

Trong 2 tháng đầu năm 2017, lượng thịt nhập khẩu các loại tiếp tục có xu hướng giảm. Thịt lợn 2 tháng nhập chỉ đạt 1.667 tấn, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái, thịt gà nhập xấp xỉ 15.000 tấn, giảm hơn 30% so với cùng kỳ 2016, thịt bò nhập hơn 6.500 tấn, giảm hơn 25%...

“Nhập khẩu thịt trong 3 năm gần đây có xu hướng giảm. Trong khi đó, theo quy định của quốc tế, sản phẩm nhập khẩu của một nước chiếm 25% lượng tiêu dùng của nước nhập khẩu mới có tác động điều tiết thị trường”, ông Hoàng Thanh Vân nói.

Dù đã tăng cường kiểm soát nhập khẩu thịt, nhưng với giá nhập về như hiện nay, thịt lợn ngoại đang tạo áp lực rất lớn cho người chăn nuôi vốn đang rất khó khăn.

Bình Châu