dd/mm/yyyy

Thị trường bốc hơi nhanh, giá lợn hơi tiếp tục 'lao dốc'

Hầu hết các tỉnh phía Bắc có giá lợn hơi giảm đồng loạt 1 giá, mức giá 60.000 đồng/kg, lợn đẹp ghi nhận giá bán cao nhất giá 61.000 đồng/kg. Các tỉnh phía Nam biến động nhẹ, giảm ở ít tỉnh: Bình Thuận, An Giang về giá 58.000 đồng/kg. Thị trường nửa cuối tháng 8 dự kiến sẽ còn giảm nhẹ, khó đảo chiều.

Giá lợn hơi hôm nay 15/8, giảm sâu nhất 2.000 đồng/kg

Giá lợn hơi hôm nay 15/08/2023, thị trường bốc hơi nhanh. Hầu hết các tỉnh phía Bắc có giá lợn hơi giảm đồng loạt 1 giá, mức giá 60.000 đồng/kg, lợn đẹp ghi nhận giá bán cao nhất giá 61.000 đồng/kg. Các tỉnh phía Nam biến động nhẹ, giảm ở ít tỉnh: Bình Thuận, An Giang về giá 58.000 đồng/kg. Thị trường nửa cuối tháng 8 dự kiến sẽ còn giảm nhẹ, khó đảo chiều.

Ngày 15/8, giá lợn của Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam đứng ở mức 62.500 đồng/kg (giảm 1.500 đồng/kg so với cách đây 1 tuần, khu vực miền Bắc); 59.500 đồng/kg (giảm 2.000 đồng/kg, khu vực miền Trung, miền Đông, miền Tây). Giá lợn Trung Quốc hôm nay đứng ở mức 55.600 đồng/kg, cũng giảm gần 2 giá so với cách đây 1 tuần.

Giá thịt lợn tại Trung Quốc từ đầu năm 2023 đến nay có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2022 nên một số nhà sản xuất bắt đầu giảm đàn trong quý II/2023 và tăng khối lượng giết mổ. Giá thịt lợn từ đầu năm 2023 đến nay tại Trung Quốc dao động quanh mức 15 NDT/kg (tương đương 2,1 USD/kg), thấp hơn nhiều so với chi phí sản xuất trung bình là 18 NDT/kg. Trong tháng 7/2023, giá lợn hơi tại Trung Quốc vẫn dao động ở mức thấp, trung bình đạt 14,23-14,4 NDT/kg. Giá lợn hơi Trung Quốc đang tiến gần đến mức giá ở châu Âu, đây là điều chưa từng xảy ra. Trong khi đó, Hoa Kỳ và Brazil đang trở thành các nguồn cung cấp thịt lợn cạnh tranh hơn so với EU về giá cả.

Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc sẽ bắt đầu đợt thu mua và dự trữ thịt lợn vào kho dự trữ trung ương đợt thứ hai, đồng thời hướng dẫn các địa phương thu mua và lưu trữ. Đây là một biện pháp quan trọng nhằm đẩy giá lợn hơi về mức hợp lý. Việc thu mua và lưu trữ này rất nhỏ so với nguồn cung trên thị trường và sẽ không làm thay đổi cơ cấu cung và cầu tổng thể. Hiện nguồn cung lợn hơi của Trung Quốc vẫn ở mức cao. Ngoài ra, tháng 7 và tháng 8 là mùa thấp điểm tiêu thụ thịt lợn tại Trung Quốc nên giá lợn hơi khó có thể đảo chiều trong thời gian ngắn.

Theo USDA, Trung Quốc dự kiến sẽ sản xuất 56 triệu tấn thịt lợn trong năm 2023, tăng 1,1% so với năm 2022; Khối lượng nhập khẩu ước tính tăng 8,2%, đạt 2,3 triệu tấn. 

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, sản lượng thịt lợn của Trung Quốc trong quý II/2023 đạt 14,4 triệu tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022, mức cao nhất quý II trong 10 năm qua. Thông thường, quý II là khoảng thời gian có sản lượng thịt lợn của Trung Quốc thấp nhất, do hoạt động giết mổ gia tăng trong dịp Tết Nguyên đán, nhưng năm nay, nguồn cung dồi dào, đàn lợn tăng hơn năm trước, ngay cả khi nhu cầu giảm do tăng trưởng kinh tế chậm lại. 

