dd/mm/yyyy

Thăng trầm nghề trồng cánh kiến đỏ ở Huổi Lèng

Xã Huổi Lèng, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên đã từng được coi là vùng trọng điểm nuôi thả cánh kiến đỏ của Lâm trường Đặc sản Lai Châu. Qua nhiều biến cố của thời gian, đến nay, nghề trồng cánh kiến đỏ tại Huổi Lèng vẫn được một số hộ dân kiên trì bám trụ.

Nhựa cánh kiến đỏ sau khi thu hoạch ở bản Trung Dình, xã Huổi Lèng.

Nhựa cánh kiến đỏ sau khi thu hoạch ở bản Trung Dình, xã Huổi Lèng.

Hơn 30 năm trước, Lâm trường Đặc sản Lai Châu triển khai dự án nuôi thả cánh kiến trên địa bàn xã Huổi Lèng, hy vọng mang lại cuộc sống ấm no cho người dân. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, lâm trường sớm giải thể, toàn bộ diện tích cây cánh kiến của Huổi Lèng phải chia đều cho người dân. Hàng nghìn hecta cánh kiến đang ở độ trưởng thành không biết bán cho ai và bán ở đâu…

Trước những khó khăn chồng chất ấy, không ít người buông bỏ, nhưng vẫn còn nhiều người kiên trì bám trụ với nghề. Theo thống kê sơ bộ, hiện toàn xã có hơn 350ha cây chủ thả cánh kiến đỏ, tập trung nhiều nhất ở các bản: Huổi Toóng 1, 2; Trung Dình và Huổi Lèng, mật độ trung bình từ 400 - 500 cây/ha. Nếu chăm sóc tốt, thời tiết thuận lợi, giá cả ổn định thì đây cũng là một hướng đi để xóa đói giảm nghèo hiệu quả cho người dân.

Chúng tôi về Huổi Lèng khi cánh kiến đang vào vụ, ghé thăm gia đình ông Hạng Giảng Của, bản Trung Dình - một trong những người còn gắn bó với cánh kiến. Ông Của tâm sự: “Đến thời điểm hiện tại tôi cũng không xác định được diện tích thả cánh kiến của gia đình”. Ông Của chỉ biết, nếu được mùa, mỗi năm gia đình ông thu về gần 1 tấn nhựa cánh kiến tươi. Giá bán lúc tăng lúc giảm nhưng trung bình đạt 60 – 70 triệu đồng/năm.

Tương tự như ông Của, bà Mùa Thị Chứ, bản Trung Dình cũng không thống kê hết diện tích thả cánh kiến của gia đình. Chỉ cho chúng tôi những cây chủ đã đến kỳ thu hoạch, bà Chứ cho biết: “Trung bình một cây to cho thu hoạch 30kg nhựa cánh kiến tươi, cây bé khoảng 8 – 10kg. Giá bán cũng thay đổi theo từng năm. Đã có năm giá cánh kiến lên tới 200.000 đồng/kg. Nhiều hộ dân thấy vậy cũng đua nhau thả cánh kiến. Nhưng cũng có thời điểm, giá nhựa cánh kiến chỉ còn 8.000 – 10.000 đồng/kg”.

Rời Huổi Lèng chúng tôi mang theo nhiều tâm sự về sự thăng trầm của nghề nuôi cánh kiến. Điều khiến chúng tôi suy nghĩ nhiều nhất là hướng tiêu thụ cánh kiến cho người dân. Sản phẩm người dân làm ra nhưng lại không biết chúng được dùng vào mục đích gì, có giá trị ra sao để định giá bán sản phẩm cho chính xác. Thay vì là người chủ động định giá trong giao dịch thì người dân đang trở thành người bị động mặc cho thương lái định đoạt.

Nên chăng, chính quyền, ngành chức năng huyện Mường Chà sớm thành lập một tổ hợp tác sản xuất, hoặc lớn hơn là hợp tác xã để những người còn tâm huyết với nghề cánh kiến ở Huổi Lèng tập hợp nhau lại cùng phát triển, tránh tình trạng bị thương lái ép giá sản phẩm…

Bài, ảnh: Thanh Phong