dd/mm/yyyy

Thanh Hóa có tiềm năng, lợi thế phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp

Ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa là trưởng đoàn công tác của UBND tỉnh này đã đến thăm, làm việc với Ban Quản lý Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc (thuộc Bộ Khoa học và Công Nghệ).

Từ mô hình hiện đại, thông minh

Chiều ngày 25/10, ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa là trưởng đoàn công tác của UBND tỉnh này đã đến thăm, làm việc với Ban Quản lý Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc (thuộc Bộ Khoa học và Công Nghệ).

Tiếp, đón đoàn có Thứ trưởng Thường trực Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, ông Lưu Hoàng Long - Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cùng một số doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh tại đây.

Theo đó, làm việc với Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang nghe giới thiệu một số nội dung trong quá trình xây dựng và phát triển khu CNC; một số kinh nghiệm phát triển và thu hút đầu tư phát triển khu CNC. 

Thanh Hóa có tiềm năng, lợi thế phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang (áo trắng, giữa) thăm Khu CNC Hòa Lạc (tại Hà Nội).

Lãnh đạo Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc cho hay, đến nay, Ban Quản lý đã thu hút được 100 dự án đầu tư (riêng năm 2021, thu hút được 6 Dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 5590 tỷ đồng), trong đó có 86 dự án trong nước (chiếm tỷ lệ 86%) và 14 dự án đầu tư nước ngoài (chiếm tỷ lệ 14%) với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 94.760 tỷ đồng trên tổng diện tích khoảng 376 ha. 

Đặc biệt tại Khu CNC Hòa Lạc đã có sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp, Tập đoàn lớn của Việt Nam với các cơ sở đào tạo, sản xuất, nghiên cứu như: Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel (5 dự án, vốn đầu tư đăng ký 3.700 tỷ đồng); Tập đoàn Vingroup (3 dự án, vốn đầu tư đăng ký 9.020 tỷ đồng); Tập đoàn FPT (4 dự án, vốn đầu tư đăng ký 5.430 tỷ đồng); Tập đoàn VNPT (2 dự án, vốn đầu tư đăng ký 3.765 tỷ đồng),… 

Thanh Hóa có tiềm năng, lợi thế phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp - Ảnh 2.

Đến nay, Khu CNC Hòa Lạc thu hút được 100 dự án đầu tư.

Ngoài ra còn là dự án hỗ trợ của Chính phủ, doanh nghiệp các nước: Dự án Viện KH&CN Việt Nam – Hàn Quốc - V-KIST (35 triệu USD vốn vay không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc); Dự án Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (hỗ trợ của Tập đoàn SK, Hàn Quốc); Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam và Dự án Đại học Việt Nhật (hỗ trợ vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản); Dự án Đại học Việt - Pháp (hỗ trợ vốn vay ODA của Ngân hàng ADB và Chính phủ Pháp).

Lắng nghe kinh nghiệm

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang cũng khái quát tình hình phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và tiềm năng thế mạnh của tỉnh Thanh Hóa. Để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, Thanh Hóa xác định phát triển công nghiệp nặng, nông nghiệp là nền tảng; công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá; du lịch là mũi nhọn; tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng và 6 hành lang kinh tế. Thanh Hóa cũng ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, vật liệu mới; phát triển sản xuất, chế biến nông lâm và thủy sản.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đã thông tin về tình hình phát triển và kế hoạch xây dựng đề án khu CNC tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa cũng đã hình thành Khu CNC Lam Sơn – Sao Vàng để thu hút đầu tư phát triển CNC vào khu vực phía Tây của tỉnh. 

Thanh Hóa có tiềm năng, lợi thế phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp - Ảnh 3.

Lãnh đạo Khu CNC giới thiệu với PCT UBND tỉnh Thanh Hóa.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang mong muốn được Ban quản lý Khu CNC Hoà Lạc và các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm về phát triển cơ sở hạ tầng, chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư đến với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong các chính sách thực hiện kêu gọi đầu tư, giúp cho các nhà đầu tư thuận lợi hơn trong việc tiếp cận chính sách đầu tư và hướng dẫn lộ trình để nhà đầu tư dễ dàng thực hiện các thủ tục khi muốn đầu tư vào các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh này.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Thường trực Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh: Để hướng tới xây dựng Khu CNC, tỉnh Thanh Hóa phải nghiên cứu rõ, định hướng rõ chiến lược đầu tư và trọng điểm đầu tư để làm cơ sở hình thành các ngành công nghiệp, sản phẩm mũi nhọn, chủ lực, có sức lan tỏa. Cần chuẩn bị những yếu tố quan trọng về nguồn nhân lực, vốn đầu tư và cơ chế chính sách của một khu CNC. Có định hướng cụ thể trong triển khai thực hiện, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực phù hợp; thu hút nguồn lực thực hiện chuyển đổi số. Ngoài ra, phải chọn những lĩnh vực đầu tư có lợi thế, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và các điều kiện tự nhiên, xã hội của địa phương… Thanh Hóa có tiềm năng và lợi thế để phát huy hệ sinh thái khởi nghiệp, đây là loại hình doanh nghiệp dựa trên ý tưởng sáng tạo đầu tư vào CNC. Bộ Khoa học và Công nghệ và Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc sẽ đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn tạo điều kiện cho tỉnh Thanh Hóa xây dựng khu CNC như mong muốn của xứ Thanh...

Trong số 24.000 người đang học tập và làm việc tại khu CNC Hòa Lạc thì khoảng 9.500 học sinh, sinh viên và khoảng 14.500 người lao động (trong đó số lượng lao động có trình độ đại học và tương đương trung bình đạt trên 50%, thậm chí có những dự án, tỷ lệ này đạt trên 90%).

PV