Trong 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng thịt lợn của Trung Quốc đạt 30,3 triệu tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2022; Lượng lợn giết mổ đạt 375,48 triệu con, tăng 2,6%; Trong khi đàn lợn trong quý II/2023 cũng tăng lên 435,17 triệu con, tăng từ mức 430,94 triệu con trong quý I/2023. Các nhà sản xuất lớn cho biết sẽ giảm sản lượng trong nửa cuối năm 2023.

Thị trường bốc hơi nhanh, giá lợn hơi tiếp tục 'lao dốc' - Ảnh 1.

Thị trường bốc hơi nhanh, giá lợn hơi tiếp tục 'lao dốc'

Thị trường bốc hơi nhanh, giá lợn hơi tiếp tục 'lao dốc' - Ảnh 2.

Thị trường bốc hơi nhanh, giá lợn hơi tiếp tục 'lao dốc'

Trong tháng 7/2023, giá lợn hơi trên cả nước ta đã biến động mạnh, sau khi chạm đỉnh cao nhất kể từ đầu năm đến nay ở mức 67.000 đồng/kg (từ ngày 5- 13/7/2023), giá có xu hướng giảm trong 2 tuần gần đây.

Trước tình trạng biến động giá lợn trong thời gian qua, ngày 14/8, Sở Công Thương, Sở NN-PTNT TP.HCM và Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) đã thống nhất thỏa thuận hợp tác xây dựng sàn giao dịch thịt lợn và hàng hóa nông sản nhằm giảm chi phí trung gian, góp phần ổn định nguồn cung ứng mặt hàng thịt lợn và giá cả hợp lý cho người tiêu dùng, hướng tới mục tiêu xuất khẩu.

Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết: Sàn giao dịch thịt lợn hình thành sẽ giúp quản lý nguồn cung lợn tốt hơn, chuẩn hóa được chất lượng sản phẩm đầu vào. Muốn kinh doanh thịt lợn trên sàn bắt buộc phải truy xuất nguồn gốc, giết mổ công nghiệp; các địa phương phải tính toán, đầu tư các cơ sở giết mổ công nghiệp để lượng thịt lợn đảm bảo an toàn thực phẩm tốt hơn khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Được biết, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong quý II/2023, Việt Nam xuất khẩu được 4,54 nghìn tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 23,84 triệu USD, giảm 22,7% về lượng và giảm 15,9% về trị giá so với quý I/2023; So với quý II/2022 giảm 12,1% về lượng, nhưng tăng 16% về trị giá. 

Thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang các nước thuộc khu vực châu Á, trong đó xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông là nhiều nhất, chiếm 45,35% về lượng và chiếm 52,69% về trị giá trong tổng xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt của cả nước, với 2,06 nghìn tấn, trị giá 12,56 triệu USD, giảm 19,8% về lượng và giảm 24,4% về trị giá so với quý I/2023; Tuy nhiên so với quý II/2022 lại tăng 2,1% về lượng và tăng 32,4% về trị giá.

Trong quý II/2023, các chủng loại thịt và các sản phẩm từ thịt xuất khẩu chủ yếu gồm: Thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (chủ yếu là thịt lợn sữa nguyên con đông lạnh và thịt lợn nguyên con đông lạnh) được xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông; Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (chủ yếu là chân gà đông lạnh) được xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc; Thịt khác và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (chủ yếu là thịt ếch đông lạnh) được xuất khẩu chủ yếu sang Bỉ, Pháp, Hoa Kỳ…). Đáng chú ý, trừ thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm, xuất khẩu các chủng loại thịt và các sản phẩm từ thịt trên đều sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022. 

Việt Nam hiện có 67 nhà máy chế biến thịt quy mô công nghiệp, sản phẩm giá trị gia tăng cao (đồ hộp, hun khói, xúc xích…), chế biến phụ phẩm sau giết mổ (nước xương, thức ăn chăn nuôi) đã được đầu tư. Tuy nhiên, quy mô chế biến thịt lợn của nước ta mới chỉ ở mức 1,3 triệu tấn/năm, chiếm 20-22% sản lượng lợn thịt xuất chuồng. Muốn mở rộng thị trường xuất khẩu thịt, cần phải phát triển mạnh các nhà máy chế biến, với sản phẩm phải đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế. 

Thời gian qua Việt Nam đã có nhiều hoạt động đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt. Trong đó, sản phẩm gia cầm, đặc biệt là các sản phẩm gia cầm chế biến chín đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Nga, Hồng Kông và một số thị trường thuộc Liên minh châu Âu. Hiện nay phía Hàn Quốc đang tiến hành đánh giá và dự kiến trong thời gian tới Việt Nam có thể xuất khẩu thịt gia cầm sang Hàn Quốc.


Nguyễn Phương