dd/mm/yyyy

PCT UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang: “Xử lý nghiêm, kể cả xử lý hình sự doanh nghiệp xả thải ra sông Mã”

Tới thời điểm này, hơn 50 tấn cá nuôi của nông dân hai huyện Bá Thước, huyện Cẩm Thủy dọc sông Mã (tỉnh Thanh Hóa) đã chết. Cơ quan chức năng vào cuộc theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa là dò, đào từng đoạn bờ sông và phát hiện hàng loạt doanh nghiệp chôn ống ngầm xả thải thẳng ra sông Mã.

Trước việc các doanh nghiệp chủ yếu là sản xuất giấy, xả thải rất độc hại thẳng ra sông Mã và không loại trừ đây là nguyên nhân cá chết, nói với Dân Việt, ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa kiên quyết: "Sẽ chỉ đạo xử lý rất nghiêm với những doanh nghiệp này - không có chuyện xuê xoa, xuề xòa. Nếu những doanh nghiệp này thực hiện hành vi do cố ý, thiệt hại do hành vi này gây ra rõ ràng thì không những đình chỉ hay tước giấy phép mà yêu cầu khởi tố hình sự".

Nông dân trắng tay

Ghi nhận của chúng tôi, người nuôi cá lồng tại huyện Bá Thước hơn một tháng nay phải di chuyển lồng cá liên tục, do không ai rõ nguyên nhân nên cứ di chuyển lồng cá trong vô vọng, mất nhiều công sức thời gian mà cá vẫn cứ chết. Khổ nhất là có hộ cứ vài hôm lại kéo lồng cá từ sông Mã vào trong các khu vực khe, suối rồi lại kéo lại cá ra sông Mã nhưng cứ kéo lồng ra sông Mã là y rằng cá lại chết.

PCT UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang: “Xử lý nghiêm, kể cả xử lý hình sự doanh nghiệp xả thải ra sông Mã” - Ảnh 1.

Người nuôi cá lồng ở huyện Bá Thước thức trắng đêm để cứu cá nhưng bất lực.

Gia đình ông Trương Hoàng (xã Lương Ngoại, huyện Bá Thước) đã nhiều đêm mất ngủ để túc trực 2 lồng cá trắm cỏ chuẩn bị cho thu hoạch. Nhưng mọi cố gắng của ông Hoàng hầu như bất lực, đàn cá ông nuôi đã chết gần hết.

Cùng tâm trạng với ông Hoàng, gia đình ông Trần Văn Trường (xã Ái Thượng, huyện Bá Thước) nuôi cá lồng gần 10 năm qua, nhưng đây là đợt đầu tiên cá chết kéo dài như vậy. Gia đình ông Trường hiện đứng trước nguy cơ mất sạch vốn liếng.

PCT UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang: “Xử lý nghiêm, kể cả xử lý hình sự doanh nghiệp xả thải ra sông Mã” - Ảnh 2.

Có những con cá nặng tới 5kg đang sống khỏe mạnh bỗng bỏ ăn, phơi bụng mà chết.

"Tôi nuôi chủ yếu là cá trắm cỏ, giờ trọng lượng khoảng 3-5 kg/con, soạn sửa thu hoạch thì cá chết gần hết. Giờ có muốn bán cũng không ai mua. Mọi nghi ngờ của chúng tôi đổ dồn vào số doanh nghiệp xả thải thẳng ra sông với số lượng lớn", ông Trường quả quyết.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tâm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bá Thước nói: "Một tháng nay, cá tự nhiên, cá nuôi của nhiều hộ dân trên sông Mã đã chết hàng loạt với 4 đợt. Chúng tôi đang đợi kết quả xét nghiệm mẫu nước để xác định nguyên nhân làm cá chết. Nhưng hiện tượng cá chết hàng loạt, kéo dài thế này cộng thêm các doanh nghiệp bị phát hiện xả thải ra sông Mã càng có cơ sở củng cố hơn về nguyên nhân thực sự làm cá chết nhiều như vậy".

PCT UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang: “Xử lý nghiêm, kể cả xử lý hình sự doanh nghiệp xả thải ra sông Mã” - Ảnh 3.

Nhiều con cá của nông dân đang khỏe mạnh, không có dấu hiệu bệnh đều chết hàng loạt.

Cũng tại huyện Cẩm Thủy (tỉnh Thanh Hóa), ghi nhận của phóng viên Dân Việt, có 500 hộ nuôi cá lồng trên dòng sông Mã, ngày 14/4/2021 đến nay với 120 hộ nuôi xuất hiện cá chết, ước khoảng 24,8 tấn cá, tôm tự nhiên các loại bị chết.

Việc xuất hiện cá chết trên sông Mã tại huyện Cẩm Thuỷ (phía hạ du) xảy ra chỉ sau ít ngày ở huyện Bá Thước thông báo cá chết, khiến người dân nghi vấn nguồn nước phía thượng nguồn bị ô nhiễm đã chảy về tới Cẩm Thủy.

"Sau khi nhận tin báo về hiện tượng cá lồng bị chết trên địa bàn, chúng tôi đã trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra và khuyến cáo bà con nên di dời các lồng, bè đến vị trí khác. Tôi nghi vấn trên phía huyện Bá Thước các doanh nghiệp chế biến lâm sản xả thải nên chảy xuống đây mới xảy ra hiện tượng cá chết đồng loạt như thế", ông Hà Thanh Sơn -Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Thủy cũng đặt nghi vấn khi nói với phóng viên.

Nghi vấn đổ dồn vào loạt doanh nghiệp giấy xả thải ra sông Mã

Để làm rõ nguyên nhân cá nuôi lồng, cá tự nhiên trên dòng sông Mã chết tận 50 tấn một cách bất thường, cơ quan chức năng đã vào cuộc và liên tiếp bắt quả tang nhiều doanh nghiệp xả thải thẳng ra sông Mã.

Cụ thể, ông Võ Minh Khoa - Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho biết, sau nhiều ngày quyết liệt truy tìm thủ phạm xả thải trái phép ra sông Mã, UBND huyện Bá Thước đã hoàn thành công tác kiểm tra, có báo cáo kèm theo kiến nghị với UBND tỉnh Thanh Hóa để xử lý.

PCT UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang: “Xử lý nghiêm, kể cả xử lý hình sự doanh nghiệp xả thải ra sông Mã” - Ảnh 4.

Phía Công ty CP Chế biến Lâm sản Phú Thành (xã Thiết Kế, huyện Bá Thước) phải thừa nhận hành vi xả thải ra sông Mã.

Theo đó, sáng ngày 12/4, lực lượng chức năng đã huy động lực lượng tiến hành đào các điểm nghi ngờ có ống ngầm xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường tại cơ sở chế biến lâm sản của Công ty TNHH Tân Thái Thanh. Cơ quan chức năng đã phát hiện cơ sở này có 1 đường ống ngầm, khi đào lên thấy có nước màu vàng chảy ra từ đường ống. Cơ quan chức năng liên tục đấu tranh và mãi tới 18h cùng ngày, đại diện phía Công ty TNHH Tân Thái Thanh mới chịu thừa nhận hành vi xả thải ra sông Mã.

Cũng trong ngày 12/4, cơ quan chức năng của huyện Bá Thước cũng đồng thời kiểm tra các cơ sở chế biến lâm sản của Công ty TNHH Sản xuất thương mại Quyết Duy Tuấn và Công ty Cổ phần Chế biến lâm sản Phú Thành (đều cùng xã Thiết Kế, huyện Bá Thước).

Khi đoàn kiểm tra liên ngành đến làm việc với Công ty Cổ phần Chế biến lâm sản Phú Thành, lãnh đạo công ty này đã thừa nhận có hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Mã.

PCT UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang: “Xử lý nghiêm, kể cả xử lý hình sự doanh nghiệp xả thải ra sông Mã” - Ảnh 5.

Những lồng bè nuôi cá của nông dân giờ trống trơn do cá đã chết sạch.

Còn tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại Quyết Duy Tuấn, cơ quan chức năng phát hiện 1 tấm bạt dạng lưới, màu đen, dài 10 m, rộng 3 m trải dọc ven bờ sông Mã, đoạn giáp với khu xử lý nước thải của công ty này có nhiều biểu hiện nghi ngờ.

Tới thời điểm này, cơ quan chức năng đã xác định 3/5 công ty có hành vi chôn ống ngầm, bơm trực tiếp nước thải từ quá trình sản xuất đũa, giấy chưa qua xử lý ra sông Mã gây ô nhiễm môi trường gồm: Công ty TNHH Tân Thái Thanh, Công ty Cổ Phần Chế biến lâm sản Phú Thành và Công ty Cổ phần Sản xuất thương mại Đồng Tâm TH.

Ông Võ Minh Khoa - Chủ tịch UBND huyện Bá Thước nói, UBND huyện Bá Thước kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét cho dừng hoạt động và thu hồi giấy phép đối với hoạt động sản xuất giấy đối với Công ty TNHH Tân Thái Thanh, Công ty CP Chế biến lâm sản Phú Thành, Công ty CP Sản xuất thương mại Đồng Tâm TH và Công ty TNHH Sản xuất thương mại Quyết Duy Tuấn (địa chỉ tại xã Thiết Kế), đồng thời đưa các công ty này vào hoạt động tập trung tại các Cụm công nghiệp ở xã Điền Trung và Thiết Ống.

"Trước mắt, UBND huyện Bá Thước quyết định hỗ trợ người dân có cá bị chết trong phạm vi của ngân sách huyện cho phép. Huyện cũng đang tiếp tục đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ thêm cho người dân để người dân bớt thiệt hại" - ông Khoa nói.

Tính từ ngày 15/3 đến ngày 16/4, đã có hơn 26 tấn cá lồng của người dân nhiều xã trên địa bàn huyện Bá Thước nuôi ở sông Mã chết. Cá chết kéo dài thành nhiều đợt và diễn ra liên tục. Cá, tôm, hến tự nhiên trên sông cũng chết rất nhiều. Còn tại huyện Cẩm Thủy (hạ du sông Mã, giáp ranh với huyện Bá Thước), tính tới thời điểm này, thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện này, đã có 24, 8 tấn cá của 120 hộ nông dân trên 167 lồng chết.

Nhóm PV (theo DV